Dân mạng lại được phen dậy sóng sau đoạn tin nhắn đòi tiền mừng cưới của cô dâu. Chủ đề không mới nhưng vẫn luôn gây tranh cãi, có đi, có lại mới toại lòng nhau?
Mấy ngày nay, câu chuyện về cô dâu đòi tiền mừng cưới người chị quen biết không khác nào đòi nợ gây xôn xao cộng đồng mạng. Người ta truyền tay nhau những bức ảnh về đoạn tin nhắn đòi tiền và “buôn chuyện” về chủ đề không mới nhưng có lẽ chẳng bao giờ cũ này.
Mới đây, trong nhóm hội dành cho phụ nữ, câu hỏi thiết thực được đặt ra là: “Các chị này! Các chị đã bao giờ phải bức xúc vì chuyện tiền mừng đám cưới chưa? Kiểu mình mừng người ta nhiều, người ta mừng mình ít, hoặc quên luôn, chả thèm đến dự đám cưới nữa ý..."
Câu hỏi gợi ra nhiều tranh luận trái chiều
Hoặc giả như mấy năm trước mình mừng người ta 200k, giờ vật giá lên, đám cưới nhà hàng, người ta cũng chỉ mừng mình có vậy, rồi lỗ nặng..."
Sau lời gợi chuyện ấy, hàng loạt những tình huống bi hài được kể ra và cả những luồng ý kiến trái chiều xung quanh “văn hóa phong bì” vốn đã nhiều thị phi.
Cho rất nhiều nhưng… nhận chẳng bao nhiêu
Xung quanh câu chuyện về chiếc phong bì mừng cưới là hàng loạt những tình huống không nhịn được cười. Đa phần đều có chung một nỗi bức xúc là việc “có đi nhưng không có lại” hoặc ngày xưa “cho rất nhiều” mà giờ “nhận chẳng bao nhiêu”.
Nickname Đ.P chia sẻ: “Cách đây 6 năm chồng mừng bạn thân cưới 1 triệu. Cách đây 2 năm vợ chồng tớ cưới. Bạn ấy trả lại 500.
Chênh lệch giá cả thị trường không nói làm gì nhưng đằng này lại trả lại có 1 nửa. Nó không đáng là bao nhưng bạn thân mà sống không đẹp. Và kể từ đấy, thân ai người đấy lo”.
Đa phần đều có chung một nỗi bức xúc là việc “có đi nhưng không có lại” hoặc ngày xưa “cho rất nhiều” mà giờ “nhận chẳng bao nhiêu”. (Ảnh minh họa)
Hoặc câu chuyện của bạn T.H: “Nó lấy chồng năm 2012. Mình đang là sinh viên, mừng nó 200 ngàn. Năm 2015 mình cưới. Nó gửi phong bì mình 100 ngàn.
Hẳn là bạn thân đấy nhé! Năm 2012 ở quê mình gửi phong bì 50 ngàn, còn đi ăn cỗ chỉ có 100 ngàn thôi nhé. Đi ăn cỗ chỉ 100 ngàn thôi nhé! Vì là bạn thân mình mừng 200 ngàn dù vẫn đang sinh viên”.
Thậm chí hài hước hơn là những vụ… lỗ 2 lần vì bạn lấy 2 vợ: “Vừa rồi anh trai cưới xong bóc phong bì , có những người trước mừng họ 400 giờ họ mừng lại 200.
Có ông bạn lấy 2 vợ mừng 2 lần là 800 ngàn, nó đi lại 400 ngàn, có ông bạn thì không đi… Bóc phong bì xong cả nhà lỗ 50 triệu”.
Chỉ điểm qua một vài bình luận có thể thấy đủ những tình huống cười ra nước mắt vì “lỗ nặng” sau khi cưới. Mặc dù tất cả đều chia sẻ đều không phải nặng về vấn đề tiền bạc nhưng điều quan trọng là sự thất vọng trong cách ứng xử với nhau.
Thiên hình vạn trạng những câu chuyện không thể nào hình dung nổi về văn hóa phong bì đám cưới. Những chia sẻ này nhận được sự quan tâm lớn, khiến bất cứ ai đọc xong cũng phải… phì cười.
Một số người cũng muốn thông qua cách đi phong bì để nhận thức về cách sống và tình cảm trong mối quan hệ của mình.
Một số người cũng cho rằng, thông qua cách đi phong bì để nhận thức về cách sống và tình cảm trong mối quan hệ của mình. (ảnh minh họa)
“Ngày cưới của mình, họ đến là vui rồi, chi ly làm gì…”
Bên cạnh những chia sẻ về việc “lỗ” sau khi cưới, rất nhiều người lại cho rằng, cưới là việc quan trọng của cả cuộc đời, là khoảnh khắc thiêng liêng và hạnh phúc, đừng để những tính toán tẹp nhẹp làm mất đi ý nghĩa ngày trọng đại của chính mình.
Bạn T.H bày tỏ: “Theo quan điểm của mình, cưới xin người ta đến dự mừng hạnh phúc mình là vui lắm rồi. Mình chả quan trọng mình mừng họ thế nào thì họ phải mừng trả như thế.
Cả đời mới cưới 1 lần, có tốn 1 lần cũg chả sao, so sánh thiệt hơn làm gì cho mệt, nhất là xác định đi đám cưới thì sẽ toàn người thân mà. Tại sao phải tính toán với người thân như vậy. Bớt tính toán đi sẽ nhẹ nhàng hơn mà”.
Hay như bạn Đ. H chia sẻ: “Đám cưới là việc của mình, người ta đã phải bỏ công bỏ việc ra đến dự việc nhà mình là quá nhiệt tình với mình rồi chứ chả ai ham ăn cái cỗ cưới cả. Cảm ơn người ta còn không hết ấy chứ đâu dám than vãn mừng ít với mừng nhiều.
Còn chuyện lỗ lãi là việc của mình, cỗ cưới là đãi khách chứ có phải kinh doanh đâu mà lỗ lãi. Còn sợ lỗ thì không mời ai hết, hoặc không bày cỗ mà chỉ uống nước hút thuốc thôi thì chắc chắn sẽ không lỗ”.
Nhiều người lại rằng, cưới là việc quan trọng của cả cuộc đời, là khoảnh khắc thiêng liêng và hạnh phúc, đừng để những tính toán tẹp nhẹp làm mất đi ý nghĩa ngày trọng đại của chính mình. (Ảnh minh họa)
Câu chuyện tạo ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng mặc dù không tính toán kinh tế nhưng nếu ai cũng hành xử như vậy thì sau đám cưới chắc hẳn các cặp vợ chồng sẽ phải “méo mặt”.
Hơn nữa “của đau, con xót”, ai cũng sẽ cảm thấy tiếc khi cho đi mà không nhận về xứng đáng.
Nhưng cũng có người cho rằng nên bỏ qua những hằn học đó để chính cái tâm của mình thư thái. Hơn nữa, nếu không ở hoàn cảnh của đối phương sẽ khó lòng mà biết được chính xác nguyên nhân.
Biết đâu chừng, mặc dù họ muốn đi lại bằng số tiền đã nhận được nhưng thời điểm hiện tại cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn, không còn cách nào khác họ buộc phải mừng ít hơn?
Khi đó, chẳng phải mình đã quá ích kỉ khi trách cứ mà không hiểu cho nỗi khổ hiện tại họ đang trải qua.
Ý kiến của một số người về việc không nên tính toán chuyện phong bì mừng cưới
Tạm kết
Câu chuyện về văn hóa phong bì vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía mọi người. Mỗi người một quan điểm, một cách nghĩ khác nhau.
Văn hóa phong bì trở thành một cái tục khó bỏ của người Việt, nhưng đi như thế nào, nhiều ít bao nhiêu lại là hành động khác nhau. Chắc hẳn ai cũng có lí do cho hành động của mình.
Đằng sau chuyện “phong bì dày hay mỏng” còn là vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người. Hi vọng rằng sẽ không có nhiều những câu chuyện “uất ức” vì nhận về thiếu so với gửi đi hoặc cá biệt là chuyện “đòi tiền cưới như đòi nợ” của cô dâu mấy ngày vừa qua.
>> Xem thêm: Lặng người với chiếc phong bì cưới đòi trừ tình phí