“Bản thân tôi cho rằng, quà cho nhà ngoại tốt hơn, nhiều hơn là lẽ thường vì mình ở nhà nội, ông bà thiếu gì, cần gì, mình biết ngay còn ông bà ngoại nhiều khi ngại, thương con, chẳng đòi hỏi gì cả.”
Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại luôn là vấn đề nan giải với nhiều gia đình, đặc biệt là khi câu chuyện “trọng nội khinh ngoại” ngày càng trở thành rào cản ngăn cách các thành viên thẳng thắn bộc lộ cảm xúc cá nhân. Nếu như hàng ngày ta thường nghe các bà vợ lên tiếng thì lần này, hãy thử nghe các ông chồng giãi bày xem sao.
“Ăn Tết nhà nội còn là nghĩa vụ”
“Vợ chồng tôi thường về nhà bà nội 29 Tết, ăn tất niên đón giao thừa bên bà nội, mùng 1 là cả nhà đi một vòng chúc Tết họ hàng. Sang mùng 2 mới ra bà ngoại chúc Tết và đi cùng ông bà chúc Tết bên họ ngoại. 3 năm lấy nhau năm nào cũng thế, có con thì thay đổi chút ít là cho con về ông bà sớm nội sớm hơn một chút và dành cho con một ngày đi chơi đầu năm” – anh Duy (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết. Khi được hỏi vì sao lại thường chọn về nhà nội ăn Tết trước thay vì nhà ngoại, anh trả lời: “Về quê nội ngày Tết không chỉ là về thăm ông bà mà còn là nghĩa vụ nữa. Tôi là con trưởng, có nhiệm vụ cúng bái tổ tiên, chúc Tết họ hàng, làng xóm. Đó là điều bất di bất dịch của ngày mùng Một Tết rồi.”
Với anh Duy, ăn Tết ở nhà nội là nghĩa vụ bất di bất dịch
Về câu chuyện “trọng nội khinh ngoại”, anh Duy nói thêm: “Bản thân tôi chưa khi nào nghĩ đến chuyện đó. Bên nào cũng là gia đình mình cả, tôi không hề có sự phân biệt. Chỉ là phận làm con trưởng, phải giữ trọn đạo nghĩa. Ngày tư ngày Tết lại càng phải cẩn trọng. Trước Tết nhà tôi cũng chủ động về nhà ngoại từ 24, 25 để biếu quà, ăn với ông bà bữa cơm. Bố mẹ vợ tôi cũng hiểu nên chưa bao giờ ý kiến chuyện con cái ăn Tết ở đâu. Cũng may là quê vợ chồng gần nhau, mùng 2 đi từ sớm là đến trưa chúng tôi đã ở nhà ngoại rồi”.
Cùng chung quan điểm với anh Duy, anh Bách (Cầu Diễn – Hà Nội) chia sẻ: “Đàn ông con trai thường đảm nhiệm trọng trách cúng tế trong nhà ngày Tết nên nói về ăn Tết quê ngoại có nhiều cái không được hợp lý lắm chứ không phải chúng tôi ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân”. Anh cũng tâm sự: “Khi đọc các bài viết của các chị em trên mạng về chuyện này, tôi cũng hiểu phần nào cảm giác phải xa nhà, xa quê hương ngày Tết. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nếu gia đình có điều kiện phù hợp để ăn Tết quê ngoại, tôi nghĩ cánh đàn ông sẽ không nề hà gì đâu.”
Hỏi anh vậy làm sao để cân đối nội ngoại, không để vợ mất lòng, anh Bách đáp: “Đầu tiên vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn với nhau. Sau đó sẽ bàn bạc, sắp xếp những dịp được nghỉ dài ngày trong năm như 30/4,1/5, Quốc khánh để đưa các con về chơi với ông bà ngoại. Gần Tết hai vợ chồng có thể đưa con về ăn ông Công ông Táo chẳng hạn.”
Anh Bách luôn lưu ý vợ phải chuẩn bị chu đáo khi về nhà ngoại
Hỏi anh có bao giờ để ý chuyện vợ chuẩn bị quà Tết cho bố mẹ không, anh trả lời: “Có chứ, tôi luôn nhắc nhà tôi nên chọn đồ tốt cho ông bà. Trong năm mình không có nhiều thời gian để chăm sóc, chỉ đến Tết mới được tỏ chút lòng thành. Sao lại không để ý được? Bản thân tôi cho rằng quà cho nhà ngoại tốt hơn, nhiều hơn là lẽ thường vì mình ở nhà nội, ông bà thiếu gì, cần gì, mình biết ngay còn ông bà ngoại nhiều khi ngại, thương con, chẳng đòi hỏi gì cả.”
Sẵn sàng cùng vợ về quê ăn Tết
Không giống quan điểm chung của đàn ông Việt Nam, đàn ông nước ngoài có cái nhìn thoáng hơn trong chuyện ăn Tết.
Anh Calvin (người Singapore) đang háo hức cho lần đầu ăn Tết ở Việt Nam: “Ở Singapore chúng tôi không quá quan trọng chuyện này. Dù tôi là con trai duy nhất trong gia đình nhưng ngày Tết bố mẹ và gia đình chị gái vẫn có thể làm thay các nhiệm vụ tổ chức tiệc, đi chúc Tết họ hàng.”
Anh nói thêm: “Tôi từng có thời gian học tập và làm việc 2 năm ở Úc nên rất hiểu cảm giác nhớ nhà khó chịu ra sao. Vậy nên khi vợ tôi đề xuất chuyện về Việt Nam đón Tết tôi đồng ý ngay. Vì khoảng cách địa lý và bận rộn công việc mà vợ tôi không có dịp về thăm gia đình nên càng phải tranh thủ ngày Tết.”
Với anh Calvin, ăn Tết ở Việt Nam sẽ là trải nghiệm lý thú
“Tết ở Việt Nam nhất định sẽ rất thú vị. Tôi muốn thưởng thức khí trời se lạnh ở Hà Nội, những cơn mưa phùn, mùi hương ở chùa chiền, được ăn bánh chưng, được ngắm hoa đào. Biết về những tập quán quê hương này cũng là cách để hiểu người bạn đời của mình hơn.”
Tết đang đến rất gần, trên những con phố, trong những mái nhà và tiếng cười con trẻ. Chuyện ăn Tết nội hay ngoại có lẽ sẽ còn được tranh luận rất lâu nữa mà chưa thể có câu trả lời thỏa đáng. Chi bằng các cặp vợ chồng nên nhường nhịn nhau một chút, gác lại những bất đồng để toàn tâm đón một năm mới với nhiều niềm vui. Đừng vì những tranh cãi vụn vặt để làm lỡ mất thời khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới bên gia đình.