Giảm áp lực đâu chưa thấy, hầu hết giáo viên tiểu học đều “kêu trời” với việc phải nhận xét, đánh giá tỉ mỉ từng học sinh khi sơ kết học kỳ I vừa qua.
Thức đến 2h sáng là chuyện bình thường
Cô L.T.T.V, giáo viên dạy mỹ thuật cho biết: “Tôi thật sự thấy mệt mỏi. Nhận xét vở tập vẽ cho học sinh là đủ rồi, giờ nhận xét tháng cho 22 lớp với gần 600 học sinh, nhận xét cuối học kì 1 và nhận xét ở học bạ. Chép mãi không xong, không còn thời gian soạn bài và chuẩn bị tranh, lấy đâu thời gian cho gia đình”.
Cùng quan điểm này, cô P.T.H, giáo viên lớp 4 nhận xét: “Thưc hiện Thông tư 30 cũng có cái hay là bỏ đánh giá xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu là giảm bớt áp lực cho giáo viên nhưng lại quá vất vả về sổ sách. Ghi nhận xét 50 học sinh hàng tháng viết bại cả tay, rồi lại lặp lại nội dung nhận xét này ở sổ liên lạc, học bạ HKI, cuối năm…”
Nhiều giáo viên phải thức đến 2-3h sáng để nhận xét
Một giáo viên khác bức xúc: “Lãnh đạo Bộ GDĐT bảo rằng đánh giá học sinh là việc của giáo viên. Đã giảng dạy thì phải đánh giá, đánh giá học sinh ngay trên lớp. Thế còn ghi vào học bạ, sổ liên lạc thì làm vào lúc nào nhỉ, chả lẽ là giáo viên tiểu học thì không được nghỉ? Mình đã nhiều hôm thức đến 2h sáng. Không dám vừa dạy học vừa ghi vì sợ không tập trung sẽ bị ghi sai”
Trên các diễn đàn của giáo viên tiểu học, các thầy cô không ngại chia sẻ cho nhau những lời nhận xét mẫu cho các bộ môn như Tập viết, toán, tập đọc, kỹ năng, phẩm chất… Điều này đã dẫn đến việc cho “ra lò” một loạt các quyển sổ nhận xét có nội dung giống hệt hoặc tương đương nhau. Có giáo viên kỳ cạch ngồi viết tay, có giáo viên in sẵn ra giấy rồi cứ thế cắt dán vào sổ liên lạc của học sinh.
Hoặc cắt, dán các lời nhận xét giống nhau cho học sinh
Lúng túng khen thưởng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 5 cho biết: “Bộ có hướng dẫn về đánh giá, khen thưởng, tuy nói là dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng nhưng rất khó áp dụng. Đơn cử như theo văn bản thì hiệu trưởng là người quyết định nội dung khen thưởng, nhưng yêu cầu thực hiện lại dựa trên danh sách đề nghị của giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm muốn có danh sách này phải tham khảo kết quả bình bầu của học sinh, tổng hợp thêm ý kiến giáo viên bộ môn và phụ huynh trong lớp. Quá trình thực hiện khá phức tạp và rắc rối, đó là còn chưa kể nếu không thống nhất được quan điểm thì sẽ đánh giá như thế nào?”.
Thêm vào đó, các tiêu chí để xác định học sinh nào được khen thưởng chỉ dựa trên những khái niệm hết sức mơ hồ đối với mức độ nhận thức của một học sinh tiểu học như “tiến bộ vượt bậc”, “có sáng tạo, say mê trong học tập”, “có ý thức và trách nhiệm cao” mà không dựa trên những cơ sở điểm số, phân tích rõ ràng sẽ khiến các em không hài lòng, dễ nảy sinh lòng đố kỵ. Ngoài ra, việc tổ chức đánh giá theo hình thức này còn khiến các trường có khoản chênh về các quy định khen thưởng.
Vì thế, nhiều trường tiểu học đến thời điểm này, khi đã bước sang học kỳ II nhưng vẫn chưa thể tổng kết khen thưởng học kỳ I bởi chưa biết phải làm thế nào cho đúng.