Lòng người khó đoán, bạn không thể chắc chắn những người ngồi trước bạn bây giờ liệu trong lòng có toan tính điều gì khác không. Đó là lý do những người khôn ngoan luôn biết cách tiến lùi phù hợp, vờ như không biết, "làm ngơ" trong một số hoàn cảnh.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Con người ai cũng cần phải học cách đối mặt với mọi việc. Dù đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, bạn cũng phải học cách xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa con người với nhau cũng như các vấn đề khác của cuộc sống.
Khi còn trẻ và tràn đầy năng lượng, bạn có thể muốn xông lên trong mọi việc, gặp khó khăn gì thì trực tiếp đối mặt, đây chắc chắn là điều giúp ích cho mình. Tuy nhiên, những người khôn ngoan nhất hiểu rằng, có một số việc không nhất thiết phải như vậy mới là hay, đôi khi ngó lơ một chút, vờ bối rối một chút lại là hay hơn. Khi bạn biết cách cư xử khéo léo, sử dụng kỹ năng của mình một cách hợp lý, không lợi dụng người khác, không làm tổn thương ai và nỗ lực hoàn thiện mình, thành công sẽ là điều trong tầm tay.
Người dại dột không bao giờ có thể che giấu được điều gì. Họ đơn giản là bộc lộ tất cả những suy nghĩ, tâm tư của mình, khi gặp phải chuyện không vừa mắt sẽ nhanh chóng phản ứng ngay mà hoàn toàn không nghĩ đến hậu quả. Cách cư xử như vậy thực sự sẽ khiến bạn gặp nhiều đau khổ trong những năm tháng sau này.
Nhưng người khôn ngoan lại khác. Họ biết khi nào nên ngó lơ và khi nào nên thẳng thắn. Một điều tưởng chừng nhỏ như vậy hoàn toàn có thể giúp họ đỡ được nhiều rắc rối trong đời.
1. Khi đồng nghiệp thảo luận về lương
Ngày nay, tiền lương dần trở thành một con số riêng tư mà các công ty, doanh nghiệp không muốn nhân viên tiết lộ. Ngay cả khi hai người ở cùng một vị trí, họ hoàn toàn có thể được hưởng hai mức lương khác nhau.
Chuyện tiền bạc luôn có sự nhạy cảm nhất định và đó là lý do bạn không nên hỏi han hay tham gia vào những cuộc bàn luận về lương. Điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của người khác mà còn khiến mối quan hệ của bạn thêm phần khó xử.
Khi bạn cùng đồng nghiệp của mình chia sẻ về lương, nhiều người sẽ không cảnh giác mà thẳng thắn nói với nhau về mức lương của mình. Cuộc trò chuyện tưởng chừng vui vẻ đó hoàn toàn có thể dẫn đến mối nguy hiểm khi ai đó có động cơ thầm kín.
Sẽ thế nào khi một người đồng nghiệp phát hiện bấy lâu nay bạn đều được hưởng mức lương cao hơn họ? Đừng nghĩ rằng họ sẽ nhìn thấu ra rằng bạn đảm nhận nhiều công việc hơn hay có thâm niên đóng góp cho công ty lâu hơn. Việc chia sẻ thông tin về tiền lương lúc này dễ khiến dấy lên cảm giác ghen tị, hậm chí là đố kỵ của ai đó.
Bên cạnh đó, bạn sẽ không thể chắc rằng liệu mọi người có nói đúng tất cả về lương của mình. Vì nhiều lý do, họ có thể phải khuếch đại hay nói giảm đi lương của mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đến gặp phía Nhân sự và yêu cầu tăng lương bởi người làm cùng vị trí có lương cao hơn mình, điều đó thật sự kém chuyên nghiệp.
Chúng ta không thể lựa chọn đồng nghiệp để làm việc cùng và rất có thể sẽ có người không ưa bạn, thậm chí là sống hai mặt. Những người khôn ngoan hiểu rất rõ điều này và đó là lý do khi đồng nghiệp túm năm tụm ba bàn bạc về lương, họ sẽ ngó lơ và tìm cách thoát khỏi cuộc trò chuyện.
Trước sự bàn tán của mọi người, họ sẽ không nói nhiều và càng không chủ động hỏi. Đó chính là sự khôn ngoan, không những giảm bớt sự nghi ngờ giữa các đồng nghiệp mà còn làm cho mối quan hệ đồng nghiệp trở nên đơn giản hơn, có lợi cho việc hợp tác làm việc cùng nhau hơn là tạo ra rạn nứt.
2. Khi bạn ai đó nói xấu cấp trên
Nhiều khi do áp lực công việc hoặc bị cấp trên khiển trách, nhân viên thường phản ứng đầu tiên là than thở, bàn tán sau lưng. Câu chuyện khi qua sự bàn tán của vài ba người bỗng trở thành một buổi nói xấu sếp. Thậm chí, có người tranh thủ vin vào cớ đó để mắng mỏ thậm tệ, ngày càng đẩy câu chuyện đi xa.
Việc túm tụm vài người đồng nghiệp để than thở, trách móc tưởng chừng sẽ giúp bạn xả stress, cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhưng sự thật kéo theo không ít phiền toái cho bản thân.
Trước hết, áp lực công việc thường là vấn đề liên quan đến năng lực và những điều này cần được giải quyết một cách cụ thể, rõ ràng, không phải phàn nàn trách móc là sẽ thay đổi. Khi bạn dùng cấp trên để giải tỏa cơn tức giận của mình, nó thực sự không có ích lợi gì mà còn khiến gia tăng áp lực cho bản thân. Bạn sẽ luôn cảm thấy không thoải mái, không muốn làm việc chăm chỉ, nỗ lực và ngày càng phàn nàn nhiều hơn về cuộc sống, như thể cả thế giới đang đối xử bất công với mình.
Thứ hai, nếu bạn tham gia vào những buổi tám chuyện nói xấu sau lưng cấp trên như vậy, bạn có chắc không xảy ra ngày một đồng nghiệp nào đó có mâu thuẫn với bạn và quyết định nói với cấp trên về tất cả những lời than trách đó? Chắc chắn chúng không chỉ khiến sếp có ấn tượng xấu về bạn mà còn ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai. Tệ hơn là khi cuộc nói xấu đó bị chính cấp trên của bạn nghe thấy.
Trên thực tế, việc bạn gặp phải những bất bình, điều không như ý muốn tại nơi làm việc là hết sức bình thường. Bạn có thể chọn cách chia sẻ với người thân trong gia đình hoặc một người bạn không làm việc cùng lĩnh vực, nhất định không thể nói với người làm cùng.
Nhiều người ngoài mặt tát nước theo mưa, không ngại nói xấu lãnh đạo cùng bạn nhưng sau đó sẽ nịnh nọt sếp để dọn đường tiến thân cho mình. Họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể giúp mình nhanh chóng thăng tiến, đạt được mục đích.
Bởi vậy, những người khôn ngoa sẽ biết vờ như không biết trong trường hợp này. Họ sẽ vờ rằng mình đang bận rộn với công việc của họ, hoặc khi đồng nghiệp đang thảo luận thì nhanh chóng chọn cách rời đi để tránh vướng vào chủ đề nhạy cảm.
Ngay cả khi bạn thấy những lời ai đó nói nghe rất bất công, đừng vội tin tưởng 100% bởi câu chuyện cần được nghe từ nhiều phía. Bao quanh mình bởi những người, những nguồn năng lượng tích cực, bạn sẽ ngày càng tích cực hơn.
Hòa đồng với người khác cũng là điều ta cần phải học. Không phải cứ có duyên gặp nhau là đem bộc bạch hết suy nghĩ trong lòng. Lòng người khó đoán nên làm gì cũng cần suy nghĩ cẩn trọng, chừa lại cho mình một đường lui.