Chúng tôi đã có một chuyến đi vô cùng thú vị và đáng nhớ: Đó là lặn lội tàu hỏa 700 km để đến thăm kinh đô dang dở - Phượng Hoàng Trung Đô tại xứ Nghệ.
Thực ra, xứ Nghệ tầng tầng di tích nhưng núi Dũng Quyết trở thành một điểm nhấn lộng lẫy trong hành trình eo hẹp về thời gian của đoàn là với ý nghĩa như vậy. Ai cũng biết, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII bước sang đầu thế kỷ XIX là giai đoạn hết sức sôi động và bi tráng trong lịch sử.
Thế kỷ ấy đã in đậm dấu ấn của hai đối thủ họ Nguyễn: Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh. Một người dang dở sự nghiệp của triều đại Tây Sơn khi bất ngờ lâm trọng bệnh và ra đi ở tuổi 39 (1753- 1792) nhưng đầy đặn những huân công. Đó là thiên tài quân sự, hoàng đế kiệt xuất Quang Trung.
Một người trọn vẹn lời thề với 9 chúa, an trị giang san thừa kế tới 13 đời vua nhưng chịu bao tiếng đời “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi dày mả tổ” đến đầu thế kỷ XXI mới có cuộc đánh giá lại của giới sử học dù chưa hẳn đã đồng thuận: đó là vị vua sáng nghiệp triều Nguyễn - Gia Long (1762-1820).
Sơ lược vài dòng để biết, vì cuộc tìm hiểu nghiên cứu về hai triều đại này vẫn còn nối tiếp không kể từ khi nó hình thành cho đến khi kết thúc, mà ở sự lan tỏa cũng như ảnh hưởng tới hậu thế.
Trở lại với chuyến đi, chúng tôi biết đến Phượng Hoàng Trung Đô qua tờ Chiếu năm Mậu Thân (1788): "Chiếu truyền cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp được biết: Ngày trước ủy thác cho Phu tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đây thấy chưa được việc gì? Nay ta hãy hồi giá về Phú Xuân cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy ban chiếu xuống cho Phu tử nên sớm cùng ông Trấn thủ Thận tính toán và làm việc xem đất đóng đô tại Phù Thạch".
Bởi vì trước đó, Quang Trung từng căn dặn: “Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”.
Mảnh đất đại địa này có đủ kết cấu Long Lân Quy Phượng theo cách nhìn phong thủy của người xưa, nay thuộc Lâm viên núi Quyết, phường Trung Đô, TP.Vinh.
Chúng tôi hình dung ra di chỉ của kinh thành này qua mô tả của học giả Hoàng Xuân Hãn: “Ngày nay khoảng giữa núi Quyết và núi Mèo còn thấy dấu tích một toà thành cũ hình gần tam giác. Dấu thành và đường hào đang còn rõ. Cửa Tiền ở phía Nam. Núi Mèo (Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chắp vào núi ấy. Mặt đông bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành. Địa thế thành rất dễ giữ.
Phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phía bên có núi Quyết đều là hào và thành thiên nhiên. Ở giữa thành còn dấu thành trong và nền nhà. Nhất là có nền cao ba bậc ở phía Bắc mà ngày sau, đời Nguyễn dùng làm nền Xã Tắc, đó là chỗ Quang Trung ngự triều trong khi tạm nghỉ ở Nghệ An”.
Và hành hương theo những vang vọng của lịch sử, rằng vua Quang Trung từng xa giá đến đây mấy lần để đốc thúc việc hoàn thành xây dựng nhằm dời đô từ Phú Xuân ra. Tuy nhiên, việc băng hà đột ngột đã cắt ngang khát vọng của vị vua tài ba này, và tư duy Phượng Hoàng Trung Đô đã gửi lại niềm hoài cảm cho hậu thế.
Lời trối trăng của nhà vua: “Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc tang làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân” đã không được thực hiện bởi người kế tục, và mười năm sau, nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn.
Giấc mộng Phượng Hoàng Trung Đô không còn cơ hội nào thành hiện thực!
Chúng tôi trèo lên ngọn núi Dũng Quyết ngày nay đã dựng đền thờ Quang Trung hoàng đế. Chỉ tiếc thời gian còn quá ít, không thể vượt dòng sông Lam qua làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân thăm khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du (1765- 1820). Đây là nhân vật vĩ đại cũng của thế kỷ ấy, tác giả các kiệt tác Đoạn trường tân thanh, Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm, Văn chiêu hồn… và là một trong ba người Việt Nam được vinh danh danh nhân văn hóa thế giới.
Ông là kẻ sĩ sống ở thời loạn, lưu lạc trong cuộc chiến Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Khi Gia Long lên ngôi, ông ra làm quan Tri huyện sau thăng Cai bạ, sau thăng Đông các đại học sĩ, Cần chánh điện học sĩ, Hữu Tham tri bộ Lễ và mấy lần được cử làm Chánh sứ tiếp sứ thần nhà Thanh.
Con người hiểu cao học rộng và là danh sĩ bậc nhất của thời đại luôn ẩn giấu trong tâm trạng một bi kịch lớn của nhân tình thế thái chốn quan trường. Sử sách đương thời nói về ông: "Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì” (Đại Nam thực lục); "Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được” (Đại Nam liệt truyện).
Lên tàu tạm biệt xứ Nghệ mà những câu thơ Nguyễn Du còn đọng mãi:
“Trì thảo vị lan thiên lý mộng - Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân - Anh hùng tâm sự hoang trì sính - Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần”. (Ngoài xa ngàn dặm chưa tàn giấc mộng “cỏ bờ ao”- Mai ở trên sân đã đổi sang một mùa xuân năm khác - Tâm sự người anh hùng không còn nghĩ đến rong ruổi nữa - Trong trường danh lợi nhiều khi cười và nhăn mày).
Câu chuyện còn tiếp diễn với những câu Kiều còn ẩn sâu trong cây cỏ, giữa mây trời và hiện đại hóa trong cuộc tương phùng này: “Một xe trong cõi hồng trần như bay!” của chúng tôi.