Ban Chiêu, nữ sử gia có một không hai

Ngày 19/03/2014 05:00 AM (GMT+7)

Từ nhỏ, Ban Chiêu đã được gia đình chú ý dạy dỗ nên sớm đã uyên bác, giỏi giang hơn người. Lớn lên, bà thường được mời vào hoàng cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân.

(Trung Hoa Tứ đại tài nữ - kỳ 3)

Trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, trọng nam khinh nữ đã trở thành một tư tưởng cốt lõi và vô cùng phổ biến. Các nữ nhân xưa kia, nếu có học hành thì cũng chỉ thường được dạy dỗ về đàn, múa, hát, vẽ; còn kinh thư, sử sách vốn dĩ chỉ dành cho đấng nam nhi mà thôi. Vì vậy nên, việc xuất hiện một nữ nhân giỏi giang, học vấn uyên bác như Ban Chiêu quả thực là một điều hiếm thấy.

Trong kỳ 3 của Trung Hoa Tứ đại tài nữ lần này, chúng tôi xin được giới thiệu tới tất cả các bạn vị nữ sử gia, chính trị gia nổi tiếng đó!

Ban Chiêu – nữ nhân hiếm hoi uyên bác văn chương

Ban Chiêu (45-116), tự là Huệ Ban. Bà sinh ra trong một gia tộc Nho giáo vào thời Đông Hán, Trung Quốc. Sinh ra, Ban Chiêu đã thừa hưởng truyền thống văn chương rực rỡ của gia tộc. Cha bà là nhà văn nổi tiếng Ban Bưu, anh trai cả bà là Ban Cố - một nhà sử gia cổ đại. Một người anh nữa của bà là tướng quân Ban Siêu, cũng là một nhân vật rất tiếng tăm bấy giờ. Không giống như các nữ nhi bình thường khác, từ nhỏ, Ban Chiêu đã được gia đình chú ý dạy dỗ, nên sớm đã uyên bác, giỏi giang hơn người. Lớn lên, bà thường được mời vào hoàng cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân.

Vậy học vấn của Ban Chiêu nổi tiếng, tinh túy và uyên bác đến mức nào? Thời ấy, có rất nhiều người muốn được Ban Chiêu chỉ dẫn nhưng không phải ai cũng được bà chấp thuận. Truyền thuyết kể lại, một ngày, Mã Dung - học giả lớn cùng thời muốn cầu được sự chỉ dẫn của bà, đã chấp nhận quỳ rất lâu ở bên ngoài thư viện đọc sách để lắng nghe bà dạy dỗ giảng giải. Đối với một nữ nhân trong xã hội phong kiến, thì đây thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu!

Ban Chiêu, nữ sử gia có một không hai - 1

Ban Chiêu (45-116), tự là Huệ Ban. Bà sinh ra trong một gia tộc Nho giáo vào thời Đông Hán, Trung Quốc. (ảnh minh họa)

Năm 14 tuổi, Ban Chiêu được gả cho Tào Thế Thúc. Hai người rất hợp nhau, tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ này rất êm đẹp, thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, năm Ban Chiêu 24 tuổi, Tào Thế Thúc qua đời, Ban Chiêu một lòng thủ tiết thờ chồng, bà chuyên tâm tích cực nghiên cứu, chăm lo, viết nên các tác phẩm sử sách để đời.

Vị nữ sử gia với những tác phẩm để đời

Rành văn chương, giỏi nghiên cứu, tài năng viết văn của Ban Chiêu từ sớm đã được bộc lộ. Trước tiên, có thể kể đến từ quá trình bà giúp anh trai Ban Cố viết cuốn “Tiền Hán Thư”. “Tiền Hán Thư” là cuốn sử ký truyện đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị và giá trị ngang hàng với cuốn “Sử Ký” bất hủ của Tư Mã Thiên thời Tây Hán. Cha của Ban Chiêu là người đầu tiên bắt tay vào việc viết bộ sử này, sau khi cha qua đời, anh trai Ban Cố nối tiếp hoàn thành.Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắm, sau này, do mâu thuẫn với triều đình Hán Hòa Đế, Ban Cố bị tống giam và chết, để lại tác phẩm còn dang dở.

Tiếc thương công lao nghiên cứu của cha và anh, Ban Chiêu đề nghị và được Hán Hòa Đế cho phép vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư. Những phần do bà soạn, từ tập 13 đến 20 và tập 26 được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ “Tiền Hán Thư” được cho xuất bản, đã nhận được sự đánh giá rất cao. Những chương hay và gay cấn nhất của bộ sử cũng đều do Ban Chiêu hoàn thành.

Trong thời gian này, Ban Chiêu dành thêm tâm sức viết nên bộ “Nữ giới”. Bộ “Nữ giới” được coi là một tác phẩm gây ngạc nhiên lớn, bao gồm bảy chương,  mang nội dung hướng đến việc dạy dỗ con gái, nữ giới về việc học, việc nhà… một chủ đề bấy giờ rất hiếm khi được đề cập đến.Trong tác phẩm này, những quan điểm về việc làm vợ, làm mẹ của thời kỳ phong kiến đã được Ban Chiêu trình bày rất cụ thể và rõ nét. Có thể liệt ra đây một trong những dòng viết của bà: “Với phụ nữ mà nói, chồng còn quan trọng hơn cả trời, vậy nên cần kính cẩn chăm sóc; phụ nữ không hiền hậu ắt không có chồng, phụ nữ không có chồng chính là sự đối nghịch với luân lý”.

Ban Chiêu, nữ sử gia có một không hai - 2

Năm 116, Ban Chiêu mất, thọ 71 tuổi. Bà được người đời ngợi ca là một học giả đa tài, mang trong mình những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cổ đại. (ảnh minh họa)

Nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn với triều đại nhà Đông Hán

Thời bấy giờ, nhà Đông Hán có nhiều biến cố lịch sử. Năm 105, Hán Hòa Đế qua đời, Hán Thương Đế lúc ấy còn bé được lên ngôi thì 8 tháng sau cũng mất, triều đình rối ren, phản gián khắp nơi. Lúc bấy giờ, Đặng Tuy thái hậu, vợ của Hán Hòa Đế phải vất vả dẹp loạn, đảm nhận việc triều chính. Khâm phục trí tuệ của Ban Chiêu, Đặng thái hậu vẫn thường xin ý kiến của bà trong việc đại sự và coi bà như thầy.

Thời gian đó, rất nhiều ý kiến, lời khuyên của Ban Chiêu đã tạo nên những chính sách quan trọng trong đất nước. Đặng Tuy thái hậu nhờ vậy đã có những quyết định sáng suốt, điều hành triều đình nhà Hán suốt 2 đời vua và được mọi người đánh giá tốt bởi sự uyên bác, bao dung, lễ độ.

Năm 116, Ban Chiêu mất, thọ 71 tuổi. Bà được người đời ngợi ca là một học giả đa tài, mang trong mình những phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cổ đại. Không chỉ là một nhà sử học, Ban Chiêu còn được biết tới như một nhà văn, một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn.

Đ.A.P
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời