Huyền luôn nói rằng, một bà mẹ chồng bị bệnh tim sẽ lợi hại gấp ba lần mẹ chồng khỏe mạnh, và cô chính là ‘vật kiểm chứng’ sự lợi hại đó.
“Em phải nhịn, mẹ bị bệnh tim đấy”
Đó là lời mà chồng Huyền vẫn nhắc đi nhắc lại mỗi khi cô định kêu ca về sự vô lý của mẹ chồng. Anh bảo, dù em có ấm ức đến mấy thì cũng không chết được, nhưng nếu em làm mẹ anh tức, mẹ lên cơn đau tim mà chết thì em đừng có trách.
Trước đây Huyền không biết chuyện mẹ chồng có bệnh tim vì trông bà hoàn toàn khỏe mạnh, cho đến sau đám cưới khoảng ba tháng. Hôm đó mẹ chồng bảo cô ướp miếng thịt ba chỉ để quay, cô làm theo. Nhưng một giờ sau, bà lại đem các thứ khế chua, chuối chát ra bảo thái mỏng để ăn kèm với thịt ba chỉ luộc. Huyền ngơ ngác: “Luộc nữa hả mẹ? Con đem ướp để quay hết rồi”. Mẹ chồng cáu, bảo tao đang thèm ăn thịt luộc, thế mà mày lại đem quay là sao. Nàng dâu ngạc nhiên mà rằng, con làm theo lời mẹ dặn.
Mẹ chồng quát lên: “Tao bảo mày quay bao giờ? A con này láo, đã làm sai lại còn dám đặt điều cho tao hả?”. Huyền bảo, chắc tại mẹ quên, chứ rõ ràng mẹ bảo con ướp để quay. Đến đây thì mẹ chồng hét: “Mày còn dám nói tao lú lẫn nữa hả? Trời ơi”, rồi bà ôm ngực nhăn nhó, kêu thảm thiết, khiến cô em chồng từ phòng riêng lao ra, rối rít đỡ mẹ. Thấy mẹ tay ôm ngực, tay chỉ về con dâu, mắt trợn lên nói không ra hơi, em chồng xót xa mắng: “Chị định hại chết mẹ tôi phải không?”.
Mẹ chồng quát lên: “Tao bảo mày quay bao giờ? A con này láo, đã làm sai lại còn dám đặt điều cho tao hả?”. (ảnh minh họa)
Huyền tâm sự: “Lúc đó tôi sợ quá, nghĩ bà ấy mà chết hay bị làm sao thì tôi thành kẻ giết người. Thế là tôi dù biết mình không sai cũng xin lỗi rối rít. Tối hôm đó, cả nhà dặn tôi rất kỹ là không được làm trái ý mẹ, kẻo mẹ chết vì đau tim thì tôi sẽ phải ân hận suốt đời”.
Từ đó, mẹ chồng công khai hành hạ Huyền, cả nhà ai cũng biết nhưng đều coi chuyện cô phải chịu là đương nhiên. Đôi lần Huyền tức quá, bật lại vài câu thì bà lại ôm ngực, có lần còn đau đến nỗi con cái phải đưa đi cấp cứu. “Đến bệnh viện thì bà ấy lại bảo đỡ rồi, đòi đi về. Mà lần nào cũng vậy, hễ tôi biết tội mà xin lỗi, rồi bị cả nhà trách mắng xong là bà ấy khỏe ngay, chả còn dấu hiệu đau đớn gì nữa”, Huyền nói.
Bức bối quá, Huyền than với chồng, nói rõ mẹ vô lý thế nào, mình phải chịu oan ức ra sao. Nhưng anh bảo: “Con dâu nhịn mẹ chồng một chút là bình thường. Sao em cứ so đo với cả người bệnh thế?”. Mới cưới có một năm mà Huyền đã thấy dài như cả thế kỷ. “Em muốn ly dị. Nhưng chẳng lẽ khi ra tòa, người ta hỏi lý do ly hôn, em lại bảo vì mẹ chồng bị bệnh tim?”, Huyền cười khổ.
Mẹ chồng của Thu không bị đau tim nhưng huyết áp lại rất cao. Bác sĩ cảnh báo gia đình phải lưu ý chuyện ăn uống, nóng lạnh và cả tâm trạng của bà, vì nguy cơ đột quỵ khá lớn. Chả cần ai trong nhà chồng phải nhắc, chính Thu đã chứng kiến ngay trong tuần đầu tiên về làm dâu. Hôm đó bố chồng uống hơi say, mắng oan vợ mấy câu, bà cãi không được, mặt đỏ bừng, thở hồng hộc, tay vịn vào cạnh bàn, khiến cả nhà chết khiếp, vội vàng đỡ bà ngồi xuống, pha ngay ly trà tâm sen. Cô con gái đem máy ra đo, thấy huyết áp tăng vọt, ai nấy lè lưỡi.
Thu hết hồn, tự nhủ mình phải cư xử thận trọng, kẻo giận chồng mà bà đã như vậy, nếu giận con dâu thì không biết cơn tăng xông của bà còn ghê đến đâu. Vì thế, cô nhịn mẹ chồng trong mọi tình huống, có bị mắng oan hay đối xử bất công cũng cứ cười trừ cho qua chuyện. Tuy nhiên, nhiều lúc Thu cảm thấy căng thẳng và bức xúc quá mức chịu đựng.
