Trong giáo dục, chỉ có hình phạt bằng đòn roi mới có thể "trị" được các em quá hư, không vâng lời hay vẫn còn cách khác để các em đi vào khuôn mẫu?
Thêm một vụ việc đau lòng trong ngành giáo dục là cháu Lê Thị Phước Hải, học sinh lớp 6/7, trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TP.HCM tử vong sau khi bị cô giáo đánh. Theo lời kể, trong giờ học môn Công nghệ, do Hải có lỗi nên cô giáo Thảo Vy bắt nằm lên bàn rồi dùng thước đánh.
Lúc này, các học sinh can vì Hải có chứng bệnh động kinh nhưng cô giáo không chấp nhận. Khi bị đánh, Hải có dấu hiệu khó thở, ngã từ trên bàn xuống sàn. Lúc này, cháu Hải được đưa xuống trạm y tế của trường. Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo này yêu cầu học sinh không được nói việc cháu Hải bị đánh. Tuy nhiên, sau đó, có một học sinh kể lại với gia đình là Hải đã bị cô giáo đánh.
Cái chết đau lòng của bé Phước Hải.
Câu chuyện đau lòng trên lại dấy lên vấn đề có nên áp dụng đòn roi đối với học sinh bởi giáo viên thì hoang mang không biết phải "dạy" học sinh thế nào và cha mẹ nơm nớp lo sợ khi gửi con ở trường. Sau đây là ý kiến của những "người trong cuộc":
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ - Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Baby, TP.HCM:
Từ ngày thành lập trường, tôi đã có một bản cam kết chung với tất cả giáo viên và nhân viên trong trường là không đánh phạt trẻ. Đồng thời, bản cam kết này gửi một bản về phòng giáo dục.
Thông thường ở lớp mầm non có 2, 3 cô nên nếu học sinh hư thì cô đang nóng sẽ tránh đi để cô kia xử trí. Nếu bé không nghe lời cô thì sẽ đưa bé xuống gặp ban giám hiệu và báo cáo để được phối hợp. Còn học sinh lớn hơn thì phối hợp cùng ban giám hiệu và cả phụ huynh
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ.
Trường cũng sẽ tổ chức các buổi dã ngoại cho các con chơi chung có phụ huynh để phụ huynh cùng quan tâm giáo dục bé với cô và hiểu hơn về tính tập thể. Bé nào càng hư thì càng phải tiếp cận làm thân để hiểu tâm lý trẻ và phân tích nói chuyện với bé nhiều hơn. Phần thưởng cho bé là những buổi tiệc chung hay những buổi đi chơi cùng các lớp.
Tuy nhiên, là một phụ huynh có con học lớp 1, tôi cũng phải thừa nhận nhiều học sinh bây giờ quậy quá. Các em la hét mà không hề sợ ai. Có em tức giận quăng sổ sách giáo viên, xé vở bạn... Khi đó, cô giáo sẽ đánh bằng thước mỏng một cái vào tay trái và giải thích tại sao bị đánh. Một cái đánh nhẹ đỡ hại tâm lý hơn là bắt các em đứng phạt góc trong sự dè bỉu của các bạn.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội:
Một học sinh lớp 6 bị cô giáo dùng thước đánh dẫn đến tử vong là sự việc vô cùng đáng tiếc. Tôi chắc chắn rằng cô giáo cũng không muốn sự việc xảy ra như vậy. Nhưng dù gì, việc đánh trẻ là tuyệt đối không được phép làm dù với cương vị là cha mẹ hay là cô giáo.
Trong lúc dạy học, các giáo viên có nhiều ức chế tâm lý. Học sinh THCS là lứa tuổi teen, thường có những nổi loạn, phá phách. Bướng bỉnh, khó dạy, có tư tưởng chống đối là biểu hiện thường có nhất ở lứa tuổi này. Nếu các cô giáo ít kinh nghiệm, vượt qua đám học trò này để đứng lớp vững vàng không phải là chuyện đơn giản. Sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ là biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng bất lực của thầy cô giáo hay cha mẹ.
TS Vũ Thu Hương
Với các sinh viên ngành Sư phạm, gần như không cần phải nói bằng lời, tất cả các em đều được hiểu tinh thần rằng: không bao giờ được xâm phạm vào cơ thể của trẻ. Các cô đã được học và đã biết mọi đặc trưng tâm lý lứa tuổi, các phương pháp thuyết phục và tạo cảm hứng cho trẻ. Các phương pháp dạy học cũng được các giảng viên cung cấp đầy đủ cho các giáo viên trước khi ra trường. Để hiểu hơn về trẻ, các cô cần tiếp xúc gần gũi và trao đổi thẳng thắn.
Theo tôi, nếu phát hiện ra con bị bạo hành, gia đình cần bình tĩnh, đến gặp cô giáo để xử lý chứ không nên làm ầm ĩ lên. Cô giáo và gia đình cần phối hợp giải quyết trước. Nếu không giải quyết ổn thỏa, chúng ta sẽ cậy nhờ đến ban giám hiệu. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bình tĩnh giải quyết sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Làm ầm ĩ lên chỉ đem lại sự đau lòng và rối loạn cho chính học sinh, cô giáo và gia đình.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, giáo viên Trường Quốc tế Việt-Úc tại TP.HCM:
Thử đặt mình vào vị trí cô giáo Thảo Vy để cảm nhận được áp lực đang đè lên cô giáo thế nào. Là một cô giáo trẻ, mới ra trường được 2 năm, chắc hẳn tuổi cô giáo chỉ khoảng 24, 25 tuổi. Độ tuổi mang trong mình một nhiệt tình, một hoài bão làm gì đó cho học trò của mình, một ước muốn những đứa học trò của mình phải học giỏi, phải ngoan ngoãn. Nhưng thật không may, cô Thảo Vy lại dạy môn Công Nghệ, một môn học mà hầu như giáo viên ai cũng biết các em học sinh học như thế nào.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh.
Chắc hẳn khi quyết định chọn giải pháp đánh đòn học sinh, cô giáo trẻ đã không còn cách nào khác để buộc các em phải học bài môn của mình, và việc em học sinh tử vong vì shock do quá sợ không hề có trong trí tưởng tượng của cô. Giờ đây, lương tâm cô giáo trẻ hẳn đang day dứt từng phút giây, cô đang phải tự vấn về tính đúng sai của việc làm ngày hôm đó.
Có lúc nào cô nghĩ rằng nếu quay ngược lại thời gian, cô sẽ mặc kệ học trò, học hay không tùy thích, cô sẽ không bận tâm gì nữa cả? Là một người làm giáo dục, tôi không lên án việc đã qua của cô giáo, cũng không ủng hộ việc làm đó. Nhưng tôi hiểu rằng, giáo viên không phải là thánh, họ cũng là con người, và như thế, họ cũng sẽ có những lúc xử sự sai lầm không kiểm soát được cảm xúc chính bản thân mình.
Đánh học sinh là việc không nên làm, nhưng nên nhớ rằng Anton Makarenko - nhà giáo dục nổi tiếng của Nga - cũng đã phải nói: Đôi lúc một cái tát giá trị hơn ngàn lời khen. Vì vậy, việc có nên đánh học trò hay không vẫn đang là một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.