Ông chửi anh: "Mày có phải là con tao đâu mà mày vào đây". Anh không nói gì, cứ kệ ông mắng thoải mái, anh vẫn rửa mặt, vẫn bón cơm cho ông ăn. Ông ngậm miệng không ăn.
Bọn trẻ khi còn nhỏ, chúng khi nào cũng chỉ đinh ninh trong đầu rằng: Chỉ có mẹ mới có thể đẻ ra chúng chứ bố thì làm sao mà đẻ được. Và nhiều đứa không khỏi thắc mắc bố là để làm gì? Thế mới có chuyện, khi giận con, bố mắng: Bố đẻ mày ra mà mày cãi bố mày hả? Thế là con thấy bố nói sai trầm trọng rồi. Nên mới gân cổ lên mà cãi: Bố mà đẻ được ra con à? Mẹ mới là người đẻ ra con chứ? Con biết thừa rồi. Khi còn nhỏ, con ở trong bụng mẹ ấy! Chứ ở trong bụng bố à?
Thì rõ là thế rồi. Giờ có thánh cũng chả giải thích được cho đứa nhỏ hiểu tại sao bố cũng là người tham gia vào cái công cuộc sinh ra con đây! Thế là đành chịu thua vậy. Ừ, thì bố không đẻ ra con nhưng mà vẫn gọi là bố đẻ, cha đẻ kia mà. Chứ có ai gọi là cha nuôi, bố nuôi đâu. Lớn lên đằng nào chúng cũng hiểu. Còn bây giờ thôi thì cứ cho chúng nghĩ: Cha chẳng qua là người mà mẹ chúng lấy về rồi ở cùng nhà mà thôi.
(Ảnh minh họa)
Nhưng ở đời, có người chỉ mong con lớn mà hiểu rằng, chúng cũng mang một phần máu thịt của mình. Thì cũng có những người cha, từ khi con vừa mới lọt lòng đã âm thầm chối từ mối quan hệ ấy với chính đứa con của mình chỉ vì những lời nói vô tình của hàng xóm, bà con, thậm chí là những người dưng xa lạ nào đó...
***
Ông C lấy vợ muộn lắm, vợ ông lại còn trẻ hơn ông cả chục tuổi. Trắng trẻo, phốp pháp hơn người. Mắt thì lúc nào cũng như cười, mà khi cười bình thường thì lại cứ như là cười tít lên. Khiến cho người đối diện không chủ ý cười mà miệng thì cứ nở theo cái tít mắt kia. Thế là từ ngày lấy vợ về ông đã âm thầm ghen tuông. Ông không muốn vợ giao tiếp với bất cứ ai kể cả là hàng xóm láng giềng bên cạnh.
Chẳng may mà vợ ông nói chuyện với người đàn ông nào đó mà bị ông bắt gặp là y như rằng mặt ông nặng cả tấn, mắt nhìn như lò lửa hừng hừng, nóng nảy. Những khi ấy vợ chỉ biết cúp đuôi mà về nhà, chuẩn bị tai mà nghe ông đay nghiến. Cái tính hay ghen của ông ai cũng biết. Có người biết để tránh, nhưng cũng có người biết thế lại cố tình trêu ngươi ông.
Rồi vợ ông mang bầu, ông cũng vui mừng lắm lắm, vì ở cái tuổi của ông, ông khát con lắm rồi. Thằng con trai ra đời, khỏi phải nói là ông mừng như bắt được vàng. Ông cứ ra ra vào vào bệnh viện suốt chỉ là để nhìn thằng con trắng trẻo, bụ bẫm, xinh xắn của mình. Thế nhưng một hôm, khi ông vừa bước tới cửa thì nghe thấy người đàn bà ở giường bên cạnh sang chơi với vợ con ông. Bà ta không ngừng xuýt xoa khen thằng con của ông kháu đáo kháu để. Ông nghe mà tự hào quá đỗi.
Nhưng rồi người đàn bà ấy có nói mấy câu khiến mặt ông tối sầm lại: Mà gớm, cái thằng tó con này, đáng yêu chỉ muốn cắn cho cái. Nhưng mà lại chẳng có nét nào của bố nó cả. Sao mà xinh thế không biết được nữa. Nghe xong ông quay ngoắt ra ngoài sân. Ông ngồi đó, châm thuốc hút. Tới khi muộn mới vào đón vợ con về nhà.
Mọi khi ông cứ vào là vồ vập ôm ấp thằng con. Nhưng khi về, ông không ẵm con mà để cho vợ ẵm. Mặc dù vợ mới sinh xong. Mặt ông cũng không hớn hở như mọi khi, cũng không làm trò với con nữa. Vợ ông thấy cũng lạ, nhưng lại nghĩ chắc ông có chuyện gì không vui nên cũng không hỏi gì.
Lại thêm khi vợ con ông về nhà, thì bà con lối xóm, họ hàng sang thăm. Ai cũng khen con ông xinh xắn, đáng yêu. Nhưng cái câu: Thằng này chả giống bố nó gì cả. Hay thằng cu giống mẹ xinh quá! Rồi: Nhìn hai bố con mà cứ như cục than với cục bột, chả có nét nào của bố cả! Thằng này giống ông hàng xóm rồi…
Ông cứ nghe đi nghe lại những câu nửa đùa nửa thật ấy. Để rồi từ chỗ nghĩ đây là con của mình, ông lại nghi ngờ, rồi ông phủ nhận, rồi ông tin rằng: Đó không phải là con của mình từ lúc nào chính ông cũng không biết nữa. Chỉ biết, ông không muốn nhìn con, không muốn bế con, nghe con quấy khóc ông chỉ thấy bực mình, khó chịu… Nhìn vợ thì lại càng khó chịu hơn.
Thậm chí, từ chỗ âm thầm chịu đựng một mình, ông bắt đầu tra khảo vợ: Nó là con của ai? Cô khai ra đi! Vợ ông lúc đầu tưởng ông đùa, sau thì biết ông nghi ngờ thật. Vợ ông chỉ biết khóc: Nó không là con của ông thì là con của ai? Ông gằn lên: Là con của tôi à? Là con của tôi sao ai cũng bảo nó không giống tôi, không có nét nào của tôi?... Vợ ông khóc nấc: Cái đó làm sao tôi biết được. Nó không giống ông thì giống ai?
Ông lại rít lên trong cổ họng: Nó giống ai chỉ có cô mới biết, tôi biết được à? Thế là vợ ông chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Ngày ấy cũng ở quê cũng chả ai biết đi xét nghiệm AND là cái gì cả. Mà vợ ông chỉ có ông thì cần gì phải xét nghiệm cái gì? Rồi thời gian trôi đi, ông sẽ hiểu ra thôi. Hàng xóm sau khi biết chuyện cũng không ai dám trêu thằng cu không giống với bố nó nữa.
Họ vẫn ở cùng nhau nhưng ông tuyệt nhiên coi thằng con trai của mình như người dưng. Dù thằng bé lớn lên xinh xắn, trắng trẻo chỉ có điều nó giống mẹ nó chứ không giống cha. Rồi vợ ông sinh thêm một đứa con gái nữa.
Ngược hẳn với cậu con trai, cô con gái không ai còn dám chê không giống ông nữa vì giống ông thật. Khổ, giá mà con bé giống mẹ thì còn có nhiều nét xinh xắn, đằng này giống bố nên con bé cứ đen nhẻm, dài ngoằng ngay cả khi lớn lên. Nhưng ông lại chiều chuộng con gái hết mực. Có cái gì ông cũng chỉ dành cho con gái, đi học ông cũng đưa đón… Hai đứa trẻ cùng cha cùng mẹ sinh ra nhưng lại bị cha đối xử như hai anh em cùng mẹ khác cha vậy.
