Phố Hàng Mã những ngày này tấp nập người mua người bán hòa cùng muôn vàn sắc màu của những đèn lồng, đèn ông sao, đồ chơi.
Phố Hàng Mã những ngày này tấp nập người mua người bán hòa cùng muôn vàn sắc màu của những đèn lồng, đèn ông sao, đồ chơi. Không nơi đâu ở Hà Nội mà không khí Trung thu rộn ràng như thế, cũng không ở đâu ta có thể thấy rõ sự thay đổi của Trung thu trong lòng người như thế.
Trung thu trước nay vẫn được coi là ngày của trẻ em, của những món đồ chơi là niềm ao ước của mỗi đứa trẻ. Chỉ đến ngày này, bố mẹ mới chiều theo ý thích của con mình, dắt ra một vòng Hàng Mã để thỏa thích lựa chọn. Sự háo hức, mong đợi ấy khiến cho Trung thu trở thành một ngày kì diệu.
Nhớ hương vị Trung thu xưa
Ông Khang – người bán hàng lâu năm trên phố Hàng Mã, kể về Trung thu những năm cũ với sự bùi ngùi khó tả: “Ánh mắt của những đứa trẻ là thứ không ai có thể quên được. Cảm giác mỗi cái đèn ông sao mình cầm trên tay với chúng như một kho báu. Chúng cầm mà nâng niu dữ lắm. Mình nhìn mà cũng thấy vui lây. Giờ thì…” – Ông bật cười, đưa tay cầm lấy một chiếc đèn lồng vừa bị người khách đi qua bỏ xuống: “Trẻ con bây giờ kén chọn hơn trước nhiều. Không phải chúng không thích đồ chơi nữa mà là có nhiều đồ chơi quá, đồ chơi Trung thu chẳng còn giống như báu vật nữa.”
Ông Khang và gian hàng của mình
“Cũng đúng thôi, giờ bố mẹ mua đồ chơi cho con là chuyện hàng ngày. Những thứ như trống, mặt nạ, đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân chúng chơi một lúc là chán. Đồ chơi truyền thống không thể hấp dẫn bằng đồ chơi hiện đại được.” Nói rồi ông Khang chỉ lên chiếc bàn bày đầy các loại súng phun nước, súng bong bóng rồi chép miệng: “Chỉ là nhập về để bán thôi chứ bản thân tôi thấy vô bổ lắm, chẳng mang chút không khí Trung thu nào cả thế nhưng bọn trẻ lại thích lắm đấy!”
Ông cho rằng trẻ con ngày này không còn chuộng các đồ chơi truyền thống nữa
“Trung thu là ngày hội sum vầy của gia đình. Ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần bên nhau ăn bánh trung thu rồi bắc ghế ra sân ngồi quây tròn lại ngắm trăng sáng trên trời. Trẻ con kéo nhau đi phá cỗ. Đoàn múa lân đi từng nhà, vào tận trong sân để nhảy, đi đến đâu tiếng reo vang đến đó, tiếng trống đập rộn ràng, tiếng vỗ tay không ngớt. Tất cả những điều đó mới là trung thu. Trung thu bây giờ không còn thế nữa.” – Ông nói: “Trung thu giờ người lớn ra đường còn nhiều hơn trẻ con. Cháu tôi hay nói vui là cứ từ mùng 1 tháng 8 âm trở đi là hoặc cả ngày ở nhà, hoặc phải đi đến quá nửa đêm mới mong đường vắng mà về nhà được. Cái không khí quây quần cũng không thấy đâu nữa. Mọi người nô nức đón lễ đấy nhưng hình như ai cũng tất bật hơn, không còn thời gian để hít thở không khí ngày lễ hội.”
Người già thường hiểu nhau, cụ Mộc – bán hàng cau đầu phố Hàng Mã cũng đồng tình với ông Khang. Ngồi ở đầu con phố này bán cau từ mấy chục năm nay, cụ Mộc rõ hơn ai hết sự đổi thay trên con phố, từ những hàng đồ chơi tới cách người ta sắm đồ và đi chơi Trung thu. “Như tôi ngày xưa còn bé làm gì biết Trung thu là ngày gì. Cơm ăn hàng ngày chẳng có. Đến lúc có tuổi, thấy con trẻ đón trung thu mới thấy náo nức, rộn ràng. Chắc vì mình biết cái khổ cái nghèo từ sớm quá nên lớn rồi càng thấy Trung thu là điều gì thiêng liêng lắm. Mỗi khi mua quà cho con cho cháu chơi Trung thu, tôi đều thấy bồi hồi. Mà vui lắm nhé! Trung thu ngày xưa ấy, năm nào người ta cũng tổ chức thi làm mâm cỗ. Cứ các xóm thi đua nhau. Rồi văn nghệ, hát hò đến tận đêm khuya mới kéo nhau về. Trừ Tết ra thì chỉ có trung thu mới vui và nhộn nhịp tới vậy.”
Với cụ, Trung thu là dip sum vầy, là ngày hội lớn thực sự
“Hàng Mã ngày thường cũng vẫn đông, đồ chơi ngày thường cũng vẫn có. Nhưng mỗi khi gần đến Trung thu, cả con phố như lột xác vậy. Có cái gọi là không khí trung thu len lỏi trong cách người ta treo hàng, bày hàng. Ngày xưa cảm nhận rõ lắm, giờ thì chỉ thấy toàn người là người, chen lấn nhau từ sáng đến tối.” – Cụ Mộc khẽ thở dài: “Cháu nhà tôi giờ lớn cả rồi, thỉnh thoảng cũng than thở, bà ơi sao cháu thấy giờ trung thu chẳng còn như xưa nữa. Ngại đường đông, cháu còn chẳng muốn bước chân ra khỏi nhà. Nghe vậy tôi cũng chỉ biết cười, một ngày sum họp gia đình nhưng ai ai cũng đều chỉ muốn ra đường, bảo sao không khí trung thu khác đi là phải.”
Trung thu nay và câu chuyện đồ chơi
Với Hoa – du học sinh, mỗi lần trở về nhà nhân dịp Trung thu lại có một cảm xúc khác nhau. “Mình cũng thấy bạn bè than thở là giờ đi chơi Trung thu chán lắm, chẳng có hương vị như xưa nhưng những đứa du học xa như mình lại vẫn thấy Trung thu hay và vui lắm. Bạn có thể tưởng tượng khi mình xuống sân bay sau một chuyến bay dài, trên đường trở về nhà đi theo các dãy phố cổ và nhìn thấy những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín tầm mắt, những chiếc đầu lân đỏ chói xếp ngay ngắn trên bàn, mặt nạ chú Tễu ngộ nghĩnh trên gương mặt những đứa trẻ… Đó là cảm giác rất thân thuộc, rằng mình đang thực sự trở về nhà rồi.”
Trung thu là thời gian Hoa dành cho gia đình, bạn bè và thưởng thực không khí Hà Nội
“Trung thu vẫn là Trung thu thôi, chỉ có lòng người thay đổi, đặt ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho một ngày lễ và nghĩ rằng nó mất đi hương vị. Mình không nghĩ nhiều như vậy. Với mình, Trung thu vẫn là Trung thu, là ngày để mình ở bên gia đình, đi chơi hội họp cùng bạn bè và thưởng thức không khí Hà Nội rực rỡ. Điều tạo nên giá trị của Trung thu không phải là ở những món đồ chơi mà ở cách chúng ta làm gì trong ngày đó.”
Anh Tiến, một phụ huynh cũng cho rằng Trung thu thực chất vẫn mang những giá trị cũ, chỉ khác đi ở cách thể hiện, “Như là bình mời rượu cũ vậy, cái chất Trung thu vẫn là điều không lẫn đi đâu được.” Hỏi anh vì sao lại chọn cho con gái một cây súng đồ chơi phun bong bóng thay vì những đồ chơi truyền thống khác, anh trả lời: “Đồ chơi truyền thống như đèn ông sao một là nhanh hỏng, con mình cầm quăng quật chút là hỏng ngay. Hai là với những đứa hay quen ngậm vào miệng mà giấy dán nhiều phẩm màu độc hại thế nào ai cũng biết. Đồ chơi điện tử thì bền hơn mà cũng dễ chơi hơn, con chơi lâu không chán.”
Anh Tiến hướng dẫn con gái chơi đồ chơi
Hỏi anh như vậy chẳng phải là khiến Trung thu mất đi một phần giá trị truyền thống sao, anh Tiến trả lời: “Từng thời kỳ thì lại có xu hướng khác nhau chứ. Ngày xưa mình đón Trung thu khác thì giờ bọn trẻ cũng đón Trung thu khác đi. Đồ chơi cũng chỉ là đồ chơi thôi mà. Miễn bọn trẻ vẫn biết đây là ngày Trung thu và sau này lớn lên thì làm như mình là được.”
Nhiều phụ huynh cũng chung lựa chọn đồ chơi cho con giống anh Tiến. Phần lớn họ đều cho rằng đồ chơi chạy bằng pin thì có thể chơi được lâu, đa dạng kiểu chơi hơn là đồ chơi truyền thống.
Không nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn đồ chơi truyền thống cho con em
Với mỗi người, Trung thu lại mang một ý nghĩa, một biểu tượng riêng. Có người nhận thấy Trung thu đang thay đổi và khó thích nghi với nó, có người lại cảm thấy sự thay đổi đó là thú vị. Suy cho cùng, tất cả chúng ta vẫn háo hức mong ngóng đến ngày Trung thu, dù cho không còn là một đứa trẻ chờ bố mẹ mua quà nữa. Có lẽ đó mới chính là giá trị chân chính của Trung thu, của một ngày lễ khiến tâm hồn ta trẻ lại, nhớ tới quãng thời gian tuổi thơ hồn nhiên, êm ả.