Thân Thế Công - sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) là 1 trong 3 học sinh, sinh viên lọt vào danh sách 19 đề cử xuất sắc ở vòng bình chọn trực tuyến, giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024.
Thành tích học tập "siêu khủng" của nam sinh Bắc Giang
Thân Thế Công sinh năm 2006 (Bắc Giang), 1 trong 3 học sinh, sinh viên tiêu biểu gây ấn tượng bởi thành tích cao về bộ môn Vật lý. Thế Công đang là sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội). Nam sinh này từng giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế và châu Á năm 2024, huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á năm 2023, huy chương vàng kỳ thi học sinh giỏi Vật lý các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ năm 2023. Thế Công được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước năm 2024.
Với những thành tích cao ở các kỳ thi trong và ngoài nước, Thế Công được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thân Thế Công là một trong những nam sinh có thành tích học tập ấn tượng lot vào top 19 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Thế Công bày tỏ khá bất ngờ khi biết là 1 trong 3 học sinh, sinh viên trong số 19 gương xuất sắc lọt vòng bình chọn trực tuyến, giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Đặc biệt, nam sinh hóm hỉnh bày tỏ mẹ chính là người thông báo thông tin này trong khi bản thân em chưa hề hay biết.
Thân Thế Công tại cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế và châu Á năm 2024
Chia sẻ về bí quyết học tập và thi cử, Thế Công cho biết em chăm chỉ làm bài tập, giải đề, đọc sách, xem các video kiến thức trên mạng. Niềm đam mê bộ môn Vật lý đến với Thế Công bắt đầu từ năm lớp 8, đây cũng là khoảng thời gian mà anh chàng đạt thành tích đầu tiên với giải nhì thành phố môn Vật Lý.
“Mỗi ngày em thường giải 1-2 đề chứ không làm quá nhiều. Sau thời gian học ở trường, thời gian còn lại em tập trung ôn luyện, có thể em sẽ lên trường để làm thí nghiệm hoặc tự ở nhà học. Khi đó em tự giải đề, trao đổi bài với các bạn nếu gặp vấn đề khó. Em không thức quá khuya, chỉ học đến 12h tối là muộn nhất.
Ban đầu em theo học môn Toán nhưng không được gọi vào đội tuyển nên sau đó đổi sang Vật lý. Ngã rẽ này đã giúp em tìm ra điểm mạnh của bản thân, lúc đầu em cũng không quá giỏi nhưng khi tìm hiểu sâu em thấy thích thú với môn học này, em cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô", Thế Công chia sẻ.
Chàng sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội có niềm đam mê với bộ môn Vật lý từ những năm học cấp 2
Ngoài ra, niềm yêu thích và quyết tâm đạt giải cao môn Vật lý của Thế Công còn lấy nguồn cảm hứng từ các anh chị khóa trên cùng trường. Đồng thời trong suốt quá trình học Vật lý cũng như kế hoạch lựa chọn nghề nghiệp tương lai, Thế Công được bố mẹ động viên và ủng hộ.
Trước đó, ở thời điểm là chủ nhân chiếc huy chương vàng duy nhất của đội tuyển Việt Nam tại Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2024, Thế Công chia sẻ lý do theo đuổi môn Vật lý rất đơn giản là vì bài nào cũng giải được. Tuy nhiên, Thế Công từng trượt ngay ở vòng tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi Vật lý cấp trường, sau đó mới dần đạt được những thành tích ấn tượng.
Thân Thế Công có dự định đi du học nước ngoài để bổ túc thêm cho ngành học về Điện tử viễn thông.
Theo đuổi ngành hoc HOT tại Đại học Bách khoa, mong muốn đi du học Mỹ
Thế Công cho biết bản thân dù học chuyên về Vật lý, nhưng muốn theo một ngành nghề có thể áp dụng được vào đời sống, có một chút nghiên cứu kỹ thuật, nên em đã quyết định lựa chọn ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông tại Đại học Bách khoa Hà Nội,
Trong tương lai, Thế Công có dự định đi du học và hiện đang nộp hồ sơ xin học bổng du học tại Mỹ theo ngành nghề đang học tại trường đại học trong nước.
Ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông là một trong những ngành mũi nhọn, có nhu cầu nhân lực cao tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành này được đánh giá tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu nhân lực hơn 1.000 kỹ sư mỗi năm.
Điểm chuẩn năm 2024 ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông ở các trường đại học trong nước có thể kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội: 27,03 điểm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM: 25,90 điểm; Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, nhóm ngành Điện - Điện tử - Viễn thông - Tự động hóa - Thiết kế vi theo phương thức xét tuyển Tổng hợp ở mức khá cao với 80,03 điểm; Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông: 26,42 điểm…
Ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông có cơ hội việc làm cao sau khi ra trường
Thời gian học với ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại các trường Đại học thường từ 4 - 5,5 năm với hệ kỹ sư. Mức học phí từ 20 - 50 triệu đồng mỗi năm tùy trường đại học.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông sẽ làm việc trong các vị trí như: Thiết kế sản xuất vi mạch bán dẫn, bảng mạch điện tử, Phát triển phần mềm, Thiết kế vận hành tối ưu mạng máy tính và mạng truyền thông, Phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo/học máy…
Theo một số thông tin, mức lương với kỹ sư Điện tử Viễn thông mới ra trường rơi vào khoảng từ 12 - 20 triệu đồng/tháng, với vị trí có kinh nghiệm lâu năm khoảng từ 30 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước, cử nhân có thể ứng tuyển học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại các quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…