Quen có người giúp việc nên mấy ngày nghỉ Tết, nhiều gia đình bấn loạn vì không biết đối phó với trẻ nhỏ thế nào.
Gọi điện van nài ôsin
Mới hết mùng 6 Tết, chị Hạnh đã lo sốt vó vì con ngày nào cũng quấy, khóc thé lên. Mấy đêm rồi chị đều mất ngủ vì có dỗ thế nào con cũng không nghe. Từ việc ăn mấy giờ, ăn những gì và cách nịnh trẻ ăn chị cũng không thạo như người giúp việc. Cháu không chịu ăn, cứ đòi bà và chỉ theo bà.
Nghĩ đến cảnh ấy mà chị Hạnh chua chát. Ai đời con bây giờ không chịu theo bố mẹ mà chỉ theo người giúp việc. Nhưng biết làm sao được vì lỗi cũng tại anh chị, thời gian rảnh rỗi không có nhiều nên tất nhiên chơi với con cũng chẳng được bao lâu một ngày. Chỉ về nhà chơi với con được chút xíu rồi cháu đã lăn ra ngủ, thế nên thời gian bố mẹ nhìn mặt con ít hơn người giúp việc là cái chắc.
Dù theo đúng lịch bác giúp việc nhà chị được nghỉ tới mùng 9, nhưng bấn quá, chị gọi điện cầu cứu bác lên sớm. Người giúp việc dù có tình cảm với cháu cũng không đành lòng vì nhà còn trăm công nghìn việc. Vả lại, tính là được nghỉ tới mùng 9 nên mọi kế hoạch đã sắp xếp sẵn rồi, khó mà thay đổi. Một năm mới được nghỉ dài dài lại bảo lên sớm thì quả là khó. Nhưng chị không còn cách nào khác vì con chị khóc quá, từ ngày bà giúp việc về cháu gầy đi trông thấy, hai mắt thâm quầng vì không chịu ngủ. Mệt quá chị chỉ biết còn cách này.
Ô-sin thời nay tìm người tin cậy đâu phải dễ (ảnh minh họa)
Nhưng bác giúp việc kiên quyết không lên, bảo cố vài hôm nữa cháu sẽ quen. Chị cũng đã cố rồi đó chứ, cố mãi không được nên hôm nay chị mới đánh liều gọi và van nài bác lên thăm nom con hộ. Thế mà cũng không tài nào lung lay được. Chị Hạnh nghĩ bụng: “Liệu có bận thật không hay người ta làm khó mình?”. Gì mà chủ nhà giờ phải van nài ôsin như van nài mẹ chồng, thậm chí còn quá mẹ chồng. Người ta bảo ôsin bây giờ kiêu cũng có cái lý của nó.
Thưởng ‘hậu Tết’ 5 triệu đồng
… Thế là chị Hạnh bèn thương lượng với bác ôsin sẽ trả thêm cho bác, gọi là khoản ‘thưởng hậu Tết’ 5 triệu đồng, coi như đó là số tiền cám ơn bác đã lên sớm trông nom con chị. Thật ra người nhà quê bận thật nhưng thấy món tiền ấy hậu hĩnh nên đã xem xét mà bằng lòng. 5 triệu đâu phải số tiền nhỏ, với người làm công chức đã lớn rồi đừng nói tới người đi làm ôsin như bác.
Thế nên, bác giúp việc đành gác lại mọi việc, nhờ mỗi người chút ít rồi lên nhanh thành phố trông con cho chủ nhà. Âu cũng là đôi bên cùng có lợi. Thật tình, bỏ ra 5 triệu chị Hạnh tiếc lắm. Coi như mấy ngày công này quá đắt, trả tận 5 triệu nhưng xót con, chị không đành lòng nhìn con khóc lóc, gầy đi trông thấy. Đã quen bác giúp việc nên không tài nào chị dỗ được. Nếu cứ tiếp tục con sẽ ốm nặng.
Thôi thì thà tiếc vài đồng cũng còn hơn là để con ốm còn xót hơn. Tiền thuốc có khi còn không bõ. Bỗng dưng người giúp việc đã được thưởng Tết to lại kiếm thêm món hời. Thật ra, làm giúp việc đâu phải vất vả, người ta cứ gọi là cái nghề đi phục dịch người khác, cơ cực nhưng bây giờ quan niệm về ôsin đã khác xưa rồi, không còn cảnh phải làm tất tần tật mọi việc nữa. Ngược lại, chủ nhà còn phải chiều và nịnh ôsin ra mặt, nếu không họ ‘cao bay xa chạy’ ngay.
Thiếu ô-sin sẽ đi về đâu? Thật ra, tình trạng này không phải chỉ một mình gia đình chị Hạnh vướng phải. Thế mới nói, nhiều gia đình đã phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc, rồi không biết sau này, nếu không có ôsin thì mọi chuyện sẽ như thế nào. Giả xử con chị Hạnh cứ khóc lóc đòi ôsin như thế trong khi bác giúp việc cũng không thể nào gác việc lại mà lên được thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Thế nên, một lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ, đừng phụ thuộc quá nhiều vào người giúp việc, cũng đừng để con cái cho người giúp việc trông nom toàn phần. Hãy dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, có như thế sau này trẻ mới hình thành được tình yêu thương dành cho bố mẹ và hướng về bố mẹ. Bằng không, sau này khi lớn lên, những ấn tượng tốt đẹp về bố mẹ trong đầu trẻ không nhiều và ắt dẫn đến những cách ứng xử không hay. |