Mặc dù đã bước sang tuổi xưa nay “hiếm” nhưng bà Nguyễn Thị Iêm (81 tuổi) hằng ngày vẫn kéo chiếc xe chở lá thuốc ra chợ bán. Công việc này đã gắn bó với bà hơn 40 năm.
Nhiều người dân và tiểu thương chợ Vĩnh Điện (thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn) gọi bà Iêm là “người phụ nữ giỏi nhất, khỏe nhất”. Hỏi ra mới biết, “hai cái nhất” được gọi nên bởi vì ở cái tuổi 81 của bà đáng ra đã phải an dưỡng tuổi già nhưng vì manh áo, miếng cơm mỗi ngày mà vẫn phải làm việc.
Chúng tôi đợi bà Iêm ở trên con đường gần chợ. Khi mặt trời vừa ló dạng, bà tóc hai màu nắng đội chiếc nón lá lụp xụp, đôi chân không mang dép lầm lũi kéo chiếc xe chở hàng khoảng chục cân lá thuốc. Vừa kéo, bà vừa nhìn xuống nền đường rồi lại ngước mặt lên quan sát qua đường tiến về góc chợ đã gắn bó với mình mấy chục năm qua.
Bà Nguyễn Thị Iêm hơn 40 năm kéo lá thuốc đến chợ Vĩnh Điện bán
“Bà Iêm đó, sáng nào cũng tầm 6 giờ là bà có mặt tại đây để bán lá thuốc. Ở cả cái chợ này không có ai khỏe mạnh và làm nghề bán lá thuốc như thời xưa giống bà nữa đâu”. – Chị Phạm Kim Huệ, một người bán quần áo trong chợ nói.
Bà Iêm cho biết, bà sinh ra là chị trong gia đình đông anh em, cuộc sống rất khó khăn. Năm bà được 18 tuổi đã cùng cha mẹ đi làm nghề khuôn vác hàng hóa để đổi gạo nuôi gia đình.
“Vì cuộc sống lúc đó quá cực khổ, cha mẹ lại hay đau ốm nên tôi phải lo lắng, quán xuyến tất cả. Đến khi các em lấy vợ gả chồng, tuổi tôi cũng quá rồi nên ở luôn vậy để lo cho cha mẹ mà không có chồng, có con cái.” – Bà Iêm tâm sự.
Mấy chục năm về trước, lá thuốc hút bằng giấy tự quấn màu đen sẫm, có mùi thơm nồng và cay rất thịnh hành. Khi làm khuân vác, gánh hàng thuê bà Iêm tình cờ thấy những người làm nghề này rất đắt khách lại thu nhập khá nên học theo.
Bà Iêm xếp lá thuốc hút bằng giấy lên sạp để chờ bán
Số tiền tích lũy bấy lâu, bà đem ra đặt mua một ít về bán thử kiếm tiền lời. Dần dà, theo thời gian, bà Iêm gắn bó với nghề bán thuốc lá đã hơn 40 năm từ khi đất nước giải phóng đến nay.
“Khi đó tôi đặt mua lá thuốc của các bạn hàng ở Ái Nghĩa (nay là thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) rồi về đem ra chợ Vĩnh Điện bán. Thấm thoắt đã hơn 40 năm rồi, những con người cùng lứa với tôi làm nghề bán lá thuốc đã không còn nữa. Giờ chỉ còn có duy nhất mình tôi gắn bó với cái nghề này. Tuy thu nhập chỉ được khoảng mười lăm hai chục ngàn một ngày, nhưng, như vậy cũng đủ rồi vì chỉ còn có thân già này thôi…” – Bà Iêm trải lòng.
Từ khi chợ Vĩnh Điện chỉ có vài hàng quán rồi xây nên như hiện tại, chính là khoảng thời gian bà Iêm bán lá thuốc. Khách hàng quen thuộc của bà Iêm chính là những con người của thế hệ U70 - thời thịnh hành lá thuốc quấn giấy.
Bà Trần Thị Bảy – 62 tuổi, bán cá chợ Vĩnh Điện cho biết: “Tôi bán cá ở đây được 10 năm, cái mùi thuốc lá đó say mê, thân thuộc với lứa tuổi già như tôi lắm, vắng bà Iêm một ngày là phải tìm tới nhà bà để mua. Mọi người ở đây đều quý bà Iêm lắm.”
“Giờ thuốc lá bỏ bao, có đầu lọc để hút, giá mấy chục đến mấy trăm ngàn cũng có chứ bán lá thuốc như bà Iêm cả cái chợ Vĩnh Điện này không có một ai. Vậy nên, cái nghề bà Iêm được cái "khỏe" là không cạnh tranh nhưng cũng kén người mua vì lẽ đó. Chỉ thương thân già sống một mình, không gia đình và con cái, lại mưu sinh ở cái tuổi gần đất xa trời ai cũng thương”. – Chị Sê một chủ cửa hàng tạp hóa trong chợ phân tích.
Hằng ngày, bà Iêm dậy từ lúc 3h, chất những tấm lá thuốc lên xe kéo đi chợ bán. Quãng đường từ nhà bà Iêm đến chợ Vĩnh Điện khoảng 7km nhưng bà phải mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Bà ngồi bán cho đến khi chợ tan rồi lầm lũi kéo chiếc xe về nhà.
“Những con người ở cái tuổi tôi giờ đã không còn nữa rồi, có lẽ vì tôi gắn bó với cái nghề bán lá thuốc, quen tay quen chân vận động đi lại nên còn khỏe. Thế nên, bao giờ còn sức là tôi còn tiếp tục với nghề này, bởi chính nó đã giúp tôi nuôi cha mẹ và chính bản thân từ thuở nhỏ đến giờ”. – Bà Iêm tâm sự.
Hơn 40 năm qua bà cần mẫn khom lưng kéo chiếc xe trên những con đường làng đất sét, giờ đã là nhựa đường phẳng phiu. Những dấu chân nơi bà bước qua, con người với khuôn mặt đôn hậu của bà, người dân nơi đây ai cũng biết, cũng nhớ. Nhớ về bà và nhớ về một thời thuốc lá cuốn!