Đây không chỉ là ý kiến của nhiều phụ huynh mà ngay chính các em cũng muốn có số cụ thể sau khi làm bài.
"Cháu thích chấm điểm hơn"
Từ lúc bắt đầu thực hiện thông tư 30 về việc không giao bài tập về nhà, không chấm điểm cho học sinh tiểu học, buổi tối ở nhà với bé Minh Anh (lớp 4, trường tiểu học Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) vô cùng thoải mái.
Bé cho biết: "Ngày trước cháu phải làm nhiều bài tập, thời gian học có khi đến tối muộn. Giờ làm một hoặc hai bài tập thôi nên cháu làm loáng một cái là xong". Để minh họa cho lời nói, Minh Anh lấy vở bài tập ra chỉ có 2 bài tập toán được giao.
Bé Minh Anh đang chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Tuy nhiên, nếu như trước đây cả buổi tối Minh Anh phải dành toàn bộ thời gian để làm bài tập cô giáo giao thì bây giờ thời gian biểu này được chia làm 2 phần là làm bài tập về nhà và chuẩn bị bài. Bé Minh Anh đưa ra vở chuẩn bị bài môn Tiếng Việt mà mình đã làm xong với vẻ mặt hớn hở: bài 1 là tìm từ đồng nghĩa với từ "Kiên trì", bài 2 đặt câu với từ "kiên trì"; "gian khó" và bài 3 là viết một đoạn văn nói về tính kiên trì.
Khi được hỏi: "Cháu thấy bài tập có khó không và cháu thích làm ít bài tập như bây giờ không?", Minh Anh tự tin trả lời: "Không ạ, bài tập về nhà không khó lắm. Chỉ có bài ôn luyện thêm thì khó hơn thôi. Làm ít bài tập cháu sẽ được chơi cùng em, xem ti vi với ba mẹ. Tuy nhiên, cháu cũng thích làm nhiều bài tập như trước vì sẽ nâng cao kiến thức hơn".
Hỏi về phần nhận xét thay vì chấm điểm, Minh Anh đưa vở bài tập toán của mình. Trên trang vở, sau mỗi đáp án cô giáo vẫn ghi "đ" (đúng) và "s" (sai) nhưng không có số điểm mà chỉ là phần nhận xét thông thường như: Không được dùng bút xóa nhé, Chữa bài, Học tốt... Bé Minh Anh bày tỏ quan điểm: "Cháu thích chấm điểm hơn vì có số cụ thể".
"Nên chấm điểm tạo động lực"
"Nếu không giao bài tập về nhà thì nên chấm điểm", đó là ý kiến của chị Nguyễn Thị Thu Huệ có con trai học lớp 1 trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình, TP.HCM. Chị Huệ cho biết, từ ngày có chỉ thị không giao bài tập về nhà, các em đã không còn còng lưng làm bài mỗi đêm như trước. Hiện tại, mỗi tối con trai chị Huệ học khoảng 30 phút, hôm nào mất tập trung thì thời gian kéo dài hơn một tiếng.
Chị Huệ rất hài lòng với tình hình học hiện tại của con và cả cô giáo chủ nhiệm vì cô quan tâm, cẩn thận với từng học sinh. Nếu như ở lớp bé nào viết sai thì cô sẽ giao về nhà luyện thêm và học một cách nhẹ nhàng, vui vẻ chứ không mang tâm lý nặng nề khi phải làm bài tập mỗi tối.
Bông hoa thay cho điểm số.
Tuy nhiên, phụ huynh này cũng cho biết thêm, trường học của con không chấm điểm mà sử dụng bông hoa với các màu đỏ, xanh tương ứng với giỏi, khá. Về cơ bản, hình thức chấm điểm bằng bông hoa không giảm gánh nặng cho giáo viên, trong khi đó học sinh sẽ lơ là, không chịu học.
Chị đưa ra dẫn chứng, những bạn học bán trú thì không ảnh hưởng nhiều nhưng những học sinh chỉ học một buổi thì lượng kiến thức học trên lớp sẽ không đủ. Nếu không giao bài tập về nhà thì các em "thích chơi thì chơi, thích làm gì thì làm".
"Mình làm trong ngành giáo dục nên phần nào cũng hiểu, tụi nhỏ không ép thì sẽ không cố gắng. Mình không quan trọng con điểm cao hay thấp nhưng nếu đã không giao bài tập về nhà nghĩa là đã làm giảm áp lực cho học sinh thì nên chấm điểm để các em có động lực", chị Huệ bày tỏ ý kiến.