Cô bé mồ côi mò cua bắt ốc vào đại học

Ngày 14/10/2024 06:00 AM (GMT+7)

Cha mẹ mất vì sự cố giao thông, chị em Hà suýt bị đưa vào trại trẻ mồ côi, may nhờ bà ngoại giữ lại vì "kể cả ăn xin, ba chị em nó phải ở với nhau".

Thời điểm đó, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh năm 2006 ở thôn Đằng Lộc 1, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy đang học lớp 4. Không nơi nương tựa, ba chị em Hà về sống cùng bà ngoại Ngô Thị Hằng.

Dù giữ các cháu ở nhà nhưng bà Hằng "chẳng biết làm gì kiếm tiền nuôi lũ trẻ khi chân đã chậm, tay đã run". Đêm nào người phụ nữ 78 tuổi cũng nằm khóc vì thương lũ cháu còn nhỏ nhưng "mất mát nhiều hơn cả đời người".

Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện là sinh viên năm thứ nhất Khoa ngôn ngữ Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện là sinh viên năm thứ nhất Khoa ngôn ngữ Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có lúc bà Hằng túng quá, tính cho Hà nghỉ học để hai bà cháu dắt nhau đi ăn xin, kiếm tiền nuôi hai đứa em nhỏ. May sau đó chính quyền kịp chế độ mồ côi cho ba chị em, mấy bà cháu có hơn một triệu đồng mỗi tháng.

Nhà bốn miệng ăn, gom góp co kéo mãi không đủ, họ hàng hai bên đều nghèo nên cũng không nhờ vả được ai. Bà Hằng cùng đứa cháu lớn trồng rau bán để có tiền mua sách vở cũng như cải thiện bữa ăn.

Cứ cuối tuần, cô bé 10 tuổi đi bộ đến khu chợ cách nhà 2 km bán rau, ngày được nhiều nhất 30.000 đồng. Có tiền, Hà mua thịt vụn giá rẻ cuối buổi chợ mang về kho mặn ăn dần.

Ngoài bán rau, cô bé còn giúp bà đi mót lúa và dạy các em học. Lên lớp 8, thấy nhà hàng xóm bắt ốc có tiền, Hà rủ các em đi cùng. Kể từ đó người làng Đằng Lộc 1 thường thấy ba đứa trẻ mồ côi mò mẫm quanh những gốc ruộng vừa cấy hái. Bắt được nhiều, chúng đem ra chợ bán lấy tiền đưa bà. Bắt được ít, chúng mang về nhà đổi bữa.

Có những buổi chiều, bốn bà cháu tíu tít ngồi khêu ốc rồi kể chuyện ngày xưa khi ba mẹ còn sống, bữa ăn gia đình thường được cải thiện bằng món mực hay cá đánh bắt ngoài biển.

"Hai đứa em cứ tiếc hồi đó chúng quá nhỏ, không thể nhớ mùi vị của những món ngon. Đến giờ lại không có cơ hội mua", Hà nói.

Từ nhà tới trường hơn 2 km, không có xe nên những năm cấp một, chị em Hà thường được bà dắt bộ. "Đã nghèo phải cố gắng học, sau mới hy vọng đổi đời", người bà dặn dò mỗi khi chia tay các cháu ngoài cổng trường.

Ba đứa trẻ buổi tranh thủ tới lớp, buổi đi bán rau, bắt ốc, tối lại thay nhau chong đèn học. Cả ba chị em đều học khá, giấy khen treo đầy trên bức tường vôi mốc ẩm.

Riêng chị cả Ngọc Hà học giỏi hơn cả. Năm lớp 6,7, cô bé đều đạt giải học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, lên lớp 8 đạt giải Nhì môn Lịch sử. Lên cấp 3, Hà đỗ vào lớp chọn của trường THPT Trần Hưng Đạo và cũng có tên trong danh sách thi học sinh giỏi.

Nhưng có thời điểm, cô bé này từng có ý định nghỉ học vì nhà nghèo.

Trận lụt lịch sử cuối năm 2020 tại miền Trung khiến toàn bộ vườn rau và hơn chục bao thóc - tài sản lớn nhất của gia đình - cùng quần áo sách vở của ba chị em trôi theo dòng nước.

Khi lũ rút, nhìn lên mái ngói thủng lỗ chỗ, bên dưới bùn đất ngập ngang đầu gối suy nghĩ "có khi phải nghỉ học" lại ập đến tâm trí Hà. Cô bé sợ đến gạo ăn chẳng còn, tiền đâu tiếp tục đi học. Nhưng sự trợ giúp của chính quyền và các nhà hảo tâm, ba chị em tiếp tục được tới trường.

Hơn nửa năm sau, Covid-19 bùng phát mạnh, trường học đóng cửa, ba chị em phải học online. Không có điện thoại, Hà nghĩ lần này chắc phải nghỉ học thật nhưng sau được trường hỗ trợ cho học sinh nghèo. Vì nhà không có wifi, Hà kê bàn ra cổng ngồi học, bắt wifi nhờ hàng xóm. Dù muỗi đốt hay nắng chói mặt, nhưng hiếm khi cô bé nghỉ học.

Hết lớp 9, có người khuyên xin làm công nhân để có thu nhập đỡ đần bà nhưng Hà vẫn quyết tâm học. Trong giấc mơ, cô bé luôn thấy mình được ngồi trên giảng đường, khoác chiếc áo cử nhân vào ngày tốt nghiệp. Lên cấp ba vì không có tiền học thêm, Hà tự học ở nhà, bài không hiểu nhờ bạn bè giảng hộ. Sau thầy cô trong trường biết hoàn cảnh, đều dạy miễn phí. Mỗi khi có học bổng hoặc sự hỗ trợ nào, nhà trường cũng ưu tiên cho Hà.

Không chỉ đảm bảo điểm số tốt, nữ sinh này luôn tích cực tham gia các hoạt động tại trường. Những năm cấp ba, Hà là bí thư Đoàn của lớp và được chọn học cảm tình Đảng.

"Ở Hà luôn có sự thôi thúc vươn lên mạnh mẽ nhưng lại tiềm ẩn dưới vẻ dễ thương, hòa ái của một cô bé tuổi 18", cô Dương Thị Phương, chủ nhiệm lớp 12A6 trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi Hà theo học, nói.

Các thầy cô trường THPT Trần Hưng Đạo, Lệ Thủy, Quảng Bình thăm và tặng quà gia đình bà cháu Hà dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các thầy cô trường THPT Trần Hưng Đạo, Lệ Thủy, Quảng Bình thăm và tặng quà gia đình bà cháu Hà dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những ngày học tập nước rút cuối lớp 12, mỗi ngày của Hà thường kết thúc lúc 1-2h sáng. Thương đứa cháu còi cọc, ít được bồi bổ, bà Hằng lại gom tiền mua cho hộp sữa: "Cố gắng vào đại học, mọi thứ còn lại để bà lo", người bà nói với cháu.

Động viên là vậy, nhưng bà Hằng cũng không biết lo thế nào. Ngày biết tin cháu đỗ Đại học Ngoại ngữ Huế, bà vừa mừng vừa tủi. Người phụ nữ này lo không biết lấy đâu 8 triệu đồng đóng học phí cho cháu. Sau đêm thức trắng, bà chạy sang vay họ hàng, dù chưa biết lúc nào mới trả nổi.

Hiểu được hoàn cảnh, trường Đại học Ngoại ngữ Huế miễn học phí cho Hà.

Từng mơ ước làm công an nhưng sợ khó phụ bà chăm sóc các em nên Hà quyết định chọn khoa ngôn ngữ Hàn Quốc, phần vì chi phí học tập cũng như sinh hoạt thấp, phần vì sau tốt nghiệp dễ xin việc.

Những ngày đầu nhập học, có hôm hết sạch tiền, buổi trưa Hà thường thơ thẩn ở trường cho qua bữa. Cô đang cố tìm công việc làm thêm, một phần lo chi phí sinh hoạt ở thành phố, phần khác mong đỡ đần bà nuôi các em.

Hiểu phía trước sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cô gái 18 tuổi vẫn quyết tâm dù thế nào cũng không lỡ dở việc học. "Bởi nếu đứt gánh học tập đồng nghĩa với đứt gánh tương lai", Hà nói.

Nữ sinh bỏ học kế toán, thành thủ khoa ngành Cải lương
Vì đam mê, Minh Huyền bỏ hai năm ở Học viện Ngân hàng để thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, trở thành thủ khoa đầu ra.

Giáo dục

Theo Hải Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục