Tâm sự 'Cho con học trường nào' gây 'bão' mạng

Ngày 01/06/2015 15:08 PM (GMT+7)

Chuyện chọn trường nào cho con học luôn là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ. Bắt đầu từ mẫu giáo, rồi cấp 1-2-3, và đại học...

Mỗi khi vào mùa tuyển sinh, không chỉ có học sinh căng thẳng, mệt mỏi bước vào cuộc cạnh tranh cam go cho bước ngoặt của cuộc đời mà chính cha mẹ cũng lo lắng không kém.

"Bố mẹ nào cũng muốn con mình được học trường có tên tuổi - như một đảm bảo cho sự thành công sau này. Bắt đầu ở đây đã có sự ngộ nhận...", bài viết "Cho con học trường nào?" của một thành viên mạng có tên Minh Triết đã được hàng trăm phụ huynh bình luận, chia sẻ.

Chúng tôi xin đăng nội dung như sau:

"Cái gì quan trọng nhất đối với một con người? Suy nghĩ kĩ thì chúng ta sẽ nói là Hạnh phúc, chứ không phải sự Thành công. Vậy con cái được vào trường tốt là Hạnh phúc? Đồng ý. Nhưng Hạnh phúc của nó? Hay của bố mẹ?

Nếu bộp chộp các bạn sẽ bảo hỏi buồn cười nhỉ, học trường tốt để ấm vào thân nó chứ? Chưa chắc, nếu nó 4 tuổi, đang đi mẫu giáo thì nó biết gì? Kể cả khi 15 tuổi, chuẩn bị vào cấp 3, nó hầu như không quan tâm việc chọn trường nào, hoặc nếu được chọn, nó sẽ chọn trường càng ít phải cố gắng càng tốt.

Tâm sự Cho con học trường nào gây bão mạng - 1

Tác giả bài viết từng học một trường tệ hơn thế này (Ảnh minh họa)

Cho đến hết phổ thông thì 95% là bố mẹ thúc ép con học. Nhiều nhà phải ép con học hết đại học. Tôi chỉ gặp những người than thở rằng: - Con tôi lười quá, bảo thế nào cũng không chịu học, chỉ giỏi chơi. Bác có cách nào bảo nó chăm học không?

Tôi chưa gặp ai nói: - Ôi giời ơi, con tôi chăm quá. Sao mày khổ thế con ơi. Vứt cái mớ toán, văn, tiếng anh chết tiệt vào sọt rác. Đi mà chơi game, xem phim, đá bóng cho sướng. Ngày xưa bố mẹ có muốn cũng chả có game mà chơi, chả có phim mà xem, chả có bóng mà đá.

Vậy thực ra ép con học, chọn trường này nọ là bố mẹ đang mưu cầu Hạnh phúc cho mình và ngộ nhận rằng đang xây đắp tương lai cho con, cái đứa rất ghét chuyện học hành.

Khi được tuyển vào chuyên toán Tổng hợp, danh giá nhất thời 70-80s, đó là sự đảm bảo 100% suất đại học và 70% được học ở nước ngoài, tôi chẳng mảy may xúc động. Chán là khác vì phải xa gia đình, xa bạn bè, phải sống trong môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Mỗi năm 3 đứa đứng cuối sẽ bị đuổi khỏi lớp. Về trường cũ là một sự nhục nhã. Tưởng giỏi giang thế nào? Hoá ra...

Nhiều bạn tôi rơi vào hoàn cảnh đó và bị shock tâm lí. Đang đứng đầu ở tỉnh, nay về Hà Nội học không ra gì, bị đuổi học. Nhiều kẻ không hiểu còn thì thào hay là trộm cắp, tham ô, hủ hoá? Ngày đó cứ được nhà nước cấp gạo, lương coi như đi làm cán bộ, ở quê là thoát li theo cách mạng, lí lịch ghi thế. Bị trả về địa phương, đuổi khỏi biên chế nhà nước chỉ có vì tham ô, hủ hoá. Người ta không ghi học dốt, mà ghi tù mù là "không phù hợp". Thế mới chết.

Khi tôi được tuyển vào trường chuyên của Bộ ĐH, người hạnh phúc nhất là thầy dạy toán cấp 2, người đưa tôi đi thi HS giỏi toán miền Bắc, thi tuyển vào trường chuyên, rồi đến bố mẹ tôi. Tôi thì không.

Thôi không lằng nhằng nữa. Ừ thì chọn trường là cho bố mẹ, nhưng vấn đề còn đấy, rất quan trọng.

Nếu bạn hỏi tôi - "nên chọn trường nào cho con?", tôi sẽ nói thế này:

Riêng mẫu giáo nếu có điều kiện chọn trường khá một chút, vì lí do an toàn chứ không vì học hành, tuổi ấy thì học gì.

Phổ thông thì trường nào cũng được. Trừ khi con bạn bị tự kỉ, là học sinh cá biệt, còn thì trường nào cũng thế cả. Trường nào gần nhà càng tốt, đỡ đi lại vất vả.

Nếu thích thì cứ để nó thi vào Amsterdam, chuyên Tổng hợp, Sư phạm. Vào được thì tốt, không vào được chẳng sao. Đừng có ép nó. Lằng nhằng nó tự tử, dại mặt. Biết thế nào được.

Những môn "lởm khởm" như Văn, Sử, Địa, Đạo đức, Chính trị thì từ lớp 1 đến đại học chỉ cần đủ điểm lên lớp và tốt nghiệp.

Còn các môn tự nhiên như Toán, Lí, Hoá, Sinh ở mức phổ thông là kiến thức chung của nhân loại, dạy hay dạy dở thì nó