Hãy quên đi suy nghĩ cố tảng lờ hay trì hoãn để việc đó lại phía sau. Đó chính là sai lầm, có thể khiến bạn trở nên khó xử hơn hay thậm chí là bỏ bẵng nó, không giải quyết vấn đề và khiến mối quan hệ dần trở nên xấu đi.
Chắc hẳn ai trong chúng ta, dù khéo léo đến đâu cũng sẽ có lần lỡ lời trong giao tiếp. Chúng ta có thể vô tình hỏi về chuyện thăng tiến công việc với một người vừa bị sa thải hay nhắc đến một người nay đã trở thành "người xưa" của ai đó.
Sẽ là không thể khi bạn mong mình trở thành một người hoàn hảo trong mọi thứ, không bao giờ mắc phải lỗi. Khi bạn luôn cố gắng để không bao giờ nói sai, có lẽ bạn sẽ tự đưa mình vào trạng thái tệ hơn, luôn "cảm thấy tội lỗi, tức giận, khó chịu khi không may lỡ lời, xảy ra sai sót", Don Cole, nhà tư vấn tâm lý hôn nhân và gia đình chia sẻ.
Là giám đốc lâm sàng của Viện Gottman, một tổ chức chuyên nghiên cứu về hôn nhân và đào tạo các nhà trị liệu, Tiến sĩ Cole phát hiện các cặp vợ chồng nổi tiếng thành công cũng như biết bao cặp vợ chồng bình thường khác, cũng mắc phải những lỗi trong giao tiếp. Tuy nhiên điểm khác biệt là họ biết cách sửa chữa cảm giác tổn thương đã gây ra cho đối phương.
Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những "chiến lược sửa chữa" này không chỉ cho bạn đời mà có thể là bất kỳ ai như bạn bè, người thân, đồng nghiệp mà bạn đã không may lỡ lời khiến họ tổn thương.
Trước khi xin lỗi
Trước khi xin lỗi, bạn cần đánh giá tổn thương mà mình đã gây ra cho đối phương. "Hãy cởi mở và đừng quá trách móc bản thân về những tổn thương bạn vô tình gây ra", nhà tâm lý học lâm sàng Andrea Bonior chia sẻ.
Bạn có thể nghĩ rằng mình nên xin lỗi vì một lời nhận xét linh tinh song đối với người còn lại, đó lại thể hiện sự thiếu suy nghĩ của bạn và họ có thể tức giận hơn những gì bạn nghĩ.
Ijeoma Oluo, tác giả của cuốn sách “So You Want to Talk About Race" (tạm dịch: Bạn muốn nói về chủng tộc) cho biết: "Khi phát hiện ra mình đã làm tổn thương ai đó, chúng ta có bản năng muốn khôi phục lại sự cân bằng. Nếu bạn không hiểu rõ về những tổn thương bạn đã gây ra, sẽ tốt hơn là hỏi đối phương. Hãy tạo cơ hội để người ấy nói cho bạn biết những tổn thương bạn vô tình gây ra".
Tiếp theo đó, dù chuyện xảy ra thế nào thì bạn cũng không nên làm nghiêm trọng thêm mọi chuyện. Nhiều người có xu hướng cảm thấy tội lỗi, tự làm khó bản thân. Họ tự trách mình: "Không thể tin mình lại nói câu đó. Mình đúng là kẻ không ra gì". Theo tiến sĩ Bonior, hãy nghĩ rằng ai cũng có lúc mắc sai lầm và quan trọng là chúng ta sẽ sửa chữa và không lặp lại.
Hãy quên đi suy nghĩ cố tảng lờ hay trì hoãn để việc đó lại phía sau. Đó chính là sai lầm, có thể khiến bạn trở nên khó xử hơn hay thậm chí là bỏ bẵng nó, không giải quyết vấn đề và khiến mối quan hệ dần trở nên xấu đi.
Trong lúc xin lỗi
Hãy chịu trách nhiệm. Dù là vô tình hay cố ý, đừng tìm cách phòng thủ hay bào chữa như: "Ôi! Tôi có cố ý đâu", "Làm gì mà nhạy cảm thế", "Rõ là đùa thôi mà!"...
Bạn cần cho đối phương biết rằng bạn không hề xem nhẹ những gì mình đã làm. Bằng cách nói với đối phương về việc bạn cảm thấy có lỗi khi đã khiến họ tổn thương, sự khó xử giữa cả hai sẽ được giảm đi đáng kể.
Xác thực tổn thương của họ. Việc tranh luận xem câu nói của bản thân có thực sự là có ý xấu không hay chỉ là đùa, là vô tình thôi rất vô nghĩa. Hãy chấp nhận rằng những gì đối phương đã nghe và cảm thấy là sự thật. “Câu nói của tôi thật không phù hợp và tôi hiểu vì sao bạn lại cảm thấy như vậy”.
Hãy luôn chân thành. Bạn luôn cần chắc chắn rằng lời xin lỗi của mình đến từ tận đáy lòng. Đừng bao giờ xin lỗi ai đó với thái độ không phù hợp, tông giọng nâng cao hay dùng những câu như: "Xin lỗi nếu đã làm bạn tổn thương", "Xin lỗi được chưa"... Theo các chuyên gia, tốt nhất bạn nên trực tiếp gửi lời xin lỗi nếu có thể, hoặc nói chuyện điện thoại vẫn hơn là gửi email hay tin nhắn.
Nói với họ rằng bạn sẽ không lặp lại. Hãy cho đối phương biết bạn học được gì từ lần lỡ lời này và sẽ không mắc lại điều đó một lần nữa.
Sau lời xin lỗi
"Cài đặt chế độ bình thường" là điều bạn cần làm sau khi đã xin lỗi. Đừng tự biến không khí giữa hai người trở nên thêm sượng sùng. Bạn có thể đi làm việc gì đó và quay trở lại sau nửa giờ, trò chuyện với đối phương về những câu chuyện bình thường hai bên vẫn nói, cả hai sẽ dần cảm thấy thoải mái như trước.
Và nếu sau tất cả những nỗ lực xin lỗi của bạn mà đối phương vẫn không chấp nhận tha thứ, hãy rời đi. Bạn có thể đưa ra một lời xin lỗi chân thành và nhận lỗi của mình, nhưng bạn không thể bắt ai đó phải chấp nhận nó, Tiến sĩ Cole chia sẻ. Đôi khi những lời đã nói ra gây tổn thương không thể bù đắp.