“Rất nhiều học sinh có thể đỗ nếu thi dạng đề cũ, nhưng lại trượt khi thi theo phương thức mới”
Đó là chia sẻ của ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt trước sự thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 6 theo quy định của Bộ GDĐT.
- Tại cuộc họp mới đây giữa Sở GDĐT Hà Nội với các trường THCS có phương án tuyển sinh riêng, các ý kiến đều thống nhất tuyển sinh lớp 6 sẽ xét tuyển hồ sơ và dựa vào bài kiểm tra năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ. Quan điểm của bà về những bài thi dạng này ra sao?
Với những bài thi dạng này, có ưu điểm là học sinh tiểu học sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm tuổi thơ hơn là “cày mặt” đi ôn luyện từ năm lớp 3.
Ảnh: Văn Chung/VietNamNet
Thứ hai, không thi các môn văn hóa thì con trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận phạm vi kiến thức rộng hơn, đa lĩnh vực hơn, không cần quá chăm chăm “học gạo” môn Toán và Tiếng Việt nữa.
Ngoài ra các em sẽ không bị áp lực thi cử. Thử nghĩ xem, con trẻ lớp 3 đã đưa vào “lò luyện chuyên” thì còn gì là tuổi thơ nữa. Suốt ngày chỉ học và nuôi như những chú gà công nghiệp, trẻ sẽ mất dần những kỹ năng sống căn bản, hạn chế khả năng sinh tồn và khó thích nghi trong cuộc sống đầy biến động này.
- Vậy có điều gì khiến bà băn khoăn về phương thức sử dụng các bài thi trắc nghiệm đo chỉ số IQ, EQ,… để tuyển sinh?
Đầu tiên phải nói là quá gấp gáp khi khoảng thời gian từ khi công bố dạng đề IQ, EQ đến khi thi quá ngắn. Giải pháp tình thế thường khó nhìn xa được là thế.
- Học sinh bị động khi không có thời gian, cơ hội để làm quen dạng đề, bộ đề trước khi thi. Ở các cấp học trên, Bộ GD&ĐT thường có đề mẫu, dạng đề công khai cho học sinh ôn luyện – nếu không nói là hoàn toàn bị động. Thiết nghĩ, đối với các trường này, thời gian chuyển đổi đề ngắn như vậy, liệu họ có công bố dạng đề cho học sinh không?
Ngoài ra, phương thức tuyển sinh mới này cũng sẽ tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh không cần thiết. Ngay khi biết thông tin đổi hình thức thi này, rất nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng, thậm chí chán nản. Bởi trước đó, họ đã đầu tư, dốc sức nhiều năm chuẩn bị cho con ôn luyện theo dạng đề cũ. Cũng từ sự thay đổi này, có thể rất nhiều học sinh có thể đỗ nếu thi dạng đề cũ, nhưng lại trượt khi thi phương thức mới.
- Thực tế, hiện học sinh và phụ huynh vẫn chưa được làm quen nhiều với khái niệm IQ, EQ, vì vậy theo bà để áp dụng vào bài test, cần có những vận dụng linh hoạt như thế nào để các em học sinh khỏi bỡ ngỡ?
Theo tôi, cần phải công khai dạng đề mẫu cho học sinh làm quen trước. Từ đó, các phụ huynh sẽ căn cứ đề mẫu đó để tìm các bài tương tự cho con em làm. Đây cũng là cách cho học trò chủ động hơn, tự tin hơn khi bước vào phòng thi, tránh tâm lý căng thẳng không đáng có.
Tôi nghĩ nên lùi thời gian thi ít nhất 1 tháng so với thời gian cũ mọi năm, điều này để học sinh có thêm thời gian làm quen với dạng đề mới. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để “ứng phó” với giải pháp cũng mang tính “tình thế” của các trường.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng nên trao đổi với con về việc thay đổi đề thi, giải thích cho con những khác biệt giữa 2 dạng đề ở mức độ đơn giản nhất để con hiểu. Đồng thời, bố mẹ cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào con và hãy để cho con bước vào trường thi một cách thoải mái nhất, thư thái nhất. Như vậy, chúng ta sẽ giảm một phần những áp lực thi cử cho các con.
Xin trân trọng cảm ơn bà!