Người có trí tuệ cảm xúc cao biết rằng hiểu và quản lý tốt cảm xúc là khía cạnh quan trọng để họ tương tác thành công với người khác. Họ sẽ không nói những điều dưới đây vì biết hậu quả không mong muốn mà chúng có thể mang lại.
1. “Bình tĩnh nào”
Những người thông minh về mặt cảm xúc luôn hiểu giá trị của sự đồng cảm, đặc biệt là khi nói đến việc giải quyết vấn đề với người đang trong tâm trạng buồn bã. Trong khi đó, người thiếu trí tuệ cảm xúc thường dùng câu "Bình tĩnh nào" để nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Câu nói này nghe như một gợi ý hợp lý nhưng thực ra lại khiến đối phương cảm thấy bị coi thường, có thể khiến tình hình leo thang thay vì xoa dịu. Nó làm mất giá trị cảm xúc của người đó, khiến họ cảm thấymình không được lắng nghe hoặc bị hiểu lầm.
Tác động của câu nói này thường trái ngược hoàn toàn với mục đích của nó. Sẽ tốt hơn khi bạn thừa nhận cảm xúc của người đối diện và thể hiện sự hiểu biết của mình, giúp xoa dịu tâm trạng.
2. “Tôi chỉ đang trung thực thôi”
Khi đang cố gắng cung cấp phản hồi hoặc bày tỏ suy nghĩ của mình, chúng ta dễ bắt đầu bằng câu "Tôi chỉ đang trung thực thôi". Vấn đề ở đây là câu nói này thường bị coi là lời biện minh cho sự thô lỗ, giống như việc bạn cho phép mình nói điều gây tổn thương dưới vỏ bọc của sự trung thực.
Một cách xử lý khéo léo hơn trong trường hợp này là đưa ra phản hồi nhạy cảm và chu đáo hơn. Học cách thể hiện sự trung thực mà không gây ra tổn hại không cần thiết là một khía cạnh quan trọng của trí tuệ cảm xúc.
3. “Đó không phải là vấn đề của tôi”
Câu nói "Đó không phải là vấn đề của tôi" là dấu hiệu rõ ràng của việc thiếu trí tuệ cảm xúc. Nó cho thấy sự coi thường vấn đề của người khác và thiếu sự đồng cảm.
Trong tương tác giữa con người với nhau, việc đáp lại bằng sự hiểu biết và đồng cảm có thể giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn. Thay vì nói "Đó không phải là vấn đề của tôi", hãy cân nhắc việc giúp đỡ hoặc ít nhất là lắng nghe. Điều nhỏ bé này hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt.
4. “Đùa thôi mà”
Bạn đã bao giờ nghe ai đó coi một bình luận gây tổn thương hoặc một nhận xét không phù hợp là "đùa thôi mà" chưa? Đó là ví dụ điển hình về một câu nói thể hiện sự thiếu thông minh về mặt cảm xúc.
Câu nói này thường được dùng để né tránh trách nhiệm về tác động lời nói của người đó. Nó làm suy yếu cảm xúc của người có thể bị tổn thương hoặc xúc phạm bởi bình luận.
Thay vào đó, một người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ chịu trách nhiệm về lời nói của mình, xin lỗi nếu họ làm mất lòng người khác và cố gắng tránh đưa ra những nhận xét tương tự trong tương lai.
5. “Tôi không quan tâm”
Câu nói "Tôi không quan tâm" có thể là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về việc thiếu trí tuệ cảm xúc. Mặc dù không có sở thích hoặc ý kiến về mọi vấn đề là điều hoàn toàn bình thường, nhưng việc thể hiện nó bằng cách nói "Tôi không quan tâm" có thể bị người nghe nghĩ rằng đó là sự coi thường hoặc thờ ơ.
"Tôi không quan tâm" có thể đóng lại cuộc giao tiếp và tạo ấn tượng rằng bạn không quan tâm đến những gì người kia nói. Nó tạo ra rào cản trong cuộc trò chuyện và có thể khiến đối phương cảm thấy không được coi trọng.
6. “Bạn luôn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…”
Những câu nói tuyệt đối này có thể cực kỳ gây hại trong các mối quan hệ. Chúng có thể khiến người kia cảm thấy bị chỉ trích và phòng thủ, cản trở giao tiếp hiệu quả.
Khi chúng ta sử dụng“Bạn luôn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…” trong một cuộc tranh luận, đó thường là sự cường điệu chứ không phản ánh đúng thực tế.
Thay vì nói "Anh không bao giờ giúp em làm việc nhà", sẽ khéo léo hơn khi bạn nói rằng "Em nhận thấy dạo gần đây em phải làm hầu hết việc nhà, chúng ta có thể trò chuyện nhiều hơn về việc này không?" Bằng cách cụ thể và tránh tuyệt đối, chúng ta đang thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh hơn.
7. “Gì cũng được”
Câu nói “Gì cũng được” thường là một phần trong các cuộc trò chuyện của nhiều người khi còn trẻ. Đó là một từ dễ dàng được sử dụng khi bạn thất vọng, mệt mỏi hoặc đơn giản là không có tâm trạng để thảo luận.
Tuy nhiên, “Gì cũng được” có thể là sự phủ nhận có hại đối với suy nghĩ hoặc cảm xúc của người khác, báo hiệu sự thờ ơ và thiếu tôn trọng quan điểm. Thay vào đó, bạn có thể nói "Tôi hiểu bạn đang nói đến điều gì", giúp giao tiếp luôn mở và thể hiện sự tôn trọng đối với các ý kiến khác nhau.
8. “Tôi không cần sự giúp đỡ của bạn”
Tự lực là điều quan trọng nhưng việc từ chối sự giúp đỡ bằng câu “Tôi không cần sự giúp đỡ của bạn” thực sự có thể chỉ ra sự thiếu trí tuệ cảm xúc. Nó có thể khiến bạn bị coi là kiêu ngạo hoặc xa cách, ngăn mọi người dành cho bạn sự giúp đỡ trong tương lai.
Nhớ rằng, chấp nhận sự giúp đỡ không phải dấu hiệu của sự yếu đuối mà là thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu, không có gì đáng xấu hổ khi dựa vào người khác lúc cần. Thay vì từ chối thẳng thừng, bạn có thể nói "Cảm ơn vì đã đề nghị. Tôi sẽ nhờ bạn khi cần bất kỳ sự hỗ trợ nào!". Điều này thể hiện sự trân trọng của bạn với hành động của đối phương và giữ mối quan hệ tốt đẹp.