Lễ cưới của người Ê Đê rất đặc biệt, trải qua nhiều nghi thức khác nhau trước khi cả hai về sống chung trong một gia đình. Trong số đó, phải kể đến nghi thức "gửi dâu" và "rước rể" với các lễ nghi độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc mà không phải ai cũng biết.
Đồng bào Ê Đê vẫn giữ chế độ mẫu hệ trong đời sống từ xưa đến nay. Cụ thể, trong xã hội truyền thống của đồng bào Ê đê thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến cả các kiến trúc nhà ở, nhạc cụ cồng chiêng... Trong đó, nét đặc trưng nhất là chế độ mẫu hệ thể hiện trong cuộc sống hôn nhân gia đình người Ê Đê.
Có nghĩa rằng, người phụ nữ làm chủ gia đình. Trong hôn nhân người con gái phải đi cưới chồng, con cái sinh ra phải mang họ của mẹ.
Hoa hậu H’Hen Niê chuẩn bị bước lên xe hoa sau khi gật đầu đồng ý trước lời tỏ tình ngọt ngào của bạn trẻ. Một điều khiến khán giả thắc mắc, liệu lễ cưới hạnh phúc sẽ có theo phong tục của đồng bào Ê Đê?
Theo phong tục của người Ê Đê, thông thường sau mùa rẫy, lúa gạo đầy kho, nhà đã chuẩn bị trâu, bò, gà, heo… các cô gái Ê Đê có thể đi hỏi chồng. Lễ hỏi chồng gồm các nghi thức: Lễ hỏi (lễ đưa vòng), lễ thỏa thuận thủ tục “gửi dâu”, lễ rước rể, đón rể vào nhà. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi. Lễ rước rể sẽ diễn ra khi đã hết thời gian thỏa thuận ở dâu bên nhà trai (1-3 năm), nhà gái đã giao đủ khoản thách cưới như được ấn định lúc hôn ước và hai bên gia đình chấp nhận cho đôi vợ chồng về nhà cha mẹ vợ ở.
Sau khi các đôi tình nhân vượt qua giai đoạn tìm hiểu, quyết định đi đến thành hôn thì trước tiên phải thông qua lễ hỏi. Nếu đôi trai gái thuộc hai buôn khác nhau, những người đại diện đi hỏi cưới sẽ mang theo cơm nếp, biểu trưng cho sự gắn kết bền chặt như hạt nếp dính kết với nhau.
Đối với người Ề Đê, chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn có nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh. Bên cạnh đó, trong hôn lễ, nó là chứng nhân cho tình yêu giữa đôi vợ chồng.
Anh hoặc em trai bên nhà gái sẽ cầm một chiếc vòng đã được làm lễ cúng thần để hỏi ý chàng trai. Nếu chàng trai đồng ý, nghi thức trao vòng sẽ được tiến hành, cả cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng, xem như một lời giao ước hôn nhân. Từ thời điểm đó, hai gia đình chính thức trở thành thông gia. Mỗi bên sẽ chọn ra một Miết Ava (người đỡ đầu) để đại diện, giúp đỡ đôi trẻ trong cuộc sống vợ chồng, đồng thời có trách nhiệm khuyên răn và hòa giải khi có bất hòa giữa hai bên.
Tiếp đến, nhà gái sẽ qua nhà trai thỏa thuận về tục gửi dâu ở nhà trai. Thời gian này, nhà trai sẽ thử thách lòng chung thủy, nết na, chịu thương, chịu khó của người con gái trong khoảng thời gian từ 2- 3 năm. Việc này sẽ tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai bên.
Sau thời gian gửi dâu, nếu nhà trai chấp thuận cô gái thì sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể. Nếu người con trai đổi ý, không muốn lấy cô gái thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối.
Ở lễ rước rể, trên đường di chuyển về nhà gái, nam thanh niên thường xuyên bị các nhóm thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại, đòi quà. Đoàn rước rể muốn vượt qua những chướng ngại cản trở, đại diện gia đình chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng.
Theo người Ê Đê xưa quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn. Từ đó, cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc, làm ăn giàu sang, sinh đẻ được nhiều con cái. Chiếc vòng đồng được coi như là lời cam kết thủy chung.
Về nhà gái, già làng thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu, bố, mẹ, chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. Sau đó diễn ra lễ xin phép cha mẹ chồng, lễ công nhận cho đôi vợ chồng. Từ khoảnh khắc thiêng liêng này, hai người đã chính thức gọi nhau là vợ chồng. Chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở về sự thủy chung, kết nối bền chặt giữa cả hai bên. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong hôn nhân sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ.
Trong lễ hỏi chồng của đồng bào Ê Đê, lễ thỏa thuận gửi dâu là quan trọng nhất. Nếu không thỏa thuận được thì không thể có lễ rước rể, trao vòng. Cùng với đó, vai trò của ông mai (đại diện nhà gái) và đăm đai (đại diện nhà trai) cũng vô cùng quan trọng.
Lễ cưới của người Ê Đê không chỉ đơn thuần là một nghi thức đánh dấu sự gắn kết của đôi lứa, mà còn thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua từng giai đoạn từ lễ hỏi, tục gửi dâu đến lễ rước rể, mỗi nghi thức đều mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tinh thần mẫu hệ đặc trưng của cộng đồng Ê Đê.
Những phong tục như việc nhà gái chủ động đi hỏi chồng, thử thách lòng thủy chung hay chiếc vòng đồng tượng trưng cho sự bền vững của hôn nhân đã tạo nên nét độc đáo riêng biệt trong đời sống của người Ê Đê.
Dù xã hội ngày càng phát triển, nhiều phong tục đã có sự điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng giá trị cốt lõi của hôn nhân Ê Đê vẫn được trân trọng và lưu giữ. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là sự khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong cộng đồng. Những nghi thức truyền thống này không chỉ gắn kết các thành viên trong gia đình mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.