Sáu người trong một gia đình bị đâm chết trong đêm khuya bởi kẻ thủ ác chính là người quen thân, từng là người yêu của cô con gái lớn trong gia đình, chỉ vì trả thù cho mối tình bị cấm cản, đã tạo ra nỗi ám ảnh lớn.
Ám ảnh hơn nữa, nghi can Nguyễn Hải Dương là người có ăn học mà lại ra tay quá tàn độc, như một sát thủ chuyên nghiệp.
Trên bình diện truyền thông, một yếu tố nữa của sự “chuyên nghiệp của cái ác” đó chính là hành vi của những kẻ sát nhân đó truyền vào lòng xã hội một sự bất an. Tâm lý lo lắng những chuyện như thế có thể xảy ra với bất kỳ ai, gia đình nào trong một đời sống mà mạng người mong manh như đã thấy qua các vụ tương tự như Lê Văn Luyện (Bắc Giang), Nguyễn Văn Tiến (Gia Lai) hay vụ thảm sát 4 người trong 1 gia đình ở Tương Dương (Nghệ An)… Như một sự tác động dây chuyền, chắc chắn trong rất nhiều trường hợp, chi tiết các vụ án man rợ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khuôn mẫu hành xử ở những vụ án mạng về sau.
Không gian của những vụ án xảy ra từ thôn quê hẻo lánh đến đô thị sầm uất, bất kể nạn nhân nghèo hay giàu. Cái ác (chuyên nghiệp đến mức) đã không gắn với một điều kiện sống đặc thù nào cả. Vì thế, nỗi lo ai cũng có nguy cơ là nạn nhân của cái ác là dễ hiểu.
Vụ thảm sát ở Bình Phước và nhiều vụ khác cho thấy dù kẻ thủ ác có “chuyên nghiệp” đến mấy thì ngành khoa học hình sự hay tâm lý học tội phạm cũng có lời giải. Rồi chúng sẽ lần lượt bị lôi ra trừng trị. Nhưng có điều, liệu những vụ xét xử rốt ráo, những hình phạt thích đáng đối với cái ác sau những vụ án mạng có giải tỏa hết được những bất an trong lòng xã hội; liệu cái ác có bị ngăn chặn và khử trừ trước khi chúng gieo rắc tai họa?
Vụ thảm sát ở Bình Phước gây xôn xao dư luận
Truy vấn về mục tiêu phát triển không thể bỏ qua những câu hỏi về giá trị tinh thần và đạo đức xã hội. Những tội ác man rợ, những cách thức lấy mạng người chuyên nghiệp vì quyền lợi vật chất, lòng tham, sự tôn sùng vật chất… được sinh ra không phải bởi kinh tế thị trường (như người ta vẫn đổ lỗi) mà bởi một xã hội thị trường, nơi vật chất cho thấy quyền năng mạnh mẽ của nó - sai khiến con người làm điều rồ dại, tàn độc nhất - kể cả tước đi quyền sống của người khác một cách vô đạo - để thỏa mãn xung năng và sự ham muốn của cải.
Mầm bất an như một sản phẩm từ xã hội thị trường, khi điều thiện hảo thiếu vắng, sự công bằng đến từ pháp luật khiến người ta hoài nghi, còn cái ác thì liên tục tạo ra sự choáng váng, tò mò, đôi khi là gây nghiện.
Vậy, cần một độ lùi và sự khách quan, sáng suốt để trả lời cho câu hỏi: Điều gì nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta hôm nay? Tiếp tục chìm đắm trong nỗi âu lo, nguy cơ tiềm ẩn len lỏi trong mọi ngõ ngách đời sống hay mạnh mẽ sống, lạc quan và vị tha, hóa giải tốt đẹp các tương quan nội tại và ngoại tại để tìm kiếm giải pháp tinh thần khả dĩ nào đó, bảo vệ mình và người thân?