Mẹ chồng ốm, con dâu cũng phát bệnh
Khi chị Oanh về làm dâu thì mẹ chồng đã bị tiểu đường được mấy năm. Bà không ăn kiêng được như chỉ dẫn của bác sĩ nên bệnh ngày càng nặng, sức khỏe sa sút, bắt đầu có dấu hiệu biến chứng ở thận. Bệnh tật và sự kiêng khem khiến bà khó tính và khó ở, lúc nào cũng muốn tìm người trút giận mà con dâu là mục tiêu lý tưởng.
Bệnh tật và sự kiêng khem khiến bà khó tính và khó ở, lúc nào cũng muốn tìm người trút giận mà con dâu là mục tiêu lý tưởng. (ảnh minh họa)
Những lúc thấy mẹ chồng ăn bánh kẹo, Oanh lo lắng can ngăn, bị bà mắng là cố tình làm cho bà đói chết. Hễ gặp ai bà cũng tố, con dâu tiếc với bà từng mẩu bánh, đang ăn dở cái kẹo cũng bị nó nói nặng nói nhẹ; nó đi siêu thị tha về cho con cả đống bim bim, thế mà bà nhờ mua giúp vài phong chocolate thì nó tiếc tiền, chỉ mang về mấy loại trái cây nhạt hoét, lại còn xoen xoét nói là lo cho mẹ.
Không thèm kiêng đồ ngọt nhưng có lần, mẹ chồng Oanh hét toáng lên, kêu cả nhà ra “xử” chị vì tội đầu độc mẹ chồng, dám cho đường vào món thịt kho tàu. Thực ra, Oanh luôn lưu ý nấu những món ăn phù hợp với bệnh tật của mẹ chồng, nhưng con trai chị đòi ăn thịt kho tàu và nhất thiết phải có đường, nên chị nấu riêng cho nó một ít, còn cả nhà đã có nhiều món khác. Oanh giải thích như vậy, nhưng mẹ chồng vẫn khăng khăng bảo cô hành hạ bà, biết bà thích đồ ngọt nên cố ý nấu món này cho bà chết thèm, dụ bà ăn cho chóng chết.
Điều đáng nói là cả gia đình, từ bố chồng đến chồng và các em, đều không hiểu và thông cảm cho Oanh, nên thường xuyên theo lời bà mẹ để mắng mỏ, răn đe chị. Dù cố gắng đến mấy, Oanh vẫn cứ bị mang tiếng ác là ngược đãi người bệnh, có bụng xấu với mẹ chồng.
Sau mấy năm, Oanh bị trầm cảm nặng, đến mức bố mẹ đẻ phải sang đem chị về nhà mình. Mẹ đẻ Oanh đay nghiến thông gia: “Bà bảo bà ốm cái gì? Chính bà đày đọa con tôi đến phát bệnh thần kinh thì có”. Đến giờ đã gần 1 năm, Oanh vẫn ở nhà mẹ, chồng chị bảo có chân đi thì phải tự về chứ không sang đón. Chắc sớm muộn gì họ cũng ly hôn.
Bệnh của mẹ chồng là vòng kim cô của nàng dâu
Thực ra, cũng có nhiều ông chồng biết đến sự thiệt thòi của vợ khi phải nhịn bà mẹ chồng hay làm mình làm mẩy bởi trong người có bệnh. Anh Vinh, 37 tuổi, sống ở Đống Đa, Hà Nội, kể, mẹ anh không mắc các loại bệnh mà hễ tức giận là có thể “đi” ngay, nhưng căn bệnh gan khiến bà cũng hay chán ăn, mệt mỏi. Hễ giận con cháu điều gì là bà tuyệt thực, nhịn đến mấy ngày cho lả cả người đi, bảo “để tao chết sớm cho chúng mày rảnh nợ”. Trong trường hợp ấy, để bà chịu ăn uống, người nào bị bà giận thì người ấy phải xin lỗi và “nghiêm khắc tự kiểm điểm” trước mặt bà.
“Có điều qua nhiều lần mẹ tôi tự hành hạ bản thân để dằn mặt con cháu, tôi nhận ra bà chỉ làm thế với mỗi vợ tôi, cho dù cô ấy đối với mẹ rất tốt, còn thằng em út nhà tôi mới là đứa ngỗ ngược hay gây chuyện. Nhìn vợ oan ức mà vẫn phải xin lỗi, nịnh nọt để mẹ cho phép y tá truyền nước kẻo kiệt sức, tôi thấy thương. Lúc mẹ khỏe mạnh, bình tĩnh, tôi có góp ý thì bà lại khóc ầm lên, bảo tôi có vợ thì bênh vợ, hắt hủi mẹ, rồi lại đòi nhịn ăn. Tôi cũng đành thua”, Vinh nói.
Để giải tỏa stress cho vợ, anh luôn phải an ủi chị, tỏ ra thấu hiểu. Được chồng quan tâm, vợ anh trào nước mắt, dúi đầu vào ngực chồng, xổ ra một tràng ấm ức, cả tiếng đồng hồ vẫn chưa trút hết. Vinh cười, vỗ vỗ vào lưng vợ: “Được rồi, có gì oan uổng cứ trút hết cho anh, rồi chịu khó chiều mẹ tí nhé. Coi như bệnh của mẹ là cái vòng kim cô siết lên đầu em đi, em phải chịu vậy. Sau này em thành chính quả là cái vòng ấy tự khắc sẽ bung ra, như con khỉ Ngộ Không ấy”.
Vợ anh phì cười, bụng nghĩ chắc mẹ trăm tuổi thì mới tháo nổi vòng. Nhưng vì được chồng thấu hiểu nên chị cũng nhẹ lòng, thành tâm chăm sóc, chiều chuộng mẹ chồng mà không thấy oán giận nữa.