Một cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự là khi cả hai học được cách im lặng, biết đâu là chuyện nên giữ phía sau cánh cửa nhà.
Cổ nhân có câu, chuyện gì xấu xa đừng kể với người ngoài, trong gia đình có gì đóng cửa bảo nhau. Phép tắc quan trọng trong cuộc sống vợ chồng này đến nay vẫn luôn giữ được giá trị.
Hai con người vốn xa lạ, nhờ tình yêu mà được kéo xích lại gần nhau. Bước chân vào cuộc sống gia đình thực sự, thật khó có cặp đôi nào không có những phút tranh cãi, xung đột. Nếu mỗi khi gặp chuyện bất đồng lại đem chuyện kể hết cho người ngoài, có thể vấn đề chẳng được giải quyết mà mối quan hệ còn trở nên xấu đi, vợ chồng thành trò cười cho thiên hạ. Theo thời gian, lòng tin dành cho nửa kia cũng sẽ giảm dần và sợi dây kết nối của đôi bên ngày càng mỏng manh.
Dù bạn là ai, giàu có hay nghèo khổ, cuộc sống vẫn luôn là của chính mình. Đôi khi, sự xuất hiện của người ngoài chỉ càng khiến vấn đề trở nên rắc rối, phức tạp, nhất là những chuyện nhỏ nhặt giữa hai vợ chồng.
Bởi vậy người ta mới nói, một cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự là khi cả hai học được cách im lặng, biết đâu là chuyện nên giữ phía sau cánh cửa nhà.
Đừng đem mâu thuẫn gia đình ra kể với người ngoài
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không gia đình nào là không có những góc khuất, điều khó nói riêng. Tuy nhiên người khéo léo là người biết vợ chồng đóng cửa bảo nhau, chớ dại đem chuyện mâu thuẫn gia đình kể lể với người ngoài, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường.
Nhiều người đơn giản nghĩ rằng, kể lể với người khác cũng chỉ để xả nỗi niềm bực tức trong người. Tuy nhiên họ không nghĩ đến việc sẽ ra sao nếu đó là người có động cơ xấu hoặc vô tình nhưng lại hành động gây hại đến gia đình bạn. Không ai muốn câu chuyện cãi vã của vợ chồng mình hôm nay ngày mai bỗng xuất hiện ở chợ hay trở thành chủ đề cho mấy “bà tám” trong xóm.
Dù bất bình đến đâu, tức giận thế nào cũng đừng đem chuyện trong nhà ra ngoài ngõ. Trên đời này không có nhiều sự đồng cảm và không ai có thể hiểu rõ tình cảnh như người ở trong cuộc. Học được cách “im lặng”, bạn mới có thể trở thành người trí tuệ thực sự trong cuộc sống.
Đừng tiết lộ thu nhập của gia đình với người khác
Đối với một gia đình, thu nhập kinh tế là một trong những phần quan trọng nhất và mang tính riêng tư. Bạn sẽ không thể phủ nhận vai trò mà nó đóng góp cũng như ảnh hưởng đến cách sống cũng như hạnh phúc của gia đình.
Khi bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng, kể chuyện thu nhập gia đình hay cách chi tiêu sinh hoạt chỉ là chủ đề hết sức bình thường thì sự thật là điều này có thể dẫn bạn đến rắc rối lớn.
Khi bạn tiết lộ thu nhập của gia đình mình với người có thu nhập thấp hơn bạn, dù bên ngoài vui vẻ nhưng tròng lòng có thể họ sẽ không thoải mái, thậm chí cho rằng bạn đang khoe mẽ, thích thể hiện.
Ngược lại, khi bạn chia sẻ thu nhập gia đình mình với người có điều kiện hơn, có thể họ sẽ nảy sinh tâm lý coi thường, đánh giá thấp những người tạo ra thu nhập trong gia đình bạn.
Dù giàu hay nghèo, kiếm được nhiều tiền hay không, tốt nhất đừng đem chuyện của mình mà kể khắp xóm. Có tiền thì đừng khoe khoang, thiếu tiền thì đừng than vãn.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống an toàn, bạn cần phải học cách im lặng và bảo vệ những đồng tiền của mình. Suy cho cùng, biết người biết mặt khó biết lòng. Sẽ không ai biết được những người mà bạn kể chuyện cùng nghĩ, đánh giá gì về bạn hay có dụng ý gì với bạn sau này.
Đừng rêu rao khuyết điểm của bạn đời
Có nhiều cách để bạn nhìn nhận về hôn nhân nhưng xét ở một góc độ nào đó, hôn nhân chính là sự chấp nhận điểm chưa hoàn thiện của đối phương.
Sau khi cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, nhiều người đã thốt lên rằng: “vì sao ngày đó em lại yêu anh nhỉ”. Đó chính là một cuộc hôn nhân thật sự.
Trên đời, không có ai là hoàn hảo và khi những khuyết điểm của một người bộc lộ, điều đó chứng tỏ rằng họ đã có đủ sự tin tưởng và sẵn sàng thể hiện con người chân thực của mình trước mặt bạn. Chính vì vậy, giữa vợ chồng luôn cần có sự bao dung và thấu hiểu lẫn nhau.
Nếu bạn luôn đem những khuyết điểm của người bạn đời để kể lể trong câu chuyện với đồng nghiệp hay bạn bè, điều đó chỉ khiến người ngoài chê trách, thậm chí coi thường bạn đời của bạn. Những khuyết điểm sẽ vẫn còn đó và mối quan hệ của hai người thì trở nên xấu đi, bạn đời khó xử với những người ngoài.
Hãy biết rằng, một cuộc hôn nhân có tốt đẹp hay không là phụ thuộc vào sự nỗ lực vun đắp đến từ cả vợ và chồng. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi bạn biết tất cả những khuyết điểm của người kia nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận. Suy cho cùng, hạ thấp giá trị của bạn đời cũng chính là hạ thấp giá trị của mình.
Ở đời, thành đôi thì dễ nhưng bên nhau cả đời, sống hạnh phúc mới khó. Sau những phút giây nồng cháy và đam mê, điều giúp hai bạn xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự chính là tôn trọng, bao dung và nhẫn nại.
Sẽ có những lúc vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, sẽ có những lúc bạn thấy sao người kia không thể hiểu mình. Những lúc đó hãy nhớ về khoảnh khắc đẹp đẽ khi hai bạn bên nhau, những điều tuyệt vời cả hai đã trải qua. Chỉ khi cùng nhau cố gắng, vun đắp cuộc sống gia đình, hôn nhân mới thực sự hạnh phúc.