Trái ngược với tâm trạng bất bình ở một số trường công, dân lập bị cấm tổ chức thi tuyển thì các trường quốc tế, trường song ngữ tại Hà Nội lại hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
Đặt hàng các trường tiểu học
Là một trong những người đầu tiên gây dựng trường Thực nghiệm (Hà Nội) với nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, sau đó chuyển sang thành lập trường quốc tế với chương trình giáo dục theo tiêu chuẩn châu Âu, một hiệu trưởng (đề nghị giấu tên) cũng rất trăn trở với nền giáo dục của nước ta hiện nay.
Trước quy định cấm tuyển sinh đầu cấp gây nhiều tranh cãi mấy ngày gần đây, vị hiệu trưởng này hiến kế: Nếu tôi là hiệu trưởng của các trường có đông học sinh đăng ký học, tôi sẽ chọn hình thức đặt hàng tại tất cả các trường trên tiểu học trên địa bàn thành phố.
Chính các trường là nơi nắm rõ nhất năng lực của học sinh. Nếu trường tiểu học giới thiệu chính xác, chỉ cần sau một năm số học sinh mà trường giới thiệu sẽ thể hiện rõ thực sự có năng lực hay không? Đấy cũng là cách để trường tiểu học tự nâng uy tín của mình lên.
Với các trường quốc tế việc mục tiêu là khơi gợi tính sáng tạo nơi trẻ
Vị hiệu trưởng này cho biết, trước đây chị từng phụ trách công tác tuyển sinh ở trường thực nghiệm. Mọi người thường quan niệm hội đồng tuyển sinh phải gồm ít nhất 4 người để tránh chuyện tiêu cực trong thi tuyển sinh đầu cấp. Mỗi người chấm điểm độc lập sau đó cộng vào chia trung bình ra điểm số của học sinh.
Riêng vị hiệu trưởng này lại làm ngược lại, bà chỉ giao cho một người làm công tác tuyển sinh. Gắn mỗi người với trách nhiệm cụ thể. Họ sẽ có trách nhiệm từ đầu đến cuối với chính học trò mà mình tuyển vào. Nếu tuyển không đúng, thì chính người phụ trách công tác này phải chịu trách nhiệm trước BGH nhà trường. Đây cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới áp dụng.
“Quay trở lại vấn đề này với một số trường như Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh hay Nguyễn Tất Thành, tôi nghĩ không có gì là khó. Vấn đề ở đây là các thầy cô có làm vì các em học sinh hay không?" - Chị bày tỏ quan điểm.
Cần có lộ trình
Tất nhiên theo nữ hiệu trưởng này, sẽ không thể áp dụng trôi chảy cái quy định cấm tuyển sinh ngay từ năm học này. Dứt khoát sẽ còn chệch choạc, chắc chắn ở đâu đó vẫn còn hiện tượng chạy chọt, nhờ vả nhưng chỉ sau một năm học sẽ thấy rất rõ thực lực của từng học sinh. Vì thế, nếu trường tiểu học muốn đẩy mạnh chất lượng dạy và học, trường THCS muốn giữ uy tín ắt sẽ phải lựa chọn nghiêm túc” – vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Thế Đại, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Hiệu trưởng trường THCS Hanoi Academy
Chung quan điểm này, thầy Nguyễn Thế Đại, nguyên hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Hiệu trưởng trường THCS Hanoi Academy nhấn mạnh: Chủ trương cấm tuyển sinh đầu cấp là đúng đắn nhưng cần phải có lộ trình hợp lý và thời gian thì sẽ tránh được các bức xúc xã hội và khó khăn của các trường “nổi tiếng”.
Cá nhân thầy Đại rất ủng hộ chủ trương này. Lý do mà thầy Đại đưa ra là chúng ta cần phải giảm áp lực học thêm và kỳ vọng không đáng có cho học sinh mới ở độ tuổi hết lớp 5. Nói chính xác rất nhiều gia đình cho con tham gia luyện thi vào các trường nổi tiếng từ lớp 3, lớp 4.
Việc làm này vô tình tạo áp lực cho cả phụ huynh và trẻ, khiến trẻ đánh mất tuổi thơ. Giảm được tình trạng học thêm thì sẽ trả lại sự phát triển tự nhiên, phù hợp tâm lý và năng lực phẩm chất của các con. Ngoài ra, đây cũng là hành động đồng bộ với chủ trương xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở cấp Tiểu học và THCS, dần từng bước thực hiện bình đẳng trong giáo dục.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, cộng với sự hiểu biết của mình khi làm việc với các giáo viên nước ngoài đang dạy tại trường, thầy Đại cho rằng, với các nước có nền giáo dục tiên tiến, ở cấp Tiểu học và cấp THCS không có hiện tượng mất cân đối trong tuyển sinh đầu cấp giữa các trường. Lý do là bởi, ở những nước này họ đầu tư đồng đều về chất lượng giáo dục đào tạo, về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…
Với các bậc phụ huynh, ưu tiên số 1 chọn trường cho con là gần nhà, thuận tiện đón đưa. Mặc dù, ở những nước có nền giáo dục tiên tiến này vẫn có những trường chất lượng cao (thường là trường dân lập với mức lệ phí cao) nhằm đáp ứng những gia đình có nhu cầu.
Thầy Đại cũng cho rằng, ngay ở những nước này thì việc khảo sát học sinh sau khi nhận vào trường để xếp lớp phù hợp với năng lực thì hầu hết các trường đều làm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức dạy và học có hiệu quả. Trường Hanoi Academy cũng áp dụng phương thức này.
“Việc này ở Hà Nội và các thành phố lớn, do tổ chức chưa nghiêm túc để một số cá nhân trục lợi tạo nên dư luận không tốt, gây bất bình đẳng cho học sinh, cơ quan quản lý không kiểm soát được nên đành ra lệnh… cấm” – thầy Đại nói.
Ông cũng chia sẻ với những khó khăn mà những trường có tiếng đang phải đối diện, và nín thở chờ xem các quyết định tiếp theo của cơ quan chức năng. Bởi theo thầy Đại thì với sự đầu tư không đồng bộ, với chất lượng giảng dạy hiện chưa đồng đều thì việc nhu cầu của nhiều gia đình cho con vào trường tốt là chính đáng. Trong khi với các quyết định của Bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội thì quả thực với cá nhân ông cũng… bó tay.
Trước thực trạng này, thầy Đại cũng đưa ra lời khuyên cho cha mẹ học sinh cần suy nghĩ nghiêm túc về vai trò quan trọng mang tính quyết định sự thành công và hạnh phúc cho trẻ chính là “Giáo dục gia đình”.
Bố mẹ chính là người quan tâm đánh giá đúng về năng lực, năng khiếu, sở thích.. của con và xây dựng mục tiêu, kỳ vọng phù hợp với trẻ. Nên bình tĩnh tự tin tránh a dua theo tâm lý đám đông để làm gia đình mất đi niềm vui hạnh phúc trong việc nuôi dạy con trẻ vì những áp lực căng thẳng không cần thiết.