Trang Hạ: "Tôi tin gái mại dâm cũng muốn làm hoa hậu"

Ngày 12/09/2014 17:02 PM (GMT+7)

"Những người phụ nữ chọn con đường mại dâm vì họ thấy nghề này sẽ tốt hơn hoặc có cơ hội hơn những nghề khác. Tôi tin rằng chắc chắn họ cũng muốn được làm hoa hậu, được làm bác sĩ, kĩ sư, nhưng vì cơ hội không dành cho họ nên trong thời khắc quyết định họ đã chọn con đường mại dâm".

Đó là quan điểm của nhà văn Trang Hạ - người đã từng dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp xúc và tư vấn cho những trường hợp người phụ nữ bán dâm phải chịu sự kỳ thị của cả xã hội.

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc nên hay không nên coi mại dâm là một nghề, quan điểm của chị về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng không coi mại dâm là một nghề nhưng phải coi nó là một hoạt động mà chúng ta nên quản lý. Nói đơn giản, mại dâm cũng như ma túy, mua bán trẻ em, sử dụng sức lao động dưới 16 tuổi, ngược đãi người già… Bởi vậy, mại dâm cũng là một trong rất nhiều những vấn đề đời sống, vì thế chúng ta nên quản lý mại dâm dưới góc độ đời sống, nên có những hoạt động truyền thông và quản lý xã hội.

Trang Hạ: quot;Tôi tin gái mại dâm cũng muốn làm hoa hậuquot; - 1

Nhà văn Trang Hạ

Còn việc bêu tên người bán dâm một cách công khai nhằm làm cho họ bẽ mặt, hay đánh đập, kỳ thị, cho họ vào các trại cải tạo, phục hồi nhân phẩm thì đó không phải quản lý mà đó chính là thể hiện sự bất lực.

Nhưng nhiều người cho rằng nếu không đưa những cô gái bán dâm vào các trại cải tạo thì đó có thể là nguồn lây nhiễm bệnh tật cho cả xã hội?

Đó là quan điểm bây giờ, nhưng lại không chắc đã là quan điểm của đám đông. Thực ra nếu có một số trại phục hồi nhân phẩm thì cần nhấn mạnh rằng, nhân phẩm là thứ không thể phục hồi được, không có cách phục hồi nào ngoài cách giáo dục, mà đã giáo dục thì không cần phải đưa vào trại, mà hãy giáo dục, chăm sóc những người phụ nữ ngay khi họ còn trẻ chứ không phải chờ đến lúc tống họ vào trong trại.

Nếu quản lý cũng phải nhân văn, phải giáo dục không chỉ cho người bán dâm mà cho cả người không bán dâm.

Mới đây, khi Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm, có một điều rất bất ngờ là nhiều phụ nữ lại lên tiếng phản đối đề xuất này. Lý do là bởi họ sợ nếu làm như thế, chồng của họ sẽ không dám đi mua dâm mà chuyển qua… cặp bồ. Chị nghĩ sao về điều này?

Quan điểm của tôi thì tôi thấy đó là những người phụ nữ xây lâu đài ở trên cát, tức là họ biết chắc chắn tình yêu và trách nhiệm trong gia đình không thể đủ để giữ chân một người đàn ông nhưng họ vẫn cố gắng níu kéo, vậy thì rõ ràng là khi mà họ cố gắng với được cái thứ bản thân họ không xứng đáng hoặc không đủ giá trị thì họ buộc phải trả giá, và việc trả giá ở đây là lòng tin  hoặc là sự an toàn trong một mối quan hệ chứ không phải việc cặp bồ hay chơi gái.

Liên quan đến việc nhiều phụ nữ bán dâm muốn hoàn lương, thì trước đó Chính phủ cũng đã ra quyết định sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/người cho những cô gái bán dâm hoặc nhiễm HIV, sử dụng ma túy mà muốn làm lại cuộc đời, để họ lấy đó là số vốn làm ăn. Tuy nhiên, để nhận được số tiền này, thì họ phải xác nhận với chính quyền mình là gái bán dâm, và cam kết sẽ không đi bán dâm nữa. Vì thế, do lòng tự trọng, nhiều người đã không nhận số tiền này. Chị nghĩ sao về việc này?

Tôi nghĩ nếu như không cẩn thận thì số tiền 20 triệu này sẽ vô nghĩa.

Đây là số phận con người mà người đưa ra chính sách lại quên đi những góc độ con người nhất như thể diện, lòng tự trọng mà bắt họ phải công nhận, phải chứng minh là gái mại dâm thì không nên.

Trang Hạ: quot;Tôi tin gái mại dâm cũng muốn làm hoa hậuquot; - 2

Một bức ảnh về cuộc sống của những người phụ nữ bán dâm trong cuộc thi Khát vọng yêu thương.

Tôi cho rằng ở Việt Nam, những người ra chính sách ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những tổ chức dân sự, các tổ chức phi chính phủ, những chuyên gia tư vấn về truyền thông để hỗ trợ họ trong khi họ đưa ra quyết định về chính sách.

Theo tôi không nói dành 20 triệu hỗ trợ cho gái mại dâm, mà nên nói chung là hỗ trợ cho phụ nữ thiếu cơ hội. Đó là những người không có kỹ năng, không có vốn sống, tầm nhìn cũng bị hạn chế, những người thiếu cơ hội về học vấn…

Còn cách làm như trên rất dễ gây phản cảm. Vấn đề không phải hỗ trợ bao nhiêu triệu một cô, mà vấn đề là mình làm theo cách nào, nếu làm theo cách này thì 20 triệu hay 200 triệu cũng không khác gì nhau cả.

Vừa qua, tác phẩm “Sài Gòn – Một kiếp người” của chị đã đạt giải Nhì cuộc thi Khát vọng Yêu thương – một cuộc thi khai thác những góc nhìn nhân văn về những người phụ nữ bán dâm. Vậy chị có thể chia sẻ một chút về nhân vật chính trong tác phẩm của chị?

Nhân vật trong tác phẩm “Sài Gòn – một kiếp người” viết về số phận của 1 cô gái bán dâm từ chế độ cũ qua chế độ với, từng nghiện ma túy, và sau đó cô ấy vươn lên làm tình nguyện viên cho các tổ chức xã hội.

Nhưng nếu chỉ kể 1 câu chuyện như thế thì nó sẽ giống rất nhiều câu chuyện ta đã từng được nghe, nó không có điểm nhấn, còn điểm nhấn của mình là một cô gái luôn luôn vật vã với cuộc sống, một người phụ nữ không có con nhưng họ có tình mẫu tử rất mạnh mẽ, họ nhận nuôi những đứa trẻ HIV/AIDS, thậm chí luôn luôn giúp đỡ những cô gái bán dâm khác. Hiện giờ họ đang sống cuộc đời của họ, và quan trọng là cô gái ấy không hề oán thán ai cả, cô không hề oán trách xã hội, không hề oán trách bố mẹ, không hề oán trách người khác. Đó là điều mà rất nhiều người lành lặn khác không làm được.

Tôi hy vọng khi câu chuyện đặt ra, khi bài báo được giải thưởng, mọi người sẽ tin vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều người tử tế, để từ đó sống tử tế hơn.

Là một người phụ nữ, lại từng tiếp xúc và có sự cảm thông sâu sắc với số phận của những người phụ nữ bán dâm, vậy chị mong muốn xã hội sẽ làm điều cho những người phụ nữ luôn phải sống trong những góc tối của cuộc đời?

Thực ra, những người phụ nữ chọn con đường mại dâm vì họ thấy nghề này sẽ tốt hơn hoặc có cơ hội hơn những nghề khác. Tôi tin rằng chắc chắn họ cũng muốn được làm hoa hậu, được làm bác sĩ, kĩ sư, nhưng vì cơ hội không dành cho họ nên trong thời khắc quyết định họ đã chọn con đường mại dâm.

Qua rất nhiều nghiên cứu, chúng tôi đúc kết được rằng yếu tố kinh tế và năng lực vẫn chiếm vai trò quan trọng trong cuộc sống và quyết định của những phụ nữ này.

Vì vậy, theo tôi, xã hội nếu muốn giúp đỡ họ thì trước hết phải làm cho những người phụ nữ biết yêu bản thân, biết tự trọng theo cách hướng thiện, bên cạnh đó hỗ trợ họ về kinh tế để tạo ra các cơ hội, hỗ trợ về kỹ năng sống, tạo cho họ có năng lực qua các trường dạy nghề để họ có nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống, lúc ấy, tôi tin chắc rằng sẽ không có phụ nữ nào chọn con đường mại dâm cả.

Xin cảm ơn chị!

Theo Hoài Thu (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện