Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính mạng xã hội (cụ thể ở đây là facebook) chứ không phải là một ai khác đóng vai trò là bà mối cho chúng tôi đến với nhau.
Nhưng càng ngày, tôi càng nhận ra quyền lực của bà mối ảo này to lớn kinh khủng khiếp. Nó gắn kết con người và cũng có thể đẩy con người xa nhau hơn. Chẳng thế mà có ai đó đã từng nói: Càng nhiều bạn ảo, người ta càng cô đơn hơn trên đời thực.
Một trong những điều khiến facebook trở thành mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu đó chính là sự kết nối, tính tương tác của nó giữa người dùng với nhau.
Bạn bè từ thời phổ thông, xa nhau cả gần chục năm không gặp mặt, bỗng một ngày facebook giới thiệu cho bạn một người dùng khác, và hỏi bạn có biết người này không, bạn đoán ra đó chính là cô bạn ngồi cùng bàn mấy năm cấp ba. Một cú nhấp chuột, một lời xác nhận thế là sự kết nối được thiết lập. Bạn biết thêm được những người bạn khác cùng lớp đang làm gì, ở đâu, cuộc sống như thế nào.
Trước thời facebook ra đời, một không gian kết nối khác có sức phổ biến ở Việt Nam là blog, yahoo. Cùng với công cụ chát, công cụ blog cho phép người ta tuôn xả thật nhiều những tâm sự diễn ra hằng ngày. Mạng xã hội, với những người có lạ có quen, thông qua những lời nhận xét giúp cho người giãi bày tâm sự cảm thấy được sẻ chia, được khích lệ.
Đối với một lượng lớn khổng lồ người dùng facebook, công cụ này còn cho phép họ đưa lên thật nhiều hình ảnh cá nhân. (ảnh minh họa)
Ở ngoài đời thường, liệu có thể đồng thời có hàng trăm, hàng ngàn người lắng nghe, đồng cảm hoặc đơn giản là bày tỏ thái độ với mọi sự trở trăn của bạn không. Mạng xã hội thời blog 360 giúp người ta nói được nhiều hơn, cho phép người ta chia sẻ được nhiều hình ảnh hơn. Bởi đó là không gian đọc chậm, không gian riêng, không bị hòa lẫn nhiều như facebook ngày nay.
Đối với một lượng lớn khổng lồ người dùng facebook, công cụ này còn cho phép họ đưa lên thật nhiều hình ảnh cá nhân. Một địa điểm đẹp mê hồn, một món ăn đầy hấp dẫn…tất cả điều đó sẽ bớt đi một phần quan trọng nếu như bạn không thể chụp nó lại và “khoe” lên mạng xã hội.
Nào, hãy thừa nhận đi chị em. Có nhiều điểm đến, có nhiều chuyến đi mà mục tiêu lớn nhất của bạn là chụp ảnh tải lên facebook phải không nào.
Phụ nữ đã từng được nhiều nghiên cứu tràn trề nghiêm túc chỉ ra, bản thân trong bộ não đã là những người được quy định phải nói nhiều. Nhưng căn bản của sự nói là phải có người lắng nghe. Nếu không được nói ra, khả năng tồn chứa của bộ não phụ nữ không đủ để lưu trữ thông tin, và rồi facebook đã thay họ làm điều đó.
Thay vì phải than vãn với một ông chồng vô cảm, chỉ biết ậm ừ rung đùi và may chăng có ông còn cố tỏ ra quan tâm, thì bây giờ chỉ một dòng tâm sự ngắn, một câu thở than là có bao nhiêu người sẵn sàng vào bày tỏ thái độ thông qua từng nhát like, từng câu bình luận vui vẻ. Trật tự cảm xúc nhanh chóng được thiết lập.
Chương trình “Vợ chồng son” là một chương trình truyền hình đang thu hút sự quan tâm của người xem. Hiểu một cách đơn giản, đó là chương trình mà hai vợ chồng đang ở tuổi “son” lên kể với người xem về hành trình từ tình yêu đến hôn nhân và cuộc sống hôn nhân hiện tại. Một màn thú vị nhất của chương trình này đó chính là phần “vợ chồng kể xấu lẫn nhau”. Không có nhiều bất ngờ, lời kêu ca nhất mà các ông chồng chán nản ở vợ mình đó chính là “nói nhiều quá, nói liên miên không ngừng nghỉ”.
Tạo hóa bất công vậy đấy, họ sinh ra phụ nữ và bắt họ phải nói nhiều, nhưng họ lại không tạo ra được những người đàn ông lắng nghe. Facebook cân bằng được một phần điều đó rồi các mẹ bỉm sữa ạ.
Vậy thì, rốt cuộc “động cơ” của chúng ta lên mạng xã hội làm gì? Nghe qua tưởng đơn giản, nhưng nghĩ kỹ phải tầm cỡ luận án tiến sĩ bảo vệ ở một Viện nào đó từng rầm rộ trên mạng.
Rốt cuộc, thì động cơ lên mạng xã hội của chúng ta… theo tôi, to lớn nhất với chị em đó là công bố cuộc sống xung quanh của mình thông qua những hình ảnh. Bày tỏ tâm tư và tìm kiếm sự sẻ chia. Nếu chỉ như thế thôi thì đời đã đẹp. Nhưng ngày nay, với tư cách là những công dân mạng có trách nhiệm, chúng ta còn phải bày tỏ quan điểm thông qua những chia sẻ, những bình luận.
Ở đời, đôi khi ta cũng chẳng hiệu động cơ của chúng ta trong từng trường hợp cụ thể. Cũng như khi ta thất vọng nhìn ông chồng mặc chiếc quần lò xo (quần đùi lâu năm có nhiều nết gấp), ngồi ngoáy mũi xem ti vi, rồi ta cũng băn khoăn tự hỏi: Không biết ngày xưa, động cơ nào khiến mình lấy cái gã đàn ông ấy làm chồng. Nhẽ là để sinh sản để duy trì nòi giống. Ừ, biết đâu nghĩ thế lại hay...
Eva tám là nơi chị em tâm sự, chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề khúc mắc về hôn nhân, gia đình, cuộc sống, những kinh nghiệm kinh doanh, làm giàu. Hãy gửi tâm sự về địa chỉ chiase@khampha.vn để nhận được những góp ý cũng như những ‘cao kiến’ chân thành của chị em. Bài viết của các bạn sẽ được chọn đăng tải trên chuyên mục nếu phù hợp quy chuẩn nội dung và sẽ được bảo mật thông tin cá nhân. |