Có vẻ câu chuyện về ‘con lợn’ gần đây đã và đang rất thu hút quần chúng, cũng tốn khá nhiều giấy mực và công sức của nhiều người. Không tin các bạn hãy thử ngẫm xem...
Đua nhau chứng minh ‘tôi không phải là lợn’
Câu chuyện thứ nhất phải kể đến là chuyện về ‘con lợn’ của nhà văn Trang Hạ. Dù rằng, chuyện đã xảy ra cách đây 2 năm nhưng ai đó đã vô tình khơi lại và một lần nữa, chuyện lại như mới bắt đầu. Xung quanh vấn đề chính là “Đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như chăm… lợn thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi”.
Và tự dưng từ chuyện này, cánh mày râu lại động lòng, có quá nhiều người đang cố gắng gồng mình lên, tìm mọi lý lẽ để chứng minh rằng, mình không phải là lợn, hoặc có chăng cũng là một con lợn tốt. Thật đến chết cười. Có những anh đàn ông vốn chẳng phải là lợn gì gì đó, cũng không bao giờ nghĩ mình là lợn thì bây giờ lại động lòng vào tranh cãi, tự vỗ ngực bảo mình không phải là con lợn giống như nhà văn Trang Hạ nói. Vậy chẳng phải mình đang làm việc vô ích.
Trên các diễn đàn, Facebook, có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Người đồng tình, người phản bác nhưng xem chừng, số lượng người phản pháo lại quan điểm này của Trang Hạ nhiều vô số kể.
Một Facebook phản pháo rất hài hước về chuyện các ông tự nhiên lên mạng nhận mình là lợn tốt, hoặc không phải là lợn. Vậy khác gì đang trúng bẫy?
Anh chị em đều phản pháo quan điểm coi đàn ông như con lợn và nhiều người còn tỏ ra tự ái.
Nhiều người cũng cho rằng, thật ra Trang Hạ nói vậy chỉ là để ám chỉ những người đàn ông chỉ biết đi làm, về nhà, ăn xong, tắm rồi lăn ra ngủ, không biết giúp vợ việc nhà, không biết chơi đùa với con cái. Chứ không phải là để ám chỉ tất cả cánh đàn ông.
Thế nên, nếu như anh nào là đàn ông cũng động lòng thì chứng tỏ, anh ấy tự nhận mình giống như lời Trang Hạ ví. Còn nếu mình thực sự là người chồng biết chia sẻ việc nhà với vợ, khiến vợ tự hào thì chắc chắn rằng, mình không phải là 'con lợn' rồi. Vì suy cho cùng, việc ăn, ngủ, tắm thì chẳng phải đàn ông mà đàn bà cũng làm được như vậy. Nếu đàn bà cũng lười như đàn ông thì chẳng phải, cũng có thể gọi đàn bà là lợn? Nhiều người cũng dựa vào đây để bày tỏ ý kiến rằng, đàn ông không nên động lòng như thế!
Nhiều chị em bênh vực Trang Hạ
Tất nhiên, với chuyện ví mình như con lợn thì chẳng có cánh mày râu nào vui mặc dù, họ cũng biết mình từng giúp vợ việc nhà, mình cũng từng còng lưng ra rửa bát, quét nhà. Nhưng cánh chị em thì, nhiều người cũng ủng hộ điều này lắm lắm. Vì họ nghĩ, nếu như họ được là cơn lợn thì sướng biết bao. Anh nào chăm chỉ thì không nói, anh nào lười thì có khi ví với lợn còn 'hơi phí'. Đàn bà cũng thích được làm lợn, chứ có sao đâu!
Trên các diễn đàn, nhiều chị em chia sẻ quan điểm của mình, cho rằng, Trang Hạ chỉ nói những người đàn ông thiếu trách nhiệm, ỷ lại vợ con, lười biếng việc nhà.
Đàn ông thì mong lấyđược vợ đẹp, vợ ngoan. Ngoan là phải biết chiều chồng, làm cho chồng vui vẻ, hạnh phúc. Quan trọng hơn cả là biết chăm con, làm việc nhà, chịu thương chịu khó, chăm chồng từng bữa ăn giấc ngủ. Nhưng đàn bà không phải ai cũng muốn thế. Nên, họ mới nghĩ, đàn ông phải san sẻ việc chăm con, rửa bát, quét nhà với họ vì họ cũng đi làm, cũng kiếm tiền.Đó là lẽ đương nhiên. Thông qua quan điểm của Trang Hạ, nhiều chị em đã ủng hộ khi nhà văn bày tỏ thẳng thắn coi đàn ông chỉ biết ăn, tắm, ngủ giống như một con lợn.
Chuyện 'con lợn' vẫn chưa có hồi kết
Không ai nói trước được điều gì vì rất có thể một ngày nào đó, vấn đề ví đàn ông lười nhác như con lợn sẽ lại được lôi ra bàn cãi. Câu chuyện đã xảy ra cách đây 2 năm vậy mà một lần nữa lại khiến dân mạng sôi sục. Chuyện đàn ông rửa bát, quét nhà, đàn bà ngồi nhàn hạ, xơi nước, hay đàn bà làm việc quần quật, phục vụ đàn ông, chắc chắn chưa thể trả lời ngay được. Vấn đề 'con lợn' vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và phải dám chắc rằng, không thể dứt điểm.
Quan điểm của nhà văn Trang Hạ thật sự gây sốt, sốt tới mức mà người ta chỉ cần 'search' từ 'con lợn' trên Google là lập tức hiện ngay ra bài phỏng vấn của nữ nhà văn và hàng loạt các bài 'ăn theo' khác.
Câu chuyện thứ hai về con lợn mà gần đây được báo chí nhắc tới nhiều chính là chuyện 'chém lợn'. Đưa lên các cấp, được rất nhiều các chuyên gia phân tích, mổ xẻ xem có nên dừng lễ hội hay tiếp tục, nhưng vấn đề vẫn chưa có câu trả lời. Vì văn hóa truyền thống vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của con người và chuyện bảo họ ngừng ngay thì thật khó. Thế nên, chỉ có cách đưa ra những biện pháp để làm sao cho lễ hội trở nên nhẹ nhàng hơn, nhìn bớt 'man rợ' hơn.
Đúng là, không liên quan lắm nhưng chuyện về 'con lợn' thực sự khiến người ta hao tâm tổn sức, mất nhiều giấy mực và cũng tốn khá nhiều nước bọt để bàn cãi và tranh luận. Nếu đã biết khó có hồi kết thì có lẽ nên dừng lại ở đây, tránh chuyện cãi vã mất thời gian... Khi nào có luật đàn ông rửa bát thì tôi theo, khi nào có luật cấm 'chém lợn' thì ngừng làm... Thế thôi!