Bỏ chuyên Toán sang Lý, hành trình 4 năm của Trương Phi Hùng có cái kết trọn vẹn với tấm huy chương Vàng Vật lý quốc tế.
Phi Hùng, lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Bắc Giang, là chủ nhân một trong hai huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) của Việt Nam năm nay. Giải vàng còn lại thuộc về Thân Thế Công, bạn cùng lớp với Hùng.
"Em rất xúc động", Hùng nhớ lại giây phút khi biết mình nằm trong top 8% thí sinh cao điểm nhất. "Gắn bó với Vật lý gần 4 năm, đến hồi kết là giải thưởng cao nhất, lại được đứng cùng người bạn đồng hành từ ngày đầu. Điều này rất trọn vẹn với em".
Phi Hùng (trái) và Thế Công cùng lên nhận huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2024. Ảnh: Ban tổ chức
Hùng tự thấy mình đến với Vật lý khá muộn. Trong khi nhiều bạn bè đã sớm chọn môn để học sâu, định hướng thi chuyên từ đầu THCS, Hùng vẫn theo đội tuyển Toán tới hết học kỳ I năm lớp 9. Nam sinh kể, thời điểm đó, đợt khảo sát ở đội tuyển Toán đang tới gần nhưng em thấy mình không đủ khả năng để đương đầu. Hùng muốn từ bỏ. Em chọn thử sức với Vật lý - môn mà em luôn thấy thú vị từ khi được tiếp xúc.
Chị Bùi Thanh Ngoan, mẹ Hùng, vẫn nhớ lúc con trai chia sẻ mong muốn chuyển hướng từ Toán sang Lý. Khi đó, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh chỉ còn cách hai tháng.
"Lúc đầu gia đình rất ngần ngại vì gấp quá rồi", chị Ngoan nói. "Nhưng Hùng rất quyết tâm. Con nhắn một tin rất dài, nói về những khó khăn gặp phải và định hướng mới. Cuối cùng, chúng tôi cũng đồng ý và ủng hộ lựa chọn của con".
Ngay tại kỳ thi học sinh giỏi năm đó, Hùng đã chứng minh sự nỗ lực của mình khi đạt giải nhất môn Lý với điểm gần tuyệt đối. Kết quả giúp nam sinh được tuyển thẳng vào trường THPT chuyên Bắc Giang, cũng là khởi đầu cho hành trình của em với Vật lý.
Quá trình học Lý, Hùng thấy lý thuyết không phải thế mạnh của mình, trong đó phần thuyết tương đối hẹp khó nhất vì kiến thức trừu tượng, khó hiểu. Phương pháp học hiệu quả với Hùng là đọc sơ phần lý thuyết, rồi làm bài tập luôn. Theo nam sinh, việc đối mặt với câu hỏi thực tế giúp em tiếp thu tốt hơn, thay vì chỉ đọc kiến thức một chiều.
Ngoài giờ học trên trường, Hùng thường dành 3-4 tiếng tự học vào buổi tối, bắt đầu từ 20h. Nam sinh thấy học "vào" nhất là buổi đêm, khi không gian yên tĩnh và có thể tập trung tối đa vào bài tập.
Trương Phi Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Hùng giành giải nhì. Tới năm nay, em cải thiện thành tích khi không chỉ giành giải nhất, mà còn là thủ khoa. Tiếp tục vượt qua vòng chọn từ 40 thí sinh cao điểm nhất, Hùng góp mặt trong đội thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) 2024, diễn ra vào đầu tháng 6.
Tại đây, Hùng giành huy chương đồng. Nam sinh nói đã không làm tốt bài thí nghiệm, lại sai những câu lý thuyết "như cho điểm". Để chuẩn bị cho cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) với quy mô lớn hơn, diễn ra vào cuối tháng 7, Hùng dành thêm thời gian tự học lý thuyết, đọc và xem nhiều tài liệu hướng dẫn thực hành. Quá trình này có sự đồng hành của thầy Nguyễn Văn Đóa, giáo viên Vật lý ở trường chuyên Bắc Giang, người luôn hỗ trợ và hướng dẫn Hùng suốt ba năm qua.
IPhO thử thách thí sinh ở hai bài lý thuyết và thực hành, mỗi bài kéo dài 5 tiếng. Nam sinh tự nhủ cần bình tĩnh, cẩn trọng để không mắc lại những sai lầm cũ, đặt mục tiêu đổi màu huy chương.
Hùng nhận xét bài khó nhất là câu 3 lý thuyết, hỏi về sao xung góa phụ đen - thuật ngữ mô tả hai hành tinh quay quanh nhau, trong đó hành tinh nặng hơn sẽ hút, hoặc có thể coi là ăn dần vật chất của hành tinh còn lại, tương tự loài nhện góa phụ đen ăn bạn đời của mình. Dù đã hoàn thành các bài còn lại nhanh hơn dự tính, Hùng chí có thể giải quyết khoảng 80% câu này.
Bù lại, nam sinh hoàn thành trôi chảy bài thực hành, liên quan tới thí nghiệm đo nhiệt độ và quang học. Hùng thấy rằng thời gian cân bằng nhiệt khá lâu, nên trong lúc chờ thí nghiệm này hoàn thành, em làm luôn bài quang học. Nhờ vậy, nam sinh trường chuyên Bắc Giang hoàn thành hầu hết câu hỏi.
"Đây là lần làm thí nghiệm tốt nhất của em từ trước đến giờ", Hùng nói. "Sau khi hoàn thành bài, em cảm giác mình có cơ hội giành huy chương vàng".
Cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế năm nay có khoảng 200 thí sinh đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hùng nằm trong top 8% thí sinh có điểm cao nhất, giành huy chương vàng.
Phi Hùng và Thế Công được bạn bè chào mừng khi trở về Việt Nam, tối 30/7. Ảnh: Báo Bắc Giang
Cô Đỗ Thị Nhung, giáo viên dạy Toán và là chủ nhiệm của Hùng, nhận xét học trò thông minh, bản lĩnh, luôn có quyết tâm cao trong việc học. Không chỉ giỏi Lý, Hùng còn học tốt Toán và Hóa.
Theo cô giáo, Hùng trầm tính, hướng nội. Trước mỗi kỳ thi quan trọng, nam sinh thường đăm chiêu và ít nói hơn. Vì vậy, cô thường nhờ bạn bè trong lớp động viên, chia sẻ với Hùng, đồng thời trêu đùa để em giải tỏa căng thẳng. Ngược lại trong các hoạt động tập thể, Hùng nhiệt tình và gần gũi với bạn bè.
"Việc Hùng hay Công giành huy chương đã nằm trong dự tính của thầy cô, nhưng cả hai đều giải vàng thì thực sự bất ngờ", cô Nhung nói. "Chúng tôi rất tự hào về các em".
Tối 30/7, Hùng và đoàn thí sinh dự Olympic Vật lý quốc tế về tới Việt Nam trong sự đón chào của người thân, thầy cô và bạn bè. Chia sẻ về dự định sắp tới, nam sinh cho biết có thể không tiếp tục theo đuổi Vật lý chuyên sâu, mà cân nhắc lựa chọn Công nghệ thông tin.
"Dù học gì, chắc chắn Vật lý sẽ là một phần không thể thay thế trong em", Hùng nói.