Nó sẽ rất khác so với mùa xuân mà chúng ta có hiện nay...
Các nhà nghiên cứu môi trường trên khắp thế giới đang bận rộn tính toán những hệ quả và tác động cuối cùng có thể có mà hiệu ứng nhà kính gây ra cho Trái Đất. Họ cho rằng, dưới tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, mùa xuân của năm 2100 sẽ chỉ còn kéo dài tối đa một tháng và nó sẽ rất khác so với mùa xuân hiện nay.
Để đưa đến kết luận này, công trình nghiên cứu đã sử dụng hai dấu hiệu nổi bật của sự đổi mùa: lá rụng (khi chiếc lá đầu tiên lìa cành) và hoa nở (khi nụ hoa đầu tiên hé nở). Bằng cách phân tích dữ liệu từ năm 1950 cho đến nay và suy rộng ra kết quả cho năm 2100. Các nhà khoa học dự đoán rằng, mùa xuân vào lúc này sẽ chỉ kéo dài 23 ngày và thời điểm bắt đầu mùa cũng sẽ rất thất thường.
Công trình nghiên cứu chỉ ra mối nguy cơ về một mùa xuân bị sai lệch, khi thời tiết bắt đầu ấm lên nhưng nhiệt độ sẽ bỗng dưng bị hạ xuống nhanh trở lại. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến loài thực vật khi chúng cần sự ấm áp của mùa xuân để kích thích cho sự sinh trưởng. Lượng dữ liệu được lấy ở phần lớn của châu Mỹ và kết quả cho thấy sự thay đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất ở bờ Tây của châu lục này.
Một sự thay đổi phức tạp khác có thể xảy ra là những luồng di cư trú đông của các loài chim và những loại côn trùng giúp thụ phấn cho thực vật. Các loại chim sẽ dựa vào độ dài của ngày để làm tín hiệu nhận biết thời điểm để bắt đầu cuộc di cư. Công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu các loài chim không thay đổi tập quán di cư của mình kịp thời, chúng sẽ phải đối mặt với một vấn đề sống còn rất nghiêm trọng.
Khi sự bắt đầu của mùa xuân bị thay đổi thất thường, nó sẽ gây ra sự rối loạn trong chu kỳ sống của động vật và thực vật. Mối quan hệ giữa nguồn thực vật và những động vật sống phụ thuộc vào chúng sẽ bị cắt đứt, và điều này sẽ dẫn đến tình trạng mùa xuân sai lệch càng tiếp tục trầm trọng thêm. Nhiệt độ sẽ tiếp tục xuống thấp làm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thực vật.
Chỉ cần sương mù hay mưa lạnh kéo dài vài ngày đột ngột thì toàn bộ mùa xuân có thể bị ảnh hưởng lớn. (ảnh minh họa)
Theo bản báo cáo, tỷ lệ thay đổi thời tiết diễn ra chậm chạp ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới tron giai đoạn từ năm 1950 cho đến 2005. Bằng cách nghiên cứu những hiện tượng thay đổi môi trường ở quy mô lớn (như dòng nước biển ấm El Nino), kết hợp cùng lượng thông tin tổng hợp từ những kiểu khí hậu khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, nguyên nhân chủ yếu gây ra những thay đổi hiện nay chính là do tác động của hiệu ứng nhà kính.
Trong bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa xuân đặc biệt dễ bị tác động nhất bởi những yếu tố thời tiết bất thường vì nó phụ thuộc vào những đợt ấm dần lên từ từ để hình thành. Chỉ cần sương mù hay mưa lạnh kéo dài vài ngày đột ngột thì toàn bộ mùa xuân có thể bị ảnh hưởng lớn.
Các nhà nghiên cứu đang tạo ra một cơ sở dữ liệu thời tiết trực tuyến làm nền tảng cho những tính toán chính xác hơn, giúp dự đoán cụ thể hơn những tác động của việc mùa xuân bị thay đổi lên đời sống của sinh vật trên Trái Đất trong tương lai.