Hơn 60 năm trôi qua, bà lão ấy cặm cụi làm việc kiếm tiền nuôi đàn chó, mèo hoang như là những “đứa con” mình đứt ruột đẻ ra. Dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thế nào thì tình yêu thương không bao giờ thay đổi cho đến lúc mất đi.
Bà lão đặc biệt mà chúng tôi muốn nói đến tên là Lê Thị Quý, 81 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Quý vào một ngày cuối tháng 3. Đang loay hoay tìm địa chỉ giữa những ngôi nhà cao tầng san sát, một người hàng xóm bảo “ở đây tìm địa chỉ không chính xác đâu, ngôi nhà nào có âm thanh chó, mèo nhiều là nhà bà Quý đấy!”
Sợ chúng tôi tìm không ra, người hàng xóm tận tình chỉ dẫn đến một ngôi nhà cấp 4 lọt thỏm giữa hai nhà cao tầng. Bên trong tiếng chó, mèo văng vẳng lên giữa trưa nắng.
Một bà lão với mái tóc bạc trắng, dáng người nhỏ nhắn ra mở cửa đủ hé hỏi chúng tôi là ai rồi mời vào nhà với lời dặn dò: “Nhà bà hôi nhiều vì nuôi chó, mèo nên mong các cháu đừng ngại!”
Sau cánh cửa nhà của bà Quý là rất nhiều chó mèo khiến ai đến lần đầu cũng sửng sốt, ngạc nhiên. Đồ đạc trong nhà bà cũng không có gì quý giá ngoài nhiều chai lọ, thùng giấy, thau nhựa được lót làm nơi cho chó, mèo ngủ.
Bà Quý hơn 60 năm tìm chó mèo hoang bị bệnh tật, bỏ rơi về nuôi dưỡng như con của mình
Bà Quý kể, bà quê gốc ở Hà Tây nay là Hà Nội, năm 17 tuổi thì lập gia đình rồi cùng chồng vào Sài Gòn sinh sống. Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, tình cảm hai vợ chồng rạn nứt nên chia tay. Chồng của bà giành quyền nuôi con rồi đưa con qua Mỹ sinh sống; bà bắt đầu sống một thân một mình từ đó đến nay đã hơn 60 năm.
Con mèo đầu tiên bà Quý nuôi đó là một ngày bà đi chùa, tình cờ thấy bị bỏ rơi trước cổng, thấy thương nên đem về nuôi. Thời gian thấm thoát đến nay đã hơn 60 năm, bà Quý đã đem hàng trăm con mèo, chó hoang về nuôi dưỡng mà không nhớ nổi.
“Con mèo cao tuổi nhất bà đang nuôi đã hơn 20 tuổi, ngoài ra chó cũng cũng có nhiều giống khác nhau. Tất cả đều bị bệnh tật, bỏ rơi khi còn rất nhỏ ở khắp nơi địa bàn TP. HCM. Trên đường đi làm, bà bắt gặp thì đem về nuôi”, bà Quý nói.
Công việc hiện tại của bà Quý là bán hàng ở chợ Đa Kao (quận 1) từ sáng đến chiều. Để có thức ăn cho đàn chó mèo đang nuôi, bà Quý đi xin đầu tôm, cá trong chợ rồi về chế biến; riêng gạo, cơm đã nấu còn dư thì người dân cho. Đôi lúc, tiền bán hàng chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng không xin được thức ăn là bà phải bỏ ra hơn 100.000 đồng mua.
Vì số lượng chó, mèo nuôi mỗi lúc một nhiều nên tránh để bị bắt trộm, đi lạc bà Quý dùng lưới sắt rào căn nhà của mình từ trên mái. Với bà Quý, bà không bao giờ lo lắng cho mình chỗ ngủ có không mà mỗi con chó, mèo như là con của mình phải được lo trước. Ngoài những chiếc lồng chăm sóc những chú mèo con bị bệnh thì những con chó, mèo khỏe mạnh được lót giấy báo, thau nhựa để ngủ.
Mỗi ngày, bà Quý dậy sớm để lau dọn nhà sạch sẽ, sau đó nấu cho những “đứa con” ăn rồi mới khóa cổng đi ra chợ bán hàng cách nhà khoảng 1 km. Đến chiều khoảng 1 giờ, bà Quý về bắt đầu tắm rửa cho từng đứa con trong nhà rồi nấu cho chúng ăn. Công việc mỗi ngày của bà Quý như thế đã hơn 60 năm nhưng chưa bao giờ bà than mệt hay hối hận. Với bà niềm hạnh phúc là được chăm sóc cho những đứa con của mình, được thấy chúng lớn lên mỗi ngày, quấn quýt bên mình không rời.
Những ngày đau ốm, bà chăm sóc cho chúng thế nào? – Chúng tôi hỏi. Bà Quý bảo: “Trời thương tình nên mấy chục năm qua bà ít khi bị ốm nên chăm sóc cho chúng được chu đáo. Dù vậy, hôm nào đau ốm vẫn đi mua đầu cá, tôm về nấu cho chúng ăn mới không kêu quấy rầy hàng xóm xung quanh được”
Nguyện vọng cuối đời của bà Quý là khi mất đi, có ai đó nhận chăm sóc cho 'đàn con' của mình để ra đi không phải bận tâm, lo lắng.
Những chú mèo bị bỏ rơi được bà Quý đem về nuôi dưỡng
Những chiếc thau được lót giấy cho những con chó, mèo ngủ
Con mèo đầu tiên bà Quý nuôi đó là một ngày bà đi chùa, tình cờ thấy bị bỏ rơi trước cổng, thấy thương nên đem về nuôi. Thời gian thấm thoát đến nay đã hơn 60 năm, bà Quý đã đem hàng trăm con mèo, chó hoang về nuôi dưỡng mà không nhớ nổi
Những con mèo sắp sinh hay bệnh tật nặng, bà Quý nhốt riêng để chăm sóc
Nguyện vọng cuối đời của bà Quý là khi mất đi, có ai đó nhận chăm sóc cho đàn con của mình mà không phải bận tâm, lo lắng gì cả