Thời Nam Bắc triều, nếu con gái không chịu lấy chồng, người nhà sẽ phải chịu hình phạt nặng nề này...
Chính sách quy định độ tuổi kết hôn của con gái
Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả.
Ngay từ khi lên ngôi, để khắc phục tình trạng hao hụt dân số do chiến tranh thời Tam Quốc, Tấn Vũ Đế đã đề ra chính sách con gái đến độ tuổi quy định buộc phải xuất giá, nếu không quan phủ sẽ cưỡng chế bằng cách thay cha mẹ tìm đối tượng cho cô ta.
Đến tuổi xuất giá mà không chịu lấy chồng, những cô gái này sẽ bị coi là tội đồ.
Đến thời Nam Bắc triều, con gái đến tuổi không chịu lấy chồng sẽ bị coi là phạm pháp, người nhà sẽ phải ngồi tù. Những điều này được ghi chép trong cuốn “Tống thư Chu lãng truyện”, “Nữ tử thập ngũ bất giá, gia nhân tọa chi”. Việc ép con gái xuất giá ban đầu là nhằm mục đích tăng nhân khẩu nhưng sau này dần dần lại giải quyết vấn đề ế vợ của rất nhiều đàn ông trong xã hội.
Thời xưa việc hôn nhân của con cái do cha mẹ định đoạt, hoặc thông qua các bà mối. Bà mối đại diện cho nhà trai để mai mối, đây là cách làm dân gian theo truyền thống. Còn quan phủ làm mai là trách nhiệm nhằm giải quyết vấn đề độc thân cho các viên chức của mình. Quan phủ có quyền tìm cô gái phù hợp và chỉ định hôn nhân cho một người đàn ông độc thân, thường là những người đã quá lứa, già mà vẫn chưa có vợ.
Quan phủ có quyền tìm cô gái phù hợp và chỉ định hôn nhân cho một người đàn ông độc thân.
Hẹn hò trước hôn nhân cũng là phạm pháp
Do đàn ông nhiều hơn nên việc quan viên làm mai mối cũng là cơ hội để kiếm rất nhiều tiền. Nhằm không để cho các đôi nam nữ qua mặt tự tìm đến với nhau nên đêm đến các quan thường đi tuần ở các ngõ nhỏ, những nơi vắng vẻ là những nơi nam nữ thường tự tình. Nếu phát hiện ra có cảnh đôi lứa đang tâm sự thì chàng trai sẽ bị đuổi đi.
Quả phụ thời cổ đại thường không dám tái giá hoặc rất khó tái giá, họ mang nặng tư tưởng phận đàn bà “xuất giá tòng phu”, hơn nữa lại cho rằng “đã là gái ngoan không lấy hai chồng”, chính vì thế mà chồng chết đa phần phụ nữ đều ở góa thủ tiết thờ chồng.
Do mê tín nên người xưa cho rằng một người phụ nữ mà lấy hai chồng là không có lòng tự trọng, sống thì bị mọi người coi rẻ, chết cũng không được yên, xuống âm phủ sẽ gặp nhị quỷ.
Một số dân tộc thiểu số phương Bắc Trung Quốc thì lại không coi quả phụ là kẻ đáng bị coi thường.
Nhưng để cân bằng tỉ lệ hôn nhân giữa nam và nữ ở những nơi mà đàn ông nhiều hơn đàn bà bất kể là hình thức bà mối hay quan mối đều rất ủng hộ việc quả phụ tái hôn chứ không bắt ép quả phụ phải tuân theo "tam cương ngũ thường".
Thời cổ đại, trong mắt đàn ông, đàn bà đã qua một lần đò hay quả phụ đều xếp vào hàng thấp kém, không thể ngẩng đầu lên với xã hội, bị người đời coi thường. Trừ những tiểu thư khuê các, lá ngọc cành vàng mới có quyền lựa chọn hôn sự cho mình.
Một số dân tộc thiểu số phương Bắc Trung Quốc thì lại không coi quả phụ là kẻ đáng bị coi thường, đặc biệt trong nội bộ gia tộc, em chồng lấy chị dâu, phận dâu lấy chú chồng là chuyện bình thường.
Thậm chí có một số tộc người còn có phong tục "thê hậu mẫu”, tức con trai có thể lấy vợ bé của cha. Trường hợp điển hình là nàng Vương Chiêu Quân, một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc đã lấy con trai của chồng là Phục Chu Luy Nhược Đề khi chồng chết.
Ngoài ra còn có chế độ "nhất thê đa phu". Đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều vùng đông dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Nghĩa là một người phụ nữ có thể lấy nhiều chồng hoặc vài người đàn ông cùng lấy chung một người phụ nữ. Hiện tượng thường thấy là mấy anh em trong một nhà lấy chung một vợ.