Phim Trò đời mô tả xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX với tất cả mặt trái cùng sự lố lăng, kệch cỡm còn tươi nguyên giá trị với đời sống hôm nay.
Trò đời - bộ phim được coi là “điểm nhấn phim Việt” năm 2013 - là sản phẩm đầu tiên trong dự án thử nghiệm xây dựng phim từ các tác phẩm văn học 1930-1945 của VTV lên sóng giờ vàng VTV1 từ ngày 9-8.
Sau gần một thế kỷ vẫn tươi mới
Dựa trên 4 tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Ánh sáng kinh thành và chút ít chất liệu từ phóng sự của Tam Lang, Trò đời do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, mô tả xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX với tất cả mặt trái cùng sự lố lăng, kệch cỡm trong đó.
Một bộ phim tái hiện xã hội Việt Nam nhiều thập kỷ trước.
Nhân vật chính của phim được xây dựng chủ yếu trên những nhân vật của bộ tiểu thuyết Số đỏ, mà trung tâm là Xuân tóc đỏ, Đũi, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng… Xuất thân từ nông thôn, ra thành phố tìm cơ hội đổi đời rồi bị những tham vọng sinh tồn làm cho biến đổi trở thành một kẻ láu cá, thủ đoạn, Xuân tóc đỏ và Đũi là 2 nhân vật điển hình của những người nông dân ra thành phố thời bấy giờ. Nhưng khác với Xuân tóc đỏ, có số phận chìm sâu trong sự tha hóa, Đũi đã kịp thức tỉnh, trở lại lương thiện.
Bộ phim cũng khắc họa sinh động một loạt nhân vật khác với những tính cách điển hình như bà Phó Đoan đàng điếm ẩn giấu trong vỏ bọc của một mệnh phụ đoan chính, vợ chồng Văn Minh học đòi theo lối sống phương Tây, Vỹ Cầm dễ dãi, thực dụng... Những nhân vật này đã thể hiện sinh động một xã hội Việt Nam đầy kệch cỡm, giả dối, hợm hĩnh, ích kỷ.
Tạo hình nhân vật Xuân Tóc đỏ làm huấn luyện viên tennis.
NSƯT Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn phim, người đau đáu với Trò đời nhiều năm nay chia sẻ tất cả những sự lố lăng, kệch cỡm, những câu chuyện bi hài này dường như vẫn còn nguyên tính thời sự sau một thế kỷ. Và vì thế, Trò đời là nơi bà mong muốn tái hiện tương đối đầy đủ bộ mặt của xã hội Việt Nam thời bấy giờ, đầy đủ các tầng lớp, sự tha hóa của cả người giàu và người nghèo, điều cho đến bây giờ vẫn tươi mới.
Đầu tư công phu, tốn kém
Tái hiện lại không gian của thành thị Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, Trò đời đã phải đứng trước những khó khăn và áp lực lớn không chỉ bởi việc chuyển thể các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh mà còn cả việc thiết kế bối cảnh, trang phục, hóa trang... Với khoảng 200 nhân vật có độ tuổi từ 18 đến trên 50, Trò đời là bộ phim truyền hình được đầu tư công phu nhất cho phần bối cảnh, phục trang và đạo cụ. Hơn 200 bộ quần áo được NSƯT- họa sĩ phục trang Thu Hà thiết kế và may riêng cho các nhân vật tùy theo từng tính cách. Rất nhiều ngôi nhà cổ được chọn dù chỉ để quay một góc nhỏ, bối cảnh được lựa chọn từ Hà Nội cho đến Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Trang phục trong Trò đời đều rất cổ xưa.
Không giản cổ kính, trầm mặc được tái hiện công phu.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết những người làm phim đã phải trải qua vô vàn khó khăn, cảnh quay nào đạo diễn, quay phim, giám đốc hình ảnh cũng phải ngồi bàn bạc với nhau hết sức kỹ càng. “Có khi 1 cái nhà mà chúng tôi phải làm thành 2 cái, thậm chí cùng 1 bối cảnh nhưng chúng tôi quay lên phim thành 2 nhà khác nhau. Vì vậy, cả đoàn làm phim đều phải suy nghĩ, huy động phương thức tính toán hợp lý để tạo bối cảnh như ý. Chúng tôi thuê những biệt thự bỏ hoang và dùng đạo cụ tái tạo lại để làm trường quay” - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho hay. Nhà quay phim - đạo diễn hình ảnh Nguyễn Hữu Tuấn nói Trò đời là bộ phim được làm công phu và mất nhiều công sức nhất mà ông từng tham gia.
Nghệ sỹ Minh Hằng cũng góp mặt trong phim.
Góp mặt trong bộ phim, không thể không nói đến Minh Hằng vai bà Phó Đoan, Việt Bắc vai Xuân tóc đỏ, Bảo Thanh vai Đũi cùng các nghệ sĩ tên tuổi Quốc Anh, Quang Thắng… Minh Hằng kể vì quen làm phim “mì ăn liền”, không cần trau chuốt kỹ lưỡng nên bị khớp khi vào phim này. “Cả đạo diễn Nhuệ Giang và đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đều rất khó tính. Riêng chuyện phục trang, có lần anh Tuấn bắt tôi thay đổi trang phục tới 4-5 lần mà vẫn không ưng. Trong khi trời mùa đông rét căm căm, chỉ 9-10 độ C. Có những cảnh tôi, mặc áo tơ tằm mỏng tang, đứng diễn mà răng đánh cầm cập” - Minh Hằng kể.
Mở đường cho dòng phim mới Thế mạnh của VFC là dòng phim chính luận, từng có Ma làng, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy, Đàn trời, thời gian gần đây có thêm dòng phim nặng yếu tố giải trí: Cầu vồng tình yêu, Ba đám cưới một đời chồng, Tình yêu không hẹn trước….Tuy nhiên, như thừa nhận của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, để thu hút khán giả quan tâm nhiều hơn đến phim truyền hình trên VTV, việc đa dạng hóa đề tài là cần thiết nhằm hướng đến nhiều đối tượng người xem, trong đó chú trọng đến khán giả trẻ. “Chúng tôi rất ý thức được dòng phim truyền hình đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các chương trình truyền hình thực tế, game show, chương trình ca nhạc... Vì vậy, VFC bắt buộc phải tìm cách để thu hút người xem và đổi món cho khán giả là điều chắc chắn phải thực hiện” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói. Là một trong những dự án đầu tiên của VFC phối hợp thực hiện với hãng phim Hội Điện ảnh, sau Trò đời, Người cộng sự - một bộ phim lịch sử khác hợp tác với Đài Truyền hình TBS Nhật Bản - cũng được VTV giới thiệu với khán giả dự kiến vào tháng 9-2013. Người cộng sự được đầu tư kỹ lưỡng, cẩn trọng và hứa hẹn đem đến cho khán giả một bộ phim hay về chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. |