Hai đứa con của ông lớn lên, trưởng thành. Đứa con gái thì lấy chồng xa. Thế nhưng mỗi khi mang cháu về nhà là ông bế ẵm, chăm chút cẩn thận lắm. Nhưng con của thằng con trai thì ông mặc nhiên không trông nom gì. Người con trai cả biết bố đối với mình lạnh lùng như thế thì cũng tủi thân lắm. Nhưng anh nghĩ, có lẽ số anh nó thế, không được hưởng sự ấm áp từ cha mình. Thôi thì làm con sao chọn được mẹ cha. Nên anh luôn nhủ với lòng mình sống sao cho con cái nhìn vào mà học tập theo. Chứ nếu bạc với cha, sau này, con nó lại bạc với mình.
(Ảnh minh họa)
Anh vốn là người chăm chỉ, nên mấy năm đi làm bên ngoài, anh cũng tích cóp được tiền, xây lại cho cha mẹ ngôi nhà mới khang trang hơn. Ai cũng khen anh ngoan ngoan, hiếu thảo. Thế nhưng ngày lên nhà mới, ông không thèm bước chân lên. Ông vẫn ở căn nhà kho nhỏ gần bếp. Ai nói gì ông cũng không nghe. Thế là anh con trai lại xây cho ông một căn phòng nhỏ bên trái nhà, để phá cái bếp và nhà kho cũ đi xây bếp mới. Có vậy, ông mới chịu chuyển vào căn phòng đó ở. Vợ chồng anh con trai cũng về ở cùng để chăm sóc cha mẹ khi về già.
***
Ngày ông bị tai nạn rồi chuyển từ viện về nhà, ông nằm liệt giường, nhưng ông không cho anh con trai vào phòng. Chỉ có vợ ông chăm. Từ ăn uống, cho tới vệ sinh cá nhân. Nhưng rồi một hôm anh con trai bảo mẹ: Mai mẹ cứ để con chăm cha. Thế là trừ ban ngày anh đi làm, sáng anh dậy sớm vệ sinh cá nhân cho cha, bón cho cha ăn. Lúc đầu ông không đồng ý, ông chửi anh: Mày có phải là con tao đâu mà mày vào đây? Anh không nói gì, cứ kệ ông mắng thoải mái, anh vẫn rửa mặt, vẫn bón cơm cho ông ăn. Ông ngậm miệng không ăn.
Tối, anh đi làm về, lại vào thay quần áo, có hôm thì tắm, vệ sinh cho ông. Ông xua đuổi không cần. Nhưng việc anh anh cứ làm. Mà rõ ràng là anh làm khéo hơn là vợ ông. Dần dần, nói nhiều, phản kháng nhiều ông cũng mệt nên đành để anh thích làm gì thì làm. Bón cơm thì ông ăn, cho uống nước thì ông uống, cho ông tắm thì ông tắm, vệ sinh cho ông thì cứ làm… Nhưng như thế không có nghĩa là ông coi anh là con trai mình.
Một hôm, ông nói với anh: Sao anh phải làm thế? Tôi không coi anh là con thì anh cũng không cần phải có trách nhiệm gì với tôi. Càng không phải thương hại tôi.
Anh nhìn người cha trái tính trái nết, ương bướng của mình bất lực nằm trên giường với đôi mắt lạnh lẽo nhìn anh mà thấy trái tim mình trĩu nặng. Anh khẽ nói với ông: Con làm không phải vì trách nhiệm, nghĩa vụ, càng không phải là thương hại. Mà vì con là con trai của cha. Con chăm là con chăm cha con đó!
Ông cười khẩy: Anh nhìn xem, tôi và anh có giống nhau tí nào không?
Anh khẽ khẽ mỉm cười: Con giống cha đó. Giống cái tính ương bướng và bảo thủ của cha!
Ông lặng đi vài giây rồi nói tiếp: Dù gì, anh vẫn không phải là con tôi!
Anh nhìn ông với đôi mắt rưng rưng buồn: Cha… hôm ở viện, là con truyền máu cho cha đó!
Rồi anh bước ra ngoài. Ông vẫn nằm bất động trên giường. Cả cơ thể ông đau đớn không cử động được nữa. Chỉ có giọt nước mắt hối hận, đục ngàu lăn dài trên gò má xương xẩu, già nua của ông. Và trong lồng ngực, trái tim ông đau nhói!