Chất lượng giáo dục miền núi vẫn còn chưa caoTrong toàn bộ bản báo cáo 568 trang của OECD, với hàng loạt các chỉ số khác nhau, giáo dục Việt nam gần như không có tên ở các hạng mục khác...
Việc báo Vietnamnet dẫn lại một bài báo trên BBC, đề cập đến bản báo cáo "Education at a glance 2014" của Tổ chức hợp tác và phát triển OECD đã khiến khá nhiều người "giật mình", khi trong một bản thống kê ở báo cáo này, học sinh Việt Nam được xếp trên khá nhiều nước phát triển về khả năng toán và khoa học ở lứa tuổi 15.
Tôi thì lại hoàn toàn không giật mình vì thông tin ấy. Và còn cảm thấy đáng ngại hơn, khi không dừng ở một bản thống kê dựa trên điểm số trong các báo cáo của các hiệu trưởng nằm ở một trang trong toàn bộ bản báo cáo 568 trang của OECD, với hàng loạt các chỉ số khác nhau về giáo dục.
Ngành giáo dục Việt Nam gần như không có tên ở các hạng mục khác, từ tình hình tài chính và đầu tư cho giáo dục, hoạt động của giáo viên, việc làm của sinh viên, môi trường giáo dục và tổ chức nhà trường, sự quan tâm của gia đình....
Cái đáng ngại cũng nằm ở chính cái chỉ số về khả năng toán và khoa học ở tuổi 15 kia. Các bạn thiếu niên của chúng ta quả có xếp trên nhiều bạn đồng lứa của họ ở nhiều nước về giải toán và khoa học, nhưng họ đã mất những gì để có được cái đó?
Câu cửa miệng của các bậc phụ huynh đáng kính hỏi nhau là "Con học có giỏi không?" và nếu gặp phải những phụ huynh "cá biệt" như tôi trả lời bằng cái lắc đầu "không biết" thì rất lạ lẫm, e ngại, thậm chí nghi ngờ sự thân thiện ở người đối diện.
Chúng ta gần như đã tước đoạt tuổi thơ của con em mình, để đổi lấy những bảng điểm vô hồn, con cái chúng ta giỏi toán, nhưng lại kém về khả năng trình bày về chính bài toán vừa giải xong. Con cái của chúng ta có điểm số "đẹp" về khoa học nhưng lại không có khả năng tranh luận với giáo viên và nói ra những cảm xúc có thật của mình.
Khi tôi nói chuyện với các vị phụ huynh về sự cần thiết của việc cho trẻ em chơi nhiều hơn và sống gần gũi với thiên nhiên, câu cửa miệng là "cuối tuần bận quá, các cháu bận học lắm, trong tuần thì không rảnh....". Chúng ta đang có một thế hệ, cả một thế hệ thiếu niên thành thị không biết gì nhiều hơn ngoài việc học và học, lớn lên với sự vị kỷ và thiếu quan tâm đến con người và thiên nhiên xung quanh, ít dần cảm xúc, cho dù họ có điểm số toán và khoa học cao, đó mới là sự thật. Chưa kể, nếu đánh giá theo đủ các tiêu chí trong bản báo cáo của OECD, hẳn là chúng ta sẽ còn giật mình hơn nữa, về tương lại đang chờ đón thế hệ mà chúng ta nuôi dạy hôm nay.
Học "giỏi", vì vậy, chẳng để làm gì cả, nếu phải hy sinh đi mọi cảm xúc và tuổi thơ để có nó. Vì vậy, thưa các bậc phụ huynh đáng kính, đừng bắt con mình phải làm học sinh giỏi lâu như vậy, hãy đấu tranh cho quyền được vui chơi và có cảm xúc của con cái mình, quyền được lớn lên như một đứa trẻ.
Và tất nhiên, giá mà bản báo cáo của OECD được quan tâm một cách đầy đủ, đọc một cách chỉn chu nghiêm túc, hẳn sẽ giúp chúng ta nhiều hơn.
Theo Phạm Quang Vinh