Chuyện thời Lê kể lại, bà Đoan Thuần Hoàng thái hậu thời Lê có được ngôi vị nhờ ngôi đất tốt ông thầy địa lý chỉ cho, và một giấc mơ kỳ lạ của vua Thần Tông.
Đó là chuyện về bà Phạm Thị Ngọc Hậu, sau được phong làm Đoan Thuần Hoàng thái hậu và là mẹ vua Lê Huyền Tông.
Bà quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Cha bà là ông Phạm Đình Kiên quê ở phủ Thiệu Thiên lên sống ở làng Quả Nhuệ huyện Lôi Dương, tức là làng Kim Bảng (bản đồ Thanh Hóa chỉ viết là làng "Kim" xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân ngày nay). Ông Kiên lấy bà Chu Thị Loan người xã Thanh Nga, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sinh ra hai con gái là Ngọc Hiền, Ngọc Hậu.
Khi chị em Phạm Thị Ngọc Hậu, Phạm Thị Ngọc Hiền mới hơn 10 tuổi thì cha lâm bệnh qua đời, có một thầy địa lý từng chịu ơn giúp đỡ của gia đình họ Phạm nghe tin tìm đến viếng và xin tìm một nơi đất tốt để táng ân nhân, coi đó như sự trả ơn đền nghĩa.
Ngôi đất đó được coi là phúc địa, thầy địa lý tiên đoán đó là thế đất “nhất giá công hầu, nhất giá vương” (nghĩa là: Một người lấy công hầu, một người lấy vua). Nhiều người không hiểu cho đó là chuyện tầm phào, ông thầy địa lý không tranh luận mà chỉ cười rồi ra đi.
Tượng bà Phạm Thị Ngọc Hậu
Năm 18 tuổi bà là một thiếu nữ xinh đẹp, đức hạnh đủ đầy. Năm 19 tuổi, bà theo người thân ra kinh đô Thăng Long chơi, đó cũng là lúc Lê Thần Tông đang ở ngôi lần thứ nhất (1619-1643). Ông nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp từ phía Nam đi đến, tự xưng là có duyên phận từ tiền kiếp.
Giấc mộng đó lặp lại nhiều lần khiến Thần Tông lấy kinh ngạc. Ông mô tả lại dung nhan người trong mộng, sai họa quan trong triều vẽ thành tranh rồi cho người đi tìm kiếm.
Đúng lúc các đại thần đang tìm thì họ bất ngờ gặp một cô gái giống hệt trong tranh đang đi dạo ở kinh đô. Vua liền cho người đưa cô gái vào cung hỏi chuyện thì được biết cô tên là Phạm Thị Ngọc Hậu, người xứ Thanh. Tin là ứng vào giấc mộng, Lê Thần Tông liền tuyển cô gái làm cung phi và rất sủng ái.
Ngoài bà Ngọc Hậu, bà chị là Ngọc Hiền cũng lấy được công hầu là ông Tiến sĩ họ Lê người thôn Trường Sơn, xã Quan Trung, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; làm quan tới chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc Đại phu Tá lý công thần Hình bộ Thượng thư, tước Phương Quế hầu.
Năm Giáp Ngọ (1654), cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu hạ sinh một hoàng tử, được đặt tên là Lê Duy Vũ, đây là người con trai thứ hai của vua Lê Thần Tông.
Người con cả của vua Lê Thần Tông là Hoàng thái tử Lê Duy Hựu. Năm 1643, vua Lê Thần Tông nhường ngôi cho Thái tử, lên làm Thái Thượng hoàng. Hoàng tử Duy Hựu lên ngôi, là vua Lê Chân Tông, chỉ ở ngôi được 6 năm rồi mất, thọ 20 tuổi, nên chúa Trịnh lại đưa vua Lê Thần Tông trở lại làm vua lần thứ hai (1649-1662).
Tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), Hoàng tử Lê Duy Vũ con bà Ngọc Hậu được lập làm Thái tử và đến tháng 11 cùng năm thì vua Lê Thần Tông qua đời, thái tử khi đó mới lên 9 tuổi được lập làm vua, tức vua Lê Huyền Tông.
Con được kế vị ngai vàng, bà Phạm Thị Ngọc Hậu được tôn là Hoàng thái hậu, thế nhưng Lê Huyền Tông làm vua cũng chỉ được 8 năm (1662-1670) thì mất, thọ 17 tuổi.
Thái hậu rất đau buồn, từ đó bà chuyên tâm tìm hiểu Phật giáo và lo làm từ thiện, giúp đỡ dân chúng cho đến khi mất.
Ngoài các bà hoàng hậu, phi tần người Việt, Vua Lê Thần Tông còn có cả bà vợ người Hà Lan và các bà phi người Mường, Thái, Lào… Nhờ đức độ của vua nên các bà sống với nhau rất hòa thuận.
Tương truyền các bà đã công đức cho tạc sáu pho tượng nhập thần của sáu người vợ vua Lê Thần Tông đặt ở chùa Mật Sơn, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, như một minh chứng lịch sử của một thời.
Bức tượng bà Phạm Thị Ngọc Hậu trong chùa Mật Sơn với mái tóc dài đen buông thõng sau lưng đến nay vẫn là một tác phẩm tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời nhà Lê.