Đó là câu chuyện buồn của một bà lão đã 70 tuổi trong một khu chung cư nhỏ ở thành phố Hải Phòng.
Ở cái chung cư nhỏ nơi thành phố Hải Phòng này, có ai mà không biết bà Lành cùng hoàn cảnh của bà. Tính bà tốt là thế nhưng số lại cô đơn. Hơn 70 tuổi rồi mà chẳng có con cháu kề bên chăm sóc. Bà chỉ có một mình quanh năm suốt tháng cũng chẳng thấy con cháu đến thăm. Ngày lễ tết thì thấy bà vắng nhà ít ngày rồi cũng nhanh chóng trở về căn phòng của mình, thui thủi qua ngày. Thấy mà tội.
Kể ra thì thấy số bà thật khổ. Lập gia đình trễ, lại chậm con nên bị gia đình chồng hắt hủi. Tận ba mươi mấy mới có mụn con trai đầu lòng là anh Tuấn. Đến lúc anh Tuấn lập gia đình thì chồng bà qua đời. Nhà bà cũng nghèo, nên lúc cưới vợ cho con trai, có bao nhiêu vốn liếng bỏ ra hết.
Những tưởng cuộc sống của bà đến đó là hết khổ. Ai có ngờ, anh Tuấn làm ăn thua lỗ, thiếu tiền nên bà phải bán nhà cửa rồi đến chung cư ở từ đó. Căn chung cư này cũng không phải thuộc dạng tiện nghi trong thành phố, chỉ tạm chấp nhận sống được.
Nói ra thì nhà thông gia của bà Lành cũng khá giả. Hồi con trai mắc nợ, cũng một tay con dâu chạy tới chạy lui lo lắng, phần của bà bỏ vào cũng chỉ giải quyết được một phần trong đó. Từ lúc anh Tuấn sa sút thì chị vợ tỏ ra khinh thường gia đình chồng. Rồi làm mình làm mẩy đòi về nhà mẹ đẻ sống. Lúc này, con dâu bà đã mang thai được mấy tháng, ở chung cư cũng không tiện leo lên leo xuống nên bà đành để con dâu về nhà ba mẹ ruột.
Anh Tuấn thì thời gian đầu còn chạy qua chạy lại hai bên, về sau chẳng biết con dâu nói thế nào thì theo vợ sang bên nhà sống, bỏ mình bà Lành tự lo. Bà buồn trong lòng nhưng cũng không nói ra. Bà nghĩ dù sao bà cũng còn mạnh khỏe, có thể tự lo được. Lúc cần, cuối tuần con trai về thăm là được rồi.
Nhiều người bất mãn, hàng xóm ở chung cư cũng khuyên bảo nhưng bà Lành cứ cười hiền rồi bảo rằng vì bà thương con chứ không ai ép. (Ảnh minh họa)
Hai vợ chồng con trai làm cùng công ty. Sống cùng một thành phố, thời gian sinh hoạt cũng như nhau nhưng cả hai lại thường bảo bận rộn rồi không về. Bà Lành vì thương con, sợ sống bên vợ không tiện bề sinh hoạt nên lâu lâu lại làm đồ ăn mang đến công ty của con. Mà hai vợ chồng làm cùng, lần nào bà cũng làm thêm phần cơm cho con dâu. Với cả lúc ấy chị đang mang thai nên bà cũng đặc biệt chăm chút cho chị tẩm bổ.
Đến lúc sinh cháu nội, bà có đến nhà thông gia ở một thời gian để phụ trông cháu. Đến lúc thằng nhỏ được sáu tháng, con dâu đi làm lại thì cũng thuê vú em chứ không cho bà nội chăm nữa.
Bà Lành lại thui thủi một mình, lặng lẽ sống qua ngày trong chung cư nhỏ hẹp. Con trai lâu lâu có về thăm bà nhưng thường chỉ đến gửi chút tiền rồi đi ngay, chẳng bao giờ ở lại với mẹ già. Bà Lành cũng chỉ như bao người mẹ khác, mong muốn hằng ngày có cháu bên cạnh, vậy mà nhiều lúc ốm đau, bà cũng không dám nói với con trai vì sợ mình sẽ làm con bận lòng. Ước mơ cuối đời, có con cháu kề bên cũng không thể đạt được sao?
Sau khi con dâu đi làm lại, bà không trông cháu nội nữa thì lại buồn chán nên hằng ngày lại làm cơm mang đến cho con trai và con dâu ăn. Không biết vợ chồng anh Tuấn thế nào nhưng đồng nghiệp nhìn vào lại thấy xót xa cho bà. Đã không chăm sóc mẹ già lại còn để mẹ chăm sóc lại mình. Lúc đầu người ta không nói nhưng về sau thì cũng có vài đồng nghiệp thân thiết góp ý. Ấy vậy mà vợ anh Tuấn lại xem việc đó chẳng có gì đáng hổ thẹn và hằng ngày vẫn ăn đồ mẹ chồng nấu. Đôi lúc còn tỏ ra xem thường mẹ chồng, coi bà như giúp việc vặt, sai chạy đi mua cái này, lấy cái nọ choc ô ta. Người ta bảo anh Tuấn hèn, nhưng thực ra giờ anh còn đang nhờ bên vợ nên cũng chẳng dám nói năng gì.
Nhiều người bất mãn, hàng xóm ở chung cư cũng khuyên bảo nhưng bà Lành cứ cười hiền rồi bảo rằng vì bà thương con chứ không ai ép. Cho nên dù người ta cười thì bà cũng làm. Có lần bà tâm sự trong đau xót, xã hội ngày càng phát triển, người già nếu không còn giúp ích gì cho con cháu thì đều bị vào viện dưỡng lão. Bà nay hơn 70 rồi, sống được bao lâu, cũng chẳng muốn vào viện để rồi chẳng nhìn mặt được con cháu. Bà thà ngày ngày cơm đưa nước rót cũng chỉ mong được con cháu nhớ đến mình, đừng vứt bỏ bà như bao người con khác.