Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng: "Đừng để tục lì xì bị biến tướng"

Ngày 08/02/2016 00:05 AM (GMT+7)

Tết Nguyên đán đã đến, cùng nghe Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng bày tỏ những quan điểm và chia sẻ xung quanh việc về quê ăn Tết nội ngoại cũng như việc lì xì đầu năm.

Đừng để tục lệ đẹp lì xì bị biến tướng

Tết cổ truyền xưa nay là nét văn hóa đẹp của các nước châu Á và của Việt Nam. Với người Việt, Tết là dịp để con cháu sum vầy bên bố mẹ, ông bà, là dịp để con cháu bày tỏ lòng kính trọng với bố mẹ, gia đình mình. Dù ở nơi đâu, cũng không thể quên việc về quê ăn Tết. Người ta gặp nhau, vui vẻ với nhau, chúc tụng nhau và lì xì cho nhau đầu năm để rước lộc, mang may mắn về nhà.

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Theo Tiến sĩ Mỹ Học Thế Hùng, Giám đốc chương trình Nghệ thuật, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội, lì xì là một nét văn hóa đẹp trong dịp Tết, ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Người ta mang nét đẹp văn hóa ấy chia sẻ cho nhau, chia sẻ niềm vui hạnh phúc với người khác, mang niềm vui, sinh khí mới đến cho cộng đồng.

Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng: quot;Đừng để tục lì xì bị biến tướngquot; - 1

Tiến sĩ Thế Hùng cho rằng, bản chất của việc lì xì là rất tốt, giúp mang lại may mắn cho con người và là một tục lệ đẹp nên lưu giữ, phát huy.

Tiến sĩ cũng nói thêm, bản chất của việc lì xì là rất tốt, giúp mang lại may mắn cho con người và là một tục lệ đẹp nên lưu giữ, phát huy. Tuy nhiên, cũng nên nhớ, phải lì xì sao cho có văn hóa. Hiện nay, việc lì xì đã bị biến tướng. Nhiều người coi trọng đồng tiền trong phong bao đỏ hơn là sự may mắn. Họ cho rằng, tiền trong phong bao nhiều thì tình cảm mới nhiều, tình cảm phụ thuộc vào vật chất. Đó là quan niệm sai, đi ngược lại nét văn hóa truyền thống. Điều này là hoàn toàn không nên và phải xóa bỏ ngay tư tưởng đó.

Nhiều người còn mượn danh tục lì xì để biếu xén, quà cáp một cách thái quá. Nếu làm quá, hình thức này sẽ trở thành đút lót, là việc làm trái với quy định. Nên, chỉ nên để lì xì là lì xì theo đúng nghĩa, mang lại may mắn, tấn tài tấn lộc đầu năm cho gia đình, mọi người xung quanh.

Đàn bà đã không còn phụ thuộc chồng như trước

Cũng nhân đây, khi được hỏi về quan niệm ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại của người Việt, Tiến sĩ đã bày tỏ quan điểm của mình.

Theo Tiến sĩ, quan niệm quê nội quê ngoại cũng như việc về ăn Tết nhà nội nhà ngoại là như nhau, không có sự phân biệt nội ngoại dù gần dù xa. Đôi bên đều được tôn trọng và con cái nên sắp xếp thời gian hợp lý để về quê nội, quê ngoại vui Tết với ông bà, bố mẹ. Nhưng, hiện nay, nhiều người Việt vẫn quan niệm, làm dâu là phải nhất định ăn Tết ở nhà nội và đó đã là quan niệm ngấm vào xương máu nhiều người. Tức là, đã đi lấy chồng thì phải theo nhà chồng, ăn Tết cũng phải là ở nhà chồng, còn nhà ngoại đứng thứ hai.

Tiến sĩ cũng chia sẻ, sở dĩ có quan niệm này là do, văn hóa của ta ảnh hưởng từ Trung Quốc. Người Trung Quốc ‘đẻ’ ra luận pháp Đổng Trọng Thư từ trước Công nguyên thời Xuân Thu, theo đó, người phụ nữ phải ‘tam tòng tứ đức’.

Đây là nghi thức của lễ giáo phong kiến, tức là ,người phụ nữ khi đi lấy chồng phải phụ thuôc gia đình: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tức là, con gái ở nhà htif phải theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì phải theo con trai chủ gia đình. Còn tứ đức, theo Khổng giáo tức là: công, dung, ngôn, hạnh. Theo Tiến sĩ, quan niệm này đã lỗi thời. Trong thời hiện đại, phụ nữ làm chủ gia đình nhiều, và chuyện lệ thuộc vào chồng cũng như nhà chồng không còn là chuyện gò bó họ nữa.

Cũng chính vì vậy, chuyện đàn bà phải theo chồng về quê chồng, nhất mực phải ăn Tết ở nhà chồng cũng đã là quan niệm cũ, phong kiến, là tục lệ xưa. Thời nay, con cái là phải coi nhà chồng, nhà vợ đều như nhau, ông bà nội cũng như ông bà ngoại. Thế mới phải đạo làm con.

Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng: quot;Đừng để tục lì xì bị biến tướngquot; - 2

Quan điểm của Tiến sĩ Thế Hùng cũng góp phần khiến cho chúng ta, nhất là những đấng mày râu có cái nhìn khác trong việc ép buộc vợ mình phải về ăn Tết nhà nội. (Ảnh minh họa)

Thêm nữa, kinh tế cũng đã quyết định người nào làm chủ gia đình. Ví như, người vợ giỏi hơn chồng, kiếm được nhiều tiền hơn chồng thì không có lý gì họ lại nghe theo lời của chồng, chấp nhận phục tùng chồng, để cho chồng quyết định mọi mặt cuộc sống của họ. Người có kinh tế thường làm chủ gia đình, không phân biệt đàn ông, đàn bà. Và khi đó, phụ nữ cũng có quyền quyết định nên ở đâu, về nhà nội hay nhà ngoại. Thời nay, trụ cột gia đình không chỉ còn là đàn ông nữa, và cũng không có chuyện, đàn bà thì phải nhất nhất nghe leo thời chồng.

Tuy nhiên, việc này cũng cần cân đối để đảm bảo tình cảm vợ chồng, không nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên gia đình. Cư xử khéo léo mới là điều mà người vợ và người chồng nên làm trong lúc đang ‘khẩu chiến’ chuyện ăn Tết ở đâu.

Quan điểm của Tiến sĩ Thế Hùng cũng góp phần khiến cho chúng ta, nhất là những đấng mày râu có cái nhìn khác trong việc ép buộc vợ mình phải về ăn Tết nhà nội. Ở đâu cũng là quê, đâu cũng là nhà, bố mẹ nội ngoại đều là người thân. Thế nên, đã là vợ chồng, cần có sự cảm thông, chia sẻ và cùng nhau bàn tính xem nên ăn Tết ở đâu mới là hợp lý. Để đảm bảo tình cảm đôi bên gia đình, đảm bảo tính công bằng cũng như đảm bảo tình cảm vợ chồng được gắn kết, bền lâu.

Nam Châm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan