Tôi sống ở Biên Hòa. Nếu có ai từng sống ở đây sẽ hiểu cảm giác của một thành phố ngập tràn không khí Giáng sinh.
Từ cách đây hơn 12 năm, khi cuộc sống còn chưa hiện đại lắm, những đứa bạn trong lớp đã viết thiệp Giáng Sinh tặng nhau. Chúng tôi làm thiệp bằng keo, giấy, hình vẽ… và gửi nhau. Những mối tình học trò rất nhỏ không gửi bằng hoa phượng (vì không có hoa trong sân trường lát bê tông kiểu thành phố) mà gửi bằng thiệp Noel. Ông già Noel luôn mỉm cười trên thiệp, óng ánh, lấp lánh và được lũ học trò ở trong khu xóm Đạo gìn giữ như kỷ vật.
Mùa Giáng Sinh, chắc không ở đâu có được, khi tiếng chuông Nhà Thờ vang lên, thầy giáo chủ nhiệm rộng lòng cho các em về sớm. Ngôi trường không còn luật lệ khắt khe. Mọi đứa học trò đều được về nhà tắm rửa, ăn mặc đẹp, cho ngày lễ quan trọng này.
Ở Biên Hòa, ngôi trường cấp II đối diện hay ở ngay cạnh nhà thờ, nơi những đứa trẻ học với nhau trong lớp, rồi lại đến nhà thờ cùng nhau, thân thiết, gắn bó. Cứ tưởng như cả ngôi trường cũng là 1 gia đình, các bạn biết hết chuyện của nhau, chuyện nhà nhau. Ai gặp khó khăn thì có khi 2 -3 lớp cùng góp tiền, góp quà giúp đỡ bạn.
Có thể mơ mọi điều trong ngày Giáng sinh. Nhưng ở Biên Hòa, “mơ” thật lớn là quen bạn ở gần khu Đạo, khi đến mùa Lễ, đi xem đèn thì gửi xe nhà bạn. Lúc đó, nhà bạn đầy nhóc xe của mấy đứa cùng lớp. Đi chơi đến 10 giờ khuya, ghé nhà bạn lấy xe, không người lớn nào khó chịu. Có người mẹ của bạn còn… nấu cháo gà rủ cả đám vào ăn trước khi cả nhà họ đi lễ. Không cứ phải người theo Đạo mới có Giáng sinh, ở Biên Hòa, Giáng sinh là một mùa hội vui của cả thành phố. Những đứa trẻ nào đã lớn lên trong ấy đều không thể quên mùa đi coi đèn, mùa tụ tập, mùa gặp gỡ, rồi đôi khi bạn bè yêu nhau và thành vợ chồng… chỉ vì những ngọn đèn Giáng sinh quá rực rỡ.
Có thể mơ mọi điều trong ngày Giáng sinh. Nhưng ở Biên Hòa, “mơ” thật lớn là quen bạn ở gần khu Đạo, khi đến mùa Lễ, đi xem đèn thì gửi xe nhà bạn. (ảnh minh họa)
Giáng sinh ở Biên Hòa không chỉ là “lễ hội” của những cửa hàng cần bán hàng nên trang trí. Đôi khi đi trên những con hẻm nhỏ, giữa những đường hẹp chông chênh, lại hiện ra một hang đá khổng lồ. Ông già Noel trèo ống khói. Thiên Thần trên cổng trời cao vút. Nàng tiên hát với đàn piano. Hang đá khổng lồ mô tả lại cảnh Thiên Chúa ra đời. Âm nhạc ngập tràn các con hẻm. Đèn treo như ngàn sao khắp các khu phố nhiều hẻm nhỏ xíu. Mùa Noel đến cứ như mùa “thám hiểm”, người ta phải đi bộ nhiều giờ để khám phá hết những hang đá của các nghệ nhân tạo cảnh, phải đi hết để ngắm những cây thông khổng lồ hoặc òa lên ngạc nhiên về nàng tiên xinh đẹp hiện ra giữa một thác nước từ… tầng 2 ngôi nhà.
Mùa này, người ta có thể hơi bực vì phải chen chúc trong một biển người để đi ngắm đèn Giáng sinh trong các hẻm cực chật và đông, nhưng không ai cưỡng lại được cái cảm giác đi bộ hoài trong xóm Đạo, nghe chuông nhà thờ vang lên khắp nơi, nhìn mọi người mặc đồ thật đẹp, trẻ con chạy ào ào trên phố với đồ chơi trong tay với bạn bè. Giữa đêm khuya, các ngôi nhà vẫn mở cửa, có những bữa tiệc nhỏ sau giờ Lễ, gia đình quây quần, nhạc Noel vang lừng.
Trong đêm khuya, dù bạn có lái xe đi suốt đêm khắp nơi ở Đồng Nai, cũng sẽ luôn được dẫn đường bởi những ngọn đèn nhấp nháy, các dây đèn treo trên cửa nhà, trên cây thông giả… không chút tối om, không chút lạnh lẽo. Có khi, ở giữa những con đường hoang vu, đầy cây rừng như gần hồ thủy điện, gần khu công nghiệp, dải cao su, vẫn thấy lấp ló đâu đó bóng một ngôi nhà be bé, nhưng vẫn giăng đèn đón Noel, nhấp nháy trong đêm đầy khí lạnh từ rừng cao su. Cứ như khi mình đi trên một hành trình của mùa lễ hội tưng bừng, Biên Hòa không ngủ, suốt mùa Noel, từ tận ngày 15 tháng 12 hàng năm cho đến qua cả Lễ Giáng sinh, lúc nào cũng tưng bừng, rộn ràng.
Bao nhiêu mùa Noel đã qua, với những người ở Biên Hòa, cái “chuyến đi” khám phá hang đá, ngắm đèn giăng mắc nơi nơi vẫn là một kỷ vật ấm áp nhất trong tim. Dưới đèn và cây thông giả rực rỡ, đám trẻ con đã lớn lên. Bên cạnh những hang đá vui tươi đầy tiếng nhạc, người ta đã nắm tay nhau và biết yêu. Rồi trong mùa Giáng sinh, người ta có nhau và hạnh phúc vẹn tròn….
Bài cùng tác giả: |