Chị B cho biết, ngày đầu tiên gặp mẹ chồng, chị cảm nhận mẹ chồng rất quý và thương yêu mình nên chị một mực tin tưởng gia đình chồng.
Chị B (sống ở TP.HCM) kết hôn vào năm 2009. Cuộc hôn nhân đó đã kết thúc từ lâu nhưng đến nay, sau hơn chục năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in những gì đã xảy ra.
Mẹ chồng xúi con trai lén bán hết vàng cưới của nàng dâu
Chị B cho biết, ngày đầu tiên gặp mẹ chồng, chị cảm nhận mẹ chồng rất quý và thương yêu mình nên chị một mực tin tưởng gia đình chồng. “Xuất phát điểm trong một gia đình có bố mẹ ly hôn từ khi tôi còn bé, tôi sống chung với ba. Khi gặp gỡ và biết hoàn cảnh của tôi, mẹ chồng rất thương yêu và quan tâm tôi. Khi đó tôi rất ngây thơ, rất mừng và vui vì cảm thấy bà thật lòng đối đãi với mình”, chị B chia sẻ.
Nhưng sau đám cưới, bi kịch đã ập đến. Chỉ hai ngày sau cưới, chồng liền bảo chị đưa hết vàng cưới, tiền mừng cưới cho mẹ chồng giữ. Chị B phản đối vì đó là tài sản đầu tiên của hai vợ chồng, chị muốn tự mình giữ và dành khoản đó cho tương lai công việc, con cái sau này.
Ngay ngày hôm sau, nhân lúc chồng chị B đi làm, mẹ chồng liền ra lệnh cho chị: “Con tháo hết vàng cưới, tiền cưới, đưa mẹ giữ”. Chị B thẳng thắn trả lời: “Con muốn kinh doanh nho nhỏ vì vậy con cần chút vốn, con muốn giữ lại số tiền và vàng cưới”.
Nghe câu trả lời này, mẹ chồng vô cùng tức giận, chửi con dâu xối xả: “Con sợ mẹ ăn cướp của con à? Tại sao con không để mẹ giữ? Mẹ chỉ giữ giùm con, chứ mẹ có làm gì đến tiền bạc của tụi con đâu, tại sao con lại xử sự như vậy?”. Dù vậy, chị B vẫn nhất quyết giữ lại vàng cưới. “Số vàng cưới đó đa phần là nhà tôi cho, còn mẹ chồng chỉ cho được 1 chỉ vàng thôi”, chị B giải thích thêm.
Chị B chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình trong chương trình Người thứ 3.
Ngay sau khi chồng về nhà, mẹ chồng giở trò khóc lóc và trách móc, bảo chị B hỗn láo với bà. Không để vợ giải thích, người chồng liền tát vợ một cái thật mạnh. Thấy cảnh này, bà mẹ chồng vô cùng hả hê, coi đó là chuyện hiển nhiên. Sau cái tát đó, chị B và chồng chiến tranh lạnh, nhưng chị nhanh chóng tha thứ cho anh khi chồng năn nỉ, xin lỗi.
Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn 2 ngày sau khi bị “ăn tát”, nhân lúc chị B không ở nhà, mẹ chồng đã xúi chồng chị bán hết vàng cưới và lấy tiền đó mua xe. Chồng chị B nghe theo, bán hết vàng cưới để mua xe và điện thoại mới, còn bao nhiêu anh ta đưa mẹ giữ hết.
Biết chuyện, chị B ấm ức nhưng phải ngậm ngùi chịu đựng. Chị nghĩ rằng mình cố gắng làm lụng, tích cóp thì lại có, không nên giữ thái độ khiến không khí trong gia đình căng thẳng, mệt mỏi thêm. Tuy nhiên, sự chịu đựng của chị chỉ đổi lại được những trận đòn roi “thừa sống thiếu chết” của nhà chồng.
Nàng dâu bị mẹ chồng vu oan, chồng đánh “thừa sống thiếu chết”
Chị B kể, chồng chị mê cờ bạc. Gia đình anh thường rủ rê anh đánh bài ăn tiền và tất cả tiền lương của anh đều đổ vào ván bài đỏ đen đó dù không bao giờ thắng. Mẹ chồng biết rõ, nhưng luôn bao che và bênh vực con trai. Vì vậy, dù chị B khuyên nhủ ra sao thì anh vẫn không nghe. Bức xúc, chị đã gọi điện cho công an xuống, cả gia đình chồng bị đưa lên phường và xử phạt hành chính. Khi đó, chị B mới cưới được vài tháng.
Sau quá nhiều chuyện xảy ra, chị B yêu cầu dọn ra ở riêng và chồng cũng đồng ý. Nhưng chỉ được 1 tháng, hai vợ chồng chị lại dọn về sống cùng mẹ chồng và gia đình em gái chồng. “Khi đó anh năn nỉ tôi rằng ‘ba anh mất rồi, chỉ có mình mẹ thôi, anh là con lớn trong nhà, để mẹ ở nhà như vậy anh không yên tâm, mẹ cũng có tuổi rồi’ nên tôi đã theo anh về nhà. Vừa về ở chung thì tôi phát hiện mình có thai”, chị B kể lại.
Từ lúc có thai, mẹ chồng càng săm soi, thêm mắm dặm muối nói xấu chị B nhiều hơn khiến cuộc sống của chị rất căng thẳng và mệt mỏi. Khi chị B sinh con, do ở trong căn phòng rất nhỏ, tối tăm chỉ khoảng 4m2 trong suốt hơn một năm, cộng thêm sự soi mói của mẹ chồng mà chị B bị trầm cảm.
“Chồng đi làm tối ngày, chỉ có tôi và mẹ chồng ở nhà. Mọi cử chỉ đều phải nhìn trước ngó sau, để ý từng xíu một”, chị B nói. Dù vậy, chị vẫn cố gắng chịu đựng vì con.
Một hôm anh trai đến đón mẹ con chị về nhà chơi, nhưng vì không ưa gia đình nhà chồng chị B nên khi đến đón, anh chỉ đứng ngoài cổng và không vào nhà. Không ngờ rằng, khi trở về nhà, chị B bị mẹ chồng cáo buộc “rửng mỡ theo trai”. Dù cố gắng giải thích nhưng mẹ chồng và chồng chị đều không nghe. Lúc ấy, chồng đã xông vào “tác động vật lý” vợ, dù khi đó chị đang bế con hơn 1 tuổi.
Sau sự việc đó, chị B bế con về nhà người thân. Nhưng rồi trước những lời hứa hẹn thay đổi của chồng, chị lại mềm lòng và quay về. Bởi, chị mong con có đầy đủ cả bố lẫn mẹ, không muốn con rơi vào cảnh thiếu bố thiếu mẹ như mình từng trải qua.
Dẫu vậy, thái độ của mẹ chồng với chị B vẫn không hề thay đổi, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn. Khi chị B đi làm lại, bà đã đổ hết tất cả chi phí điện, nước, ăn uống lên đầu chị.
Một hôm khi bóng đèn phòng chị B bị hỏng, chị nhờ em rể sửa giúp nhưng lại bị mẹ chồng vu khống là “mèo mả gà đồng với em rể”. Mặc dù chị và em rể ra sức giải thích, nhưng anh B vẫn tin lời mẹ, giáng trận đòn roi lên vợ mình. Vụ việc khiến chị B phải khâu gần 10 mũi trên đầu, cơ thể bầm dập, trầy trụa và một bên phổi bị tràn dịch. Sau chuyện này, chị B quyết định ly hôn, giành quyền nuôi con.
“Lúc đó tôi nghĩ, tôi không thể sống trong địa ngục đấy nữa, con tôi cũng không thể sống vui vẻ hạnh phúc trong môi trường mà bố mẹ không thương yêu nhau, gia đình xáo trộn như vậy. Lúc ấy, tôi không cần gì hết ngoài sự bình yên cho hai mẹ con tôi”, chị B nói.
Cuối năm 2013, chị ly hôn. Hiện tại, hai mẹ con tự nương tựa vào nhau, nhà chồng không ngó ngàng gì. Nhìn lại cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình, chị B nhận thấy nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do nhiều yếu tố.
Đầu tiên là do bản thân chị nhu nhược. Thứ hai là do mẹ chồng có thể ghen với con dâu. Vì bà chỉ có một con trai duy nhất, trước khi lấy vợ, con trai rất yêu thương và quan tâm mẹ, nhưng khi có vợ, tình cảm đó đã bị chia sẻ. “Vì ghen nên chỉ một chuyện nhỏ, bà cũng thổi phồng lên. Vào ngày lễ, kỷ niệm, chồng mua hoa mua quà tặng tôi thì bà cũng tỏ thái độ không vui”, chị B nói. Và nguyên nhân thứ 3 chính là chồng, vì anh nghe lời mẹ quá nên mới dẫn đến bi kịch như vậy.