Lời phê đặc biệt cho bài kiểm tra Sử lớp 8 của thầy giáo

Ngày 13/07/2015 14:01 PM (GMT+7)

Đây không chỉ là lời phê mà còn là lời cảm ơn của thầy giáo gửi tới học sinh lớp 8 của mình sau bài kiểm tra môn Lịch sử.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương (đại học Kanazawa, Nhật Bản), từng là giáo viên thỉnh giảng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (trường thực hành thuộc Đại học sư phạm Hà Nội) chia sẻ bài viết nhân chuyện video "kiểm tra" kiến thức lịch sử của học sinh đang gây ồn ào.

"Tôi post lại lời phê của tôi đối với các bài kiểm tra (chung 1 đề ) cho học sinh lớp 8. Ở đây xin nhắc lại một điều trong thế giới này mọi thứ đều có "tính lịch sử" vì thế chuyện con người có mối quan tâm, ý thức về lịch sử là đương nhiên.

Vấn đề nằm ở chỗ giáo dục lịch sử trong nhà trường có tạo ra xúc tác để mối quan tâm đó trở nên mãnh liệt và hướng vào các "vùng" hữu ích cho cuộc sống cá nhân cũng như cộng đồng hay không? Nó có tạo điều kiện để biến các "ý thức lịch sử" đó trở thành nhận thức lịch sử khoa học hay không mà thôi.

Ngược lại, giáo dục lịch sử thông qua môn Sử sẽ hàng ngày, hàng giờ bóp chết mối quan tâm, ý thức đó hoặc tạo ra ở học sinh một mớ các "kiến thức" chắp vá, lộn xộn kiểu mảnh vỡ đầy thiên kiến và nhuốm màu ...huyền thoại.

Gánh mớ kiến thức này trên vai, tự nhiên các học sinh "thuộc sử" lại trở thành những hòn đá cản đường tiến bộ.

Lời phê đặc biệt cho bài kiểm tra Sử lớp 8 của thầy giáo - 1

Sau đây là "tâm thư" của thầy giáo Nguyễn Quốc Vương gửi học sinh:

"Các em học sinh lớp 8A3, 8A4 và 8A5 thân mến!

Khi viết những dòng này cho các em thầy vẫn chưa hết xúc động. Các em đã làm bài thật xuất sắc, vượt qua cả dự kiến ban đầu của thầy. Đọc bài các em viết, thầy có cảm giác mình được ngồi trên “Cỗ máy thời gian” của chú mèo Doremon để trở về “Nhật Bản giữa thế kỷ XIX”. Các em đã  biết “hóa thân” thành “người Nhật Bản đương thời  có chí lớn”  để trình bày “kế sách” của mình.

Ở đó, thầy được gặp Đại tướng Saigo Takamori, anh hùng đảo Mạc Sakamoto Ryoma, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Thiên hoàng Minh Trị… Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, các em còn “hóa thân” thành “kiếm sĩ vô danh”, “một người ăn mày ở thành phố Edo”, “một du học sinh tại Anh quốc”, “một hồn ma chưa siêu thoát” thậm chí là “Gia Cát Lượng Khổng Minh”… để trình bày “kế sách”. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời!

Trong bản “kế sách” của mình, các em đã biết đứng ở nhiều góc độ để phân tích bối cảnh lịch sử Nhật Bản và thế giới giữa thế kỷ XIX, so sánh trình độ văn minh của Nhật Bản và phương Tây, biết dùng các sự kiện lịch sử có thật như: Khởi nghĩa Xi-pay, Chiến tranh thuốc phiện, Đô đốc Perry đến Nhật Bản… để lập luận rất thuyết phục. Nhiều em đã biết chọn mốc thời gian đưa ra “kế sách” là năm 1867, 1868, giữa thế kỷ XIX và liên hệ, so sánh với sự kiện thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và cuộc Chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc. Điều này nói lên rằng các em đã hiểu đề rất sâu sắc và có cái nhìn chính xác về lịch sử. Nhiều em cũng đã biết lồng ghép một cách khéo léo nội dung của cuộc Duy tân Minh Trị vào “kế sách” của mình.

Đọc bài viết của các em, thầy nhận thấy các em có cái nhìn thật nhân văn và sâu sắc về người lính, về chiến tranh và hòa bình, về vai trò của nhân dân. Các em đã phát hiện ra cả những khía cạnh mà thầy chưa từng nghĩ đến. Cách nhìn của các em về lịch sử  gợi cho thầy nhiều suy ngẫm. Giữa những con chữ thầy cũng nhận ra các em đã suy tư một cách nghiêm túc về những vấn đề hệ trọng của Nhật Bản cũng như của bất kì một dân tộc nào khác trên thế giới: văn minh và khai sáng, dân trí và dân chủ, bình đẳng giới và văn hóa,  trình độ phát triển và chủ quyền dân tộc, hạnh phúc và tự do…

Thầy hiểu  đằng sau những suy tư đó là lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và sự thiết tha đối với vận mệnh của dân tộc. Từ “công dân” được các em dùng rất nhiều lần và dùng thật chính xác. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên  hay vô tình phải không các em?

Mặc dù bài được viết ngay trên lớp, đề ra bất ngờ và chịu áp lực tâm lý,  những “người Nhật Bản đương thời có chí lớn” vẫn đưa ra được các “kế sách”  dưới rất nhiều hình thức phong phú như: thư gửi người thân, bạn bè, tấu gửi lên Thiên hoàng, hịch kêu gọi nhân dân Nhật Bản, lời thuật lại một buổi thiết triều…

Sự phong phú này khẳng định rằng các em quả thực là những học sinh thông minh, sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ. Các bản “kế sách” được viết với văn phong mang  đậm không khí thời đại,  ngôn ngữ của các nhân vật lịch sử rất chính xác.  Khi đọc bài các em viết,  thầy có cảm giác như mình đang thực sự sống trong xã hội Nhật Bản giữa thế kỷ XIX. Điều này thể hiện các em yêu môn Lịch sử, yêu tiếng Việt. Đó là sự động viên vô giá đối với thầy. Tuy nhiên, ở một số “kế sách”, thầy vẫn nhận thấy chỗ này, chỗ kia các em viết sai chính tả, hoặc nhầm lẫn mốc thời gian, sự kiện. Thầy đã chữa ở trong bài viết. Các em đọc để rút kinh nghiệm lần sau.

Sau khi chấm xong bài kiểm tra của các em, thầy chợt nảy ra ý định tặng các em một món quà nhỏ. Đố các em đoán được thầy định tặng quà gì? Món quà ấy là tập hợp các “kế sách” tiêu biểu ở ba lớp được thầy đánh máy và in thành tập lấy tựa đề “Học sinh Việt Nam vạch kế sách cho Nhật Bản giữa thế kỷ XIX”. Vào thời gian rảnh rỗi, các em có thể chuyền tay nhau đọc để học hỏi lẫn nhau.

Ở phần cuối, thầy tặng các em bài viết về hai nhân vật được nhắc đến nhiều trong “kế sách” là Fukuzawa Yukichi và Saigo Takamori. Hai bài viết này được trích từ cuốn sách “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản” do thầy viết (thầy hi vọng cuốn sách sẽ sớm được xuất bản trong tương lai). Thầy cũng tặng các em một số bài thơ do các bạn thiếu nhi Nhật Bản viết đã được thầy dịch ra tiếng Việt. Thầy hi vọng các em sẽ có những cảm nhận thú vị.

Cuối cùng, thầy chúc các em học tốt và mỗi ngày lại có thêm nhiều niềm vui mới.

Thầy tin rằng các em rồi đây sẽ trở thành những người công dân ưu tú của đất nước.

Thầy thấy thật hạnh phúc và tự hào khi có những người học trò như các em.

ĐỂ TRA CỨU ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT QG NĂM 2015

SOẠN TIN: DIEM SỐBÁODANH gửi 8702

VD: Thí sinh thi ở cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, SBD là BKA000345, soạn tin:

DIEM BKA000345 gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Đề bài kiểm tra môn Lịch sử (thời gian 45 phút)

Vào giữa thế kỉ XIX, trước áp lực ngày một gia tăng của các nước đế quốc phương Tây, Nhật Bản đứng trước hai lựa chọn:

1. Cải cách, mở cửa để xây dựng đất nước theo mô hình các nước phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.
2. Duy trì chính sách hiện thời, cự tuyệt giao lưu với phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.

Trong bối cảnh đó, nhiều kế sách đã được đưa ra.
Em hãy đóng vai là một người Nhật đương thời có chí lớn để đưa ra kế sách cho Nhật Bản.

Bài làm

Ngày tháng năm 1868

Gửi Thiên hoàng Minh Trị mới lên ngôi!

Tôi viết thư này cho ngài giữa cảnh đất nước đang chịu áp lực của các đế quốc phương Tây. Cũng chính vì điều đó mà dân chúng khổ cực, đói rét, sợ hãi chiến tranh, sợ vì những mạng người bị mất đi ngày càng nhiều. Những kẻ tự cao, tự đại nào dám ngẩng mặt lên mà nói rằng đất nước Nhật Bản này là một cường quốc có thể đánh bại thực dân phương Tây?

Tôi chỉ là một trong những người dân đói khổ của đất nước này, nhưng tôi biết về súng đạn hiện đại, các loại vũ khí tối tân…– những thứ đã thay mặt thần chết cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân. Chúng ta cần phải thay đổi ý nghĩ bảo thủ. Nền độc lập là rất cần thiết nhưng ta giữ độc lập làm gì khi đất nước ta ngày càng đói khổ, lạc hậu, chưa kể đến việc phương Tây sẽ gây ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Chúng sẽ thẳng tay tàn sát, mọi nơi sẽ đổ đầy huyết người.

Còn nếu chúng ta có thể chấp nhận việc mở cửa phong kiến, xây dựng Nhật Bản theo mô hình của phương Tây thì chúng ta sẽ bắt kịp thời đại, đất nước và nhân dân ta sẽ giàu có. Đừng suy nghĩ rằng chúng ta phải thể hiện khí thế dân tộc, phải đánh đuổi phương Tây bằng mọi giá. Bản thân đất nước ta cũng như các nước phong kiến đều không bằng các đế quốc phương Tây về mọi mặt.

Chúng ta cần thay đổi lý tưởng về xã hội, chính trị, phát triển nông nghiệp và công nghiệp theo mô hình phương Tây để đưa đất nước chúng ta đi lên, để sánh vai cùng các cường quốc. Đến lúc đó, không chỉ ngài và bộ máy nhà nước mà tất cả mọi người dân Nhật Bản đều có thể ngẩng cao đầu tự hào về đất nước này.
Xin hãy suy nghĩ về ý kiến của tôi!

Kính gửi
Ký tên
Doraemon Suzuki
(NQA, nữ, học sinh lớp 8)

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự