Từ nơi hoang phế, bà lão 85 tuổi đã vất vả nhặt nhạnh tu sửa, xây dựng và sau 30 năm, Phủ Chính Tiên Hương - Phủ Dầy trở thành nơi thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.
Cứ theo thường lệ, đêm mai, mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng (đến 25, rạng sáng 26/2), Phủ Dầy (xã Kim Thái - Vụ Bản - Nam Định) sẽ lại đón dòng người nườm nượp đổ về lễ hội chợ Viềng - nơi được xem là mua may, bán rủi.
Phủ Dầy có đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử trong truyền thuyết dân gian Việt Nam và nơi lễ hội chợ Viềng diễn ra là Phủ Chính Tiên Hương (Phủ chính trong quần thể di tích Phủ Dầ). Phủ Chính Tiên Hương không chỉ được biết đến là nơi thu hút đông đảo du khách đến cầu phúc, cầu may mà còn bởi câu chuyện về bà lão 85 tuổi gần 30 năm nhọc nhằn xây dựng.
Phủ Chính Tiên Hương khang trang, quy củ
Ngày nay, đến xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, Nam Định), hỏi thăm ít ai không biết đến cụ Trần Thị Duyên - Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương. Phủ Chính Tiên Hương bây giờ mang vẻ trang hoàng, quy củ. Nhưng mới cách đây gần ba chục năm từng chỉ là phế tích, hoang tàn.
Người dân ở đây kể rằng, cách đây mấy chục năm, có thời kỳ chuyện lễ chùa đền phủ không được coi trọng. Nhiều đền, đài, phủ trở thành hoang phế. Phủ Dầy gồm cả Phủ Chính Tiên Hương cũng nằm trong số đó.
Sau hơn 30 cóp nhặt, cụ Duyên đã tôn tạo Phủ Chính Tiên Hương từ hoang phế trở nên khang trang, bề thế
Theo tục lệ, Phủ Dầy thờ Mẫu nên phủ chính cũng như các phủ khác đều luôn phải cử người làm thủ nhang để chăm sóc. Làng xã đã cử nhiều người ra làm thủ nhang nhưng chẳng mấy ai nhận gánh vác trách nhiệm. Hồi đó, dân làng vốn nghèo và sống thưa thớt, Phủ Chính Tiên Hương gần như không có ai lai vãng.
Gặp chúng tôi, cụ Duyên nhớ lại cảnh tiêu điều xơ xác ngày đó. Cụ kể: "Đó là vào những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, xung quanh khu vực phủ chỉ là nơi buộc trâu bò. Vỏ ốc vỏ hến đổ bừa bãi. Trong các cung của phủ chỉ là nơi đập lúa, nhặt khoai, nhặt lạc, làm mành trúc. Cóc sống trong các gầm bàn thờ, chuột vào làm tổ...".
Cụ Trần Thị Duyên
Xót xa trước cảnh hoang tàn, cụ Duyên, khi đó đã gần 60 tuổi, nhận trách nhiệm đứng ra làm thủ nhang, chăm sóc Phủ. Cụ Duyên cùng 6 người con gom góp tải sản, công sức tu sửa cửa mẫu. Chính cụ và những người con đã phải vất vả đi vay mượn từng yến lúa, từng nghìn đồng của dân làng và khách thập phương về lo toan cho Phủ Chính Tiên Hương.
Cứ vậy, trải qua gần 30 năm, Phủ Chính Tiên Hương mới từng bước được trùng tu, tôn tạo từ một phế tích trở thành một nơi trang nghiêm, hấp dẫn du khách thập phương như ngày nay.
Cụ Duyên còn nhớ, Phủ trước đây rất chật hẹp, cụ lại gom góp tiền công đức mua đất của các hộ xung quanh, mở rộng khuôn viên. Cụ Duyên đã được nhiều cấp, ngành Trung ương cũng như địa phương tặng bằng khen, giấy khen ghi nhận công lao bảo tồn di sản.
Bà Trần Thị Huệ, con gái cụ Duyên, người cũng đã nhiều năm cùng mẹ vun đắp tu sửa Phủ Chính Tiên Hương, cho hay mẹ chị cống hiến cả cuộc đời cho Mẫu. "Mợ tôi đã dành cả trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả xương máu mới trùng tu được ngôi phủ khang trang, đẹp đẽ như ngày nay", chị Huệ nói.
Mới đây, UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy trong đó có quy định về việc chọn cử người thủ nhang với nhiệm kỳ 5 năm.
Quy chế này đã khiến cụ Duyên cùng gia đình con cái không khỏi phiền lòng. Bởi theo cụ Duyên, ngày Phủ Chính Tiên Hương còn hoang tàn, mọi chi phí trùng tu đều do gia đình, con cháu cụ cùng dân làng, con nhang đệ tử đóng góp.
Di sản được lưu giữ trong Phủ Chính Tiên Hương
Câu chuyện về quy chế của huyện Vụ Bản vừa qua cũng đã gây ra cuộc tranh cãi ồn ào trong dư luận báo chí. Với sự tín nhiệm của mình, dân làng ở Phủ Chính Tiên Hương cho rằng không nên thay đổi quy chế ở đây mà tiếp tục để cụ Trần Thị Duyên cứ tiếp tục làm thủ nhang.
Người dân ở Phủ Dầy cũng cho rằng, thủ nhang là chuyện tín ngưỡng cần duy trì người có tâm đức, không thể theo quy chế cứng nhắc.
Sau nhiều tranh cãi, lãnh đạo UBND huyện Vụ Bản trả lời báo chí đã cho hay, với trường hợp cụ Trần Thị Duyên, bởi cụ có nhiều công lao to lớn trong việc bảo tồn văn hóa tại Phủ Dầy, cơ quan quản lý sẽ xem xét để tiếp tục để cụ làm thủ nhang, phù hợp với nguyện vọng của dân làng.