“Rau mà mướt mườn mượt thì nhất định là đầy chất hóa học”; “Rau rẻ như thế thì làm sao mà sạch được”… Những định kiến đã gần như trở thành khẩu hiệu, nó bám sâu vào tư duy, nhận thức của người tiêu dùng, và bật ra như những mũi gươm nhọn mỗi khi chủ đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đề cập đến.
Bà Lý Thị Thủy, sống tại phường Hàng Bột - một người Hà Nội gốc, luôn tự cho mình sành sỏi ăn uống - thì khẳng định, cách để bà mua được rau sạch cho gia đình đó là dựa vào sự… quen mặt người bán.
Hàng chục năm qua, bà Thủy giữ thói quen dậy sớm, ra chợ gần nhà, đến đúng 1 hàng rau để chọn những mớ rau tươi non nhất. Tươi và non thì không đủ để khẳng định đó là rau an toàn, nhưng sạp rau gia truyền (đúng nghĩa đen, là đã bán qua 2 đời), thì được bà Thủy xem là yếu tố bảo chứng.
Chủ nghĩa kinh nghiệm, chính là khiên chắn hữu hiệu và phổ biến nhất hiện nay mà người tiêu dùng có được. “Hãy là người tiêu dùng thông thái” - khẩu hiệu được nhắc ra rả trên đài báo, thực chất đang đá quả bóng trách nhiệm đi sai chỗ. Bởi vì định nghĩa sự “thông thái” khó hơn rất nhiều việc xây dựng nên những hàng rào kiểm định chất lượng nông sản, kiểm tra xử phạt các hành vi lạm dụng chất cấm từ khâu trồng trọt đến khâu bảo quản. Nói cách khác, thật hài hước khi nhà quản lý bất lực, và kêu gọi người tiêu dùng hãy trở nên “thông thái”.
Điểm 1 điều 8 Luật Bảo vệ quyền lời người tiêu dùng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2011 nêu rõ về Quyền được an toàn của người tiêu dùng: “Được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng dịch vụ hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Vậy đó, người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải trở nên “thông thái” nhưng họ có Quyền được an toàn.
Thật ngạc nhiên, những cuộc điều tra cụ thể về chất lượng nông sản được tiến hành hết sức manh mún, nhỏ lẻ, không cố định, và cũng chẳng dựa trên một quy trình nào. Cuộc điều tra mang chính thống, tổng quan và gần nhất được Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thực hiện cách đây tròn 2 năm, tháng 3/2014, được công bố dưới dạng “Báo cáo thực trạng an toàn rau, củ, quả trên thị trường Việt Nam”.
Từ bức xúc thành nghi ngờ, từ nghi ngờ thành kỳ thị, từ kỳ thị dẫn tới hành động quay lưng. (ảnh minh họa, nguồn internet)
Đáng ngạc nhiên hơn, bản báo cáo duy nhất của cơ quan duy nhất trực tiếp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng này lại sử dụng số liệu của những bản báo cáo xa hơn nữa, từ năm 2009, thậm chí là…1998.
Theo đó, bình quân rau tiêu thụ/người/ngày của người Việt Nam giao động từ 450 đến 620gram. Các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mới chỉ tự cung cấp khoảng 50 – 60% nguồn rau sạch (từ những vùng nông thôn ngoại thành), phần còn lại phụ thuộc vào các tỉnh lân cận và phần lớn là rau nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Và đây mới chính là lượng rau khó kiểm soát nguồn gốc cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Rau xanh từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc của người tiêu dùng tại các thành phố lớn nói riêng và cả nước nói chung” – bản báo cáo kết luận.
Từ bức xúc thành nghi ngờ, từ nghi ngờ thành kỳ thị, từ kỳ thị dẫn tới hành động quay lưng. Không khó hiểu khi nông sản Việt Nam không có chỗ đứng trên chính thị trường quốc nội. Từ những nông sản phổ biến như dưa hấu, chuối tiêu, đến cả những đặc sản như hành tím Sóc Trăng, tỏi Lý Sơn, vải thiều Lục Ngạn… lần lượt rơi vào thảm cảnh thừa hàng dội chợ, giảm giá thê thảm và kêu gọi những chiến dịch giải cứu. Giải cứu nông sản, đó là những đợt kích cầu dựa trên sự thương cảm của người tiêu dùng, nó trái với quy luật cung cầu của thị trường, và vì thế, không thể xem là giải pháp căn cơ bền vững.
Masanobu Fukuoka - người khai sinh ra trường phái canh tác nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản, cũng là của thế giới - đã dành trọn đời để chứng minh trên chính những cánh đồng, vườn cây của mình rằng việc lạm dụng (thậm chí là sử dụng) các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, chính là đi ngược lại quy trình tự nhiên.
Theo cách đó, người nông dân bước vào cái vòng luẩn quẩn của việc làm thoái hóa đất, thoái hóa giống cây, tiêu diệt thiên địch, làm sâu bệnh nhờn thuốc, và rồi họ chỉ có cách là tăng mãi, tăng mãi liều lượng hóa chất lên.
Phương thức canh tác hoàn toàn tự nhiên của Fukuoka (sau này được ông truyền tải qua cuốn sách bán hàng triệu bản trên toàn thế giới: “Cuộc cách mạng một cọng rơm”) hơi quá lý tưởng để triệt để áp dụng, nhưng nó đã làm thức tỉnh người Nhật, và khiến họ tư duy khác đi về số lượng cũng như chất lượng nông sản.
Chỉ có 13,3% diện tích đất đai ở Nhật Bản được dùng cho canh tác, nông nghiệp hướng về quy mô sản xuất nhỏ (trung bình một trang trại chỉ rộng 1,6 ha) nhưng áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến nên năng suất cao, an toàn và hiệu quả. 13,3% đất canh tác ấy, cung ứng hơn một nửa nhu cầu rau của quả trong nước. Phần còn lại, người Nhật nhập từ nước ngoài, nhưng với những tiêu chuẩn an toàn hết sức khắt khe. Bởi vậy, người nông dân Nhật Bản sống khỏe với giá trị nông sản mang lại, còn người tiêu dùng thì sống khỏe với chất lượng của nông sản.
Như vậy, vấn đề không phải là quỹ đất, không phải khả năng cung ứng, mà là niềm tin và sự trung thực sòng phẳng giữa người nông dân và người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ người nông dân khi họ bĩ cực, nhưng lại thờ ơ và nghi ngại khi người nông dân đưa nông sản đến tay mình.
Còn người nông dân, vốn mặc cảm bị định kiến, cũng nản chí mà từ bỏ những quy trình canh tác sạch. Điều tiết mối quan hệ này, hẳn nhiên phải là những cơ quan quản lý, là sự lên tiếng của những nhà khoa học, của báo chí. Những tiếng nói công tâm và thiện chí, để những mớ rau không còn bị nghi ngờ.