Vừa ra mắt trên toàn quốc vào 30/3 vừa qua nhưng các mọt phim đã khám phá ra không ít điểm khác biệt ở “Ông ngoại tuổi 30” phiên bản Việt so với bản gốc của Hàn từ 10 năm trước.
Làm lại từ nguyên tắc Scandal makers - bộ phim hài tình cảm có doanh thu cao nhất năm 2008 của Hàn Quốc, Ông ngoại tuổi 30 phiên bản Việt do biên kịch Huỳnh Lập chấp bút và được xây dựng dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Võ Thanh Hoà. Phim có sự tham gia của ca sĩ Trịnh Thăng Bình trong vai chàng MC Sơn Huy phong lưu bất thình lình lên chức “ông ngoại” và “hot girl trà sữa” Kiều Trinh trong vai người mẹ đơn thân Mi Trần đi tìm cha.
Tuy mới ra rạp nhưng nhờ nguyên tác nổi tiếng nên bộ phim cũng được chú ý không kém. Sau 10 năm kể từ khi phiên bản Hàn thành công rực rỡ, phiên bản Việt cũng đã có nhiều điều mới lạ.
Mở đầu và kết thúc hơi bị… lạ
“Scandal makers” tập trung vào “ông ngoại” ngay từ đầu phim
Nếu như những cảnh đầu của Scandal makers năm 2008 ngay lập tức tập trung vào cuộc sống độc thân sang chảnh và giàu có của chàng MC nổi tiếng Nam Hyeon Soo thì Ông ngoại tuổi 30 phiên bản Việt lại không vội vàng giới thiệu ngay nhân vật của câu chuyện. Thay vào đó, phim bắt đầu từ câu chuyện bên lề - một scandal của một nam diễn viên nổi tiếng - và nhân vật được giới thiệu trước cả nhân vật chính lại là tay phóng viên nhiều chuyện Bồng Bềnh (Tùng Leo thủ vai).
Scandal là nỗi sợ của những người nổi tiếng và với chàng MC Sơn Huy của bộ phim cũng không ngoại lệ. Ấy thế mà, anh lại sắp sửa dính vào một scandal có 1-0-2 trong lịch sử.
Nhân vật diễn viên dính scandal trong phim là diễn viên khách mời Võ Cảnh. Anh chỉ có vài cảnh thoáng qua ở đầu và cuối phim mà thôi, nhưng nhờ có một vài đoạn thị phi về nhân vật của anh mà diễn biến bộ phim về sau mạch lạc và rõ ràng hơn: có sự liên kết đầu - cuối để người xem hình dung dễ dàng hơn về bối cảnh nền của bộ phim.
Nhưng Ông ngoại tuổi 30 phiên bản 2018 lại “ém” Sơn Huy lại mà nói về bối cảnh nền nhiều hơn
Bắt đầu đã khác, nhưng đoạn kết lại còn khác hơn. 10 năm trước bộ phim công chiều vào dịp lễ Giáng Sinh nên cảnh cuối của phim cũng mang nhiều âm hưởng của kỳ lễ này, còn lần này Ông ngoại tuổi 30 ra mắt vào những ngày hè sắp sang nên những cảnh cuối cùng của bộ phim là hình ảnh cả gia đình vui vẻ cùng nhau đi du lịch về lại vùng quê cũ.
Không kể đến hàm ý rất Việt Nam này trong bộ phim thì câu thoại cuối cùng của “ông ngoại” Sơn Huy khi nhắc đến “sinh nhật 30 tuổi lần thứ... 10 của mình” trong cảnh cuối này đã góp phần to lớn để giải quyết vấn đề logic phim. Đây vừa là một câu nói đùa, vừa giúp khán giả lý giải được câu hỏi to đùng ngay từ đầu phim - Tại sao Sơn Huy mới 30 tuổi mà đã có con gái hơn 20 tuổi?
Cao trào cảm xúc, cô đọng nhưng đầy xúc cảm
Kịch bản và diễn biến phim đa phần giống trong kịch bản gốc, thế nhưng khi Việt hóa lại, phim vẫn có nhiều đoạn cắt gọt và nhấn nhá cho đậm đà hơn.
Điển hình nhất là cao trào của phim, khi mối quan hệ giữa ông ngoại Sơn Huy và con gái Mi Trần cùng cháu trai Đông Phương có nguy cơ bị phát hiện. Lúc đó, nhân vật nam chính bị đẩy đến mâu thuẫn phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình.
Trong kịch bản, nhân vật này phải đã khá ích kỷ khi muốn con gái mình phải từ bỏ ca hát, thậm chí trong lúc tức giận đã đuổi cô và cháu trai mình ra khỏi nhà. Cùng là diễn biến câu chuyện như vậy nhưng ở nhân vật Sơn Huy của Trịnh Thăng Bình và Mi Trần của Kiều Trinh lại có sự phát triển cảm xúc khác so với 2 nhân vật trong bản phim năm 2008.
Ở bản gốc, Cha Tae Hyun dùng thái độ thương lượng, ít gay gắt hơn khi nói con gái phải từ bỏ ước mơ của mình. Nhưng nhân vật Sơn Huy của chúng ta lại thể hiện những lời gay gắt hơn, sắc độ tổn thương cao hơn.
Kéo theo đó là những giọt nước mắt tủi thân và tuyệt vọng của Mi Trần trong cuộc đối thoại. Khuôn mặt cô đẫm nước mắt, im lặng rơi trong căn phòng tối khiến khán giả xót xa hơn hẳn so với khi nhìn Park Bo Young ngồi thu lu một góc trong phiên bản của Hàn 10 năm trước.
Cũng trong mạch cảm xúc thương tổn sau lời nói “Cha chưa bao giờ muốn có con trên đời này” mà người cha 30 tuổi đã nói với cô con gái từ trên trời rơi xuống, Hwang Jeong Nam của 10 năm trước chọn ra đi trong sự chứng kiến của cha mình. Sáng hôm đó, cô thu dọn hành lý và cùng con trai đi khỏi nhà trong sự im lặng của cha.
Trong khi đó, Mi Trần của Ông ngoại tuổi 30 phiên bản 2018 lại lựa chọn ra đi im lặng trong một đêm mưa, ngay cả cơ hội nói lời tạm biệt, cô cũng không để cho cha mình có thể nói. Tất cả những gì cô để lại chỉ là một bức thư nói rằng cô sẽ không bao giờ làm phiền đến cha nữa.
Cùng là một sự ra đi, hai cách “biến mất” này rõ ràng mang lại hiệu quả cảm xúc khác hẳn nhau. Phiên bản 2018 của bộ phim rõ ràng đã đẩy mạch cảm xúc và mâu thuẫn cao hơn hẳn so với bộ phim cũ và cũng khiến khán giả đau lòng hơn nhiều.
Nhạc phim đậm chất Việt, đậm chất “tuổi 30”
Một điều rất khác nữa mà Ông ngoại tuổi 30 có lợi thể hơn hẳn, đó chính là bản nhạc phim Tâm sự tuổi 30 được Trịnh Thăng Bình sáng tác ngay khi quay dự án này. Bài hát không thể phù hợp hơn khi được nhân vật Sơn Huy biểu diễn trong bộ phim để tỏ tình với người anh thương.
Ca khúc rất hợp với hoàn cảnh của nhân vật nói riêng và còn mang đến sự đồng cảm với nhiều khán giả “tuổi 30” như nam chính Sơn Huy. Hiệu ứng của bài hát rõ ràng tốt hơn hẳn bản nhạc gảy ghi-ta tỏ tình của Cha Tae Hyun trong nguyên tác. Chẳng thế mà từ khóa “Tuổi 30” bỗng chốc được để ý hơn hẳn.
Bài hát “Tâm sự tuổi 30” là sự khác biệt rất lớn của bộ phim
Bài hát “Ước gì” được phối khí lại và được Mi Trần vừa đàn vừa hát khi cô lần đầu lên sân khấu trong cuộc thi “The Vocal” của bộ phim cũng chinh phục không ít fan màn ảnh rộng. Dùng một bài hát đã nổi tiếng và làm mới lại trong bộ phim giúp khán giả cảm thấy vừa quen vừa lạ, nhưng đặc biệt hơn là bài hát này rất phù hợp với tâm sự chất chứa của “người mẹ đơn thân” Mi Trần lúc ấy.
Nhạc phim thuần Việt và phù hợp với tâm trạng nhân vật của là một thành công và khác biệt không nhỏ của bộ phim so với bản gốc.
Bài hát “Ước gì” trong phim do Han Sara cất giọng
Dù là phiên bản remake từ một nguyên tác nổi tiếng, nhưng Ông ngoại tuổi 30 đã được tinh chỉnh hợp lý để kịch bản cũng như nội dung phim phù hợp hơn sau 10 năm kể từ khi lần đầu đến với công chúng. Bản gốc phim đã rất thành công, nhưng dù vậy, bạn vẫn có thể xem lại phiên bản Việt để tìm thấy những xúc cảm mới trong mình.