Vào những ngày mát mẻ, nếu ngại ra Hồ Tây xa xôi ăn bánh tôm, bạn có thể lên phố cổ thưởng thức một trong những quán bánh tôm ngon nhất ở đây, đó là bánh tôm cô Ầm ở ngõ Đồng Xuân.
Bánh tôm cô Ầm ở ngõ Đồng Xuân.
Nhắc đến bánh tôm, người ta nhớ ngay đến câu nói “Đến Phủ Hồ Tây ăn bánh tôm”, đủ để biết sự hấp dẫn và nổi tiếng của món ăn này ở đây. Tuy nhiên ở Hà Nội, đâu chỉ có ở Hồ Tây mới có bánh tôm ngon, phố cổ cũng là một trong những địa điểm được nhiều dân sành ăn nhắc tới nếu không muốn đi xa. Ngoài bánh tôm Hàng Bồ, bánh tôm ngõ Hồng Phúc, bánh tôm cô Ầm ngõ Đồng Xuân là một trong những quán nức tiếng không hề thua kém Hồ Tây.
Bánh tôm "danh bất hư truyền" ngon nức tiếng phố cổ
Quán bánh tôm Cô Ầm có không gian khá hẹp ở một góc nhỏ của chợ Đồng Xuân. Từ quầy làm hàng đến không gian phục vụ khách chỉ vỏn vẹn vài m2 khá bé và chật chội. Chính vì vậy, nếu không để ý kỹ mọi người có thể lướt qua lúc nào không hay. Thế nhưng nếu tìm được nơi đây, bạn sẽ thưởng thức được một món bánh tôm ngon đặc biệt.
Khi đến quán, bạn có thể tìm cho mình một chỗ ngồi xung quanh không gian làm hàng của cô hoặc lấy ghế làm bàn thưởng thức trong không gian khu chợ tấp nập. Bánh tôm ở đây bán theo chiếc khoảng 12 nghìn/chiếc hoặc bán theo đĩa số lượng người ăn để bạn có thể thoải mái lựa chọn. Ngoài ra, ở đây còn có cả nước uống nữa như trà đá, trà chanh, nước sấu,…
Phần bánh tôm siêu to, siêu ngon, siêu giòn
Phải nói, mọi người đến đây ăn bánh tôm có thể yên tâm vì luôn được thưởng thức chiếc bánh nóng hổi ròn rụm vừa mới làm. Mọi khâu làm bánh đều trực tiếp tại quán nên mọi người có thể dễ dàng quan sát cách làm và yên tâm về món bánh tôm nức tiếng khu phố cổ này.
Quán có 2 người phụ vừa làm nguyên liệu, rán và cô chủ quán cắt bánh, chuẩn bị mọi thứ nước chấm, rau cho khách nên sau khi gọi bạn chỉ cần chờ một lúc là đã có ngay phần bánh tôm đầy ụ ngon mắt với những con tôm to và phần rau sống tươi ngon vô cùng hấp dẫn. Nếu đến quán vào lúc đông khách, bạn hãy cố chờ đợi khoảng 20 phút. Mặc dù lâu nhưng bạn sẽ được thỏa mãn với món bánh tôm siêu ngon ở đây.
Đúng là “danh bất hư truyền”, ngon nhất và độc đáo nhất ở quán cô Ầm là phần bột bánh. Không chỉ đơn giản là bánh chiên từ bột mì và bột năng như các quán tôm khác, phần bột ở đây được cô Ầm làm rất công phu. Bột được chọn từ loại gạo ngon xay mịn, hòa cùng nước theo tỉ lệ riêng để phần bột sánh đủ, bột hòa cùng khoai lang thái sợi tăm được múc lên những chiếc khuôn bánh nhỏ, thêm 1-2 con tôm phía bên trên cùng.
Phần vỏ bánh khi chiên vàng sẽ không bị khô quá, cắn giòn rụm trong miệng mà lại bùi bùi ngọt ngọt không ngấy mỡ. Bên trên là 1, 2 con tôm nhỏ, để nguyên vỏ, nhưng rất tươi ngon, ăn vào ngọt mà săn chắc thịt. Bột bánh cũng vô cùng bùi ngậy hợp với hương vị đặc trưng của khoai lang và tôm nõn.
Đặc biệt, những chiếc bánh tôm ở đây càng cuốn hút người ăn hơn bởi sự hòa quyện giữa hương bột thơm phức, mùi tôm đặc trưng được cuốn cùng rau sống tươi ngon rồi dìm trong phần chấm chua ngọt vừa dịu. Chính bởi vậy, nhiều người sau khi thưởng thức đánh giá bánh tôm ở đây ngon hơn cả ở Hồ Tây bởi bánh giòn rụm, nóng hổi, khá to, có cả khoai lang bào mang lại vị bùi bùi, ngọt ngọt, đặc biệt tôm nhiều và to. Tuy nước chấm không quá đặc sắc nhưng rất vừa vặn hợp với bánh khiến ai cũng ăn một lần nhớ mãi không thôi.
Vỏ bánh khiến nhiều người khen ngợi.
Mỗi ngày doanh thu khoảng 1,2 triệu
Chắc hẳn ai đến với quán sẽ đều ấn tượng bởi cái tên cô Ầm và bởi cô chủ quán có gương mặt vô cùng phúc hậu bởi chỉ cần nhìn cô cười là đã sáng rực cả một góc chợ. Cô Ầm bao năm bán ở khu chợ đều khiến mọi người yêu mến với sự thân thiện, nhanh nhẹn, nhiệt tình của mình.
Quán cô Ầm tính đến nay đã được 3 đời nối nghề.
Theo cô Ầm chia sẻ, cô gắn bó với ngõ Đồng Xuân, với món bánh tôm này từ rất lâu rồi. Đến bây giờ cô cũng không nhớ nổi quán của nhà mình bao nhiêu năm tuổi nữa, cô chỉ biết rằng mình được mẹ truyền lại nghề này và đến nay quán đã kế thừa được 3 đời.
Hiện nay, sức đã yếu nên cô phải có 2 người phụ giúp, một người đổ bột với khoai và đặt tôm làm bánh, một người chiên qua lớp dầu cho bánh chín đều còn cô thì làm nốt công đoạn cuối là chiên thêm lớp dầu nữa cho bánh chín vàng đều. Mặc dù có 2 người nhưng cô chẳng lúc nào được ngơi tay bởi khách ra vào nườm nượp, mẻ bánh nào ra là hết luôn mẻ đó.
Chia sẻ về bí quyết làm nên món bánh tôm “danh bất hư truyền” khắp khu phố cổ, cô Ầm cho hay, cô luôn có quan niệm mình ăn thế nào thì làm cho mọi người thế đó nên cô luôn chọn những nguyên liệu ngon, chuẩn, tươi ngon nhất. Mỗi thực khách cô đều coi như người nhà, người thân của mình, vì thế mọi người yêu mến đều gọi cô với cái tên thân mật là U. Ngoài ra, mọi công đoạn cách làm bánh cô không hề giấu giếm mà làm trực tiếp tại quán, mọi người có thể nhìn thấy hết tất cả các công đoạn và tự có cảm nhận của riêng mình.
“Mình ăn thế nào làm thế đó thiết thực nhất. Sáng ra mình mang hết ra đây làm, trộn bột ngoài này không có gì úp mở cả, cũng chẳng giấu giếm gì mọi người đến ăn nhìn thấy hết nên họ yên tâm hơn”, cô thổ lộ.
Ngày nào cô cũng dậy 5h sáng chuẩn bị.
Được biết, quán bánh tôm cô Ầm mở từ 10h30-5h50 mỗi ngày, cô sẽ nghỉ từ 1h30 từ 13h-14h30 để chuẩn bị cho bán hàng buổi chiều. Mặc dù, quán mở bán muộn nhưng sáng nào cô cũng phải dậy từ 5h để chuẩn bị mọi thứ. Mọi người nhìn tưởng công việc bán hàng quán nhàn hạ nhưng thực chất cô giống như có con mọn, phải tỉ mẩm, chuẩn bị từng ly từng tí một cho kịp phục vụ mọi người đúng giờ. Mỗi ngày, cô chỉ được nghỉ ngơi vài tiếng buổi tối.
“Thường với bánh rán lại 9h30 là đã có rồi còn bánh tôm nóng ăn luôn phải 10h30 trở ra mình mới mở bán đến 13h rồi nghỉ đến 14h30 bán tiếp cho đến khi hết bánh”, cô Ầm cho hay.
Theo cô Ầm, hiện nay trung bình quán của cô bán được khoảng 100 chiếc bánh tôm mỗi ngày. Dẫu khách đến đông nhưng vì sức khỏe ngày một già đi cô không cố bán nhiều hay làm hàng thêm để bán. Cô chỉ làm vậy đủ bán cho ngày nào hết ngày đấy, không bị lưu trữ đồ, đảm bảo món ăn luôn tươi ngon nhất.
Với mỗi chiếc bánh tôm giá 12 nghìn, trung bình một ngày cô cũng có được 1,2 triệu đủ chi trả nguyên liệu, người làm và đủ ăn tiêu mỗi ngày. Với cô, quán bánh tôm không chỉ là nguồn mưu sinh mà còn là nơi cô giữ gìn truyền thống ẩm thực gia đình, giúp mọi người thưởng thức món ăn ngon và là cũng là nơi đem lại niềm vui lúc về già.