Ba nhà giáo được Chủ tịch nước biểu dương: Nhen hoài bão cho học trò

Ngày 02/12/2014 08:34 AM (GMT+7)

Lo trẻ em tật nguyền thất học, lo trẻ vùng lũ không biết bơi, lo những đứa trẻ lang thang không biết chữ. 3 nhà giáo ở Thanh Hóa, Cần Thơ, Hà Nội đã không tiếc công sức mở các lớp học miễn phí.

Lớp học của các thầy cô đã nhen lên những hoài bão, ước mơ cho bao thế hệ học trò. Với những đóng góp của mình, 3 nhà giáo được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư biểu dương.

Học trò đặc biệt  của cô giáo Thông

Hơn mười năm qua, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông (68 tuổi), trú tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn cần mẫn gieo từng con chữ cho học sinh nghèo, tật nguyền.

Ba nhà giáo được Chủ tịch nước biểu dương: Nhen hoài bão cho học trò - 1

Dù đã gần 70 tuổi, cô giáo Nguyễn Thị Thông vẫn miệt mài dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo tại lớp học tình thương.  

Sau 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cô Thông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đến năm 2001, cô giáo Thông về hưu. Người ta về hưu thì để nghỉ ngơi, dưỡng sức… còn cô vẫn cứ đau đáu một điều: Làm thế nào để giúp được những đứa trẻ thất học ở vùng biển này biết được chữ viết, bởi gia cảnh của chúng quá khó khăn, cơ cực. Vậy là cô Thông quyết định mở lớp học tình thương tại nhà, rồi lặn lội đi vận động hàng chục trẻ em thất học đến lớp.

Trong suốt 4 tháng trời (từ tháng 10.2001 đến 2.2002), cô Thông tự đi đến các thôn, xóm trong xã tìm học sinh. Cô đặt vấn đề với chính quyền xã giúp phát hiện và giới thiệu đúng đối tượng học sinh mình cần. Đó là những em theo bố mẹ đi làm ăn xa, lúc trở về địa phương thì đã quá tuổi đến trường. Đó là những trẻ cá biệt, vừa đói nghèo, vừa chậm tiếp thu kiến thức. Có em bị bệnh thần kinh nhẹ học trước quên sau… Hiểu được tấm lòng thương yêu con trẻ của cô Thông, thôn Thành Lập đã cho cô mượn nhà văn hoá thôn mở lớp.

Lớp học của cô giáo Thông không chỉ dạy bọn trẻ mà cả những người lớn không biết chữ (từ 20-45 tuổi). Buổi khai giảng đầu tiên là ngày 10.2.2002. Các em nhỏ được học vào các buổi sáng trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7. Riêng chương trình dạy xóa mù cho người lớn tuổi thì cô bố trí học vào buổi trưa và tối. “Những học trò đặc biệt” này được chia thành từng nhóm từ 3 - 5 người để dễ kèm cặp, hướng dẫn và cô giáo trực tiếp cầm tay luyện viết.

Em Nguyễn Thị Thùy (11 tuổi), trú tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc bị liệt hai chân, cho biết: “Em đi học ở lớp cô Thông, nhiều hôm bố mẹ bận không kịp đón, cô chở em về nhà tắm giặt, rồi cùng ăn cơm với cô. Cô còn mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo cho em”.

Đến nay, lớp học tình thương của cô Thông đã dạy cho 97 em học xong cấp tiểu học để các em hòa nhập, tiếp tục học lên THCS và THPT; xóa mù chữ cho 59 người có độ tuổi từ 35 - 60. Hiện nay, ngoài giờ lên lớp dạy lớp học tình thương, cô Thông còn tham gia dạy lớp xóa mù chữ vào buổi tối và là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Lộc.

30 năm giăng lưới... dạy bơi miễn phí

Một nhà giáo được Chủ tịch nước gửi thư biểu dương khác là nhà giáo Lê Trung Sứng (57 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 1 (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đã một mình đóng cọc, giăng lưới dạy bơi dưới sông miễn phí cho hàng ngàn học sinh suốt 30 năm qua.

Ba nhà giáo được Chủ tịch nước biểu dương: Nhen hoài bão cho học trò - 2

Thầy Lê Trung Sứng nhận thư của Chủ tịch nước ngày 30/11.

Thầy Sứng kể, năm 1983, thầy về công tác tại Trường Tiểu học Long Hòa 3 (huyện Bình Thủy, tỉnh Hậu Giang, nay là quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Hồi đó, đây là vùng nông thôn rất nghèo khó. Hàng ngày, học sinh đi học trên những con đường ngập nước và chằng chịt cầu khỉ cheo leo. “Nhiều hôm, học sinh đến lớp quần áo đầy bùn đất, có em ướt đẫm áo quần, sách vở do rớt xuống sông. Đó là những em biết bơi, còn những em không biết bơi thì phải chịu cảnh đuối nước” – thầy Sứng nhớ lại.

Cô Trần Ngọc Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hòa cho biết: “Hiện trường có 16 lớp với 589 học sinh, số học sinh biết bơi trong toàn trường lên tới trên 50%. Tất cả học sinh biết bơi nói trên đều do thầy Sứng dạy hết”.

Ám ảnh trước những cái chết thương tâm của học trò do đuối nước, nhiều đêm thầy trằn trọc nghĩ cách giúp các em biết bơi... Một hôm ngồi trầm ngâm bên mé sông Rạch Cam trước sân trường suy nghĩ, thầy chợt nảy ra ý định “sao mình không cho các em học bơi ngay trên con sông này?”. Đề đạt lên Ban giám hiệu, thầy được ủng hộ nhưng với điều kiện phải lên kế hoạch bài bản và đặc biệt phải thuyết phục được phụ huynh đồng ý.

Thế nhưng, nhiều phụ huynh vừa nghe đã phản đối kịch liệt vì sợ không an toàn. Sau nhiều ngày đạp xe vận động, cuối cùng cũng có 4 phụ huynh ủng hộ cho con học bơi với thầy. Thế là sau giờ học, khoảng 17 giờ chiều hàng ngày, thầy lại cùng các học trò ra sông Rạch Cam tập bơi, và chỉ vài ngày sau các em này đều bơi được. Không những thế các em còn bơi giỏi và đại diện cho trường đi thi các giải phong trào và đạt nhiều thành tích cao. Thấy việc dạy bơi của thầy hiệu quả, một số phụ huynh, kể cả các trường khác tin tưởng cho con theo học bơi.

Khi nhiều học sinh tham gia học, để đảm bảo an toàn, thầy làm đường bơi bằng cách khoanh vùng bơi, rồi đóng cọc, rào lưới như một hồ bơi dã chiến. Thầy tích cóp tiền lương và vận động phụ huynh mua thêm can nhựa 10 lít làm phao cho học sinh mới tập bơi... Thầy cũng tranh thủ học thêm cao đẳng TDTT để có được kiến thức bài bản. Trong số hàng ngàn học trò mà thầy Sứng huấn luyện, đưa đi thi đấu có lẽ “Nữ hoàng đường đua xanh” Nguyễn Thị Ánh Viên là học trò thành công nhất. Ngoài Ánh Viên, nhiều học sinh của thầy cũng đạt thành tích cao ở các kỳ thi cấp quận, thành phố.

Đến năm 2011, thầy Sứng chuyển về Trường Tiểu học Long Hòa 1 và tiếp tục sự nghiệp dạy bơi cho học sinh.

“Sao em không đi học?”

Đó là câu hỏi mà nhà giáo Nguyễn Trà, 82 tuổi (ở tổ 23B, phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) thường hỏi những em bé lang thang ngoài đường trong giờ lẽ ra phải ở trường. Để rồi, ông “lôi” học trò về nhà mình dạy học.

Ba nhà giáo được Chủ tịch nước biểu dương: Nhen hoài bão cho học trò - 3

Ở tuổi 82, nhà giáo Nguyễn Trà luôn đau đáu với câu hỏi: “Sao em không đi học?”.

Nhà giáo Nguyễn Trà nguyên là giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 10 đời theo nghề dạy học. Lớp học đặc biệt của thầy Trà được tổ chức ngay trong chính ngôi nhà nhỏ của mình. Những năm trước học sinh đông, thầy mượn khuôn viên đình làng Trung Tự để dạy học.

Học sinh của thầy có đủ các lứa tuổi, nhiều em trong số đó là trẻ lang thang và trẻ mồ côi. Thầy Trà cho biết: “Có hôm đi đường gặp một em nhỏ bán bánh mì, tôi hỏi: “Sao em không đi học?”, em nói nhà em nghèo, em từ tỉnh khác lên Hà Nội theo bố mẹ, không có tiền học, tôi bảo nếu thích học em có thể đến nhà tôi bất kỳ lúc nào, không có sách thì thầy cho sách, không có bút thầy cho bút, đói thầy cho ăn… Sau đó, em ấy cũng đến và theo học rất hăng say”.

22 năm dạy học miễn phí, lớp học thầy Trà lúc đông nhất có khoảng hơn 20 học sinh, ít thì 10 học sinh. Ông giáo già có thể dạy tất cả các môn từ toán, văn, lịch sử đến các môn ngoại ngữ gồm: Tiếng Nga, Pháp, Anh, Đức và Hán nôm. Nhiều người nghèo không có việc làm, sau khi học lớp ngoại ngữ miễn phí của thầy đã đi xuất khẩu lao động và có kinh tế khấm khá.  

Với công ơn của mình với học sinh, thầy giáo Trà là một trong 3 nhà giáo được chủ tịch nước gửi thư biểu dương.

Theo Hồng Đức - Hồng Cẩm - Nguyễn Thiêm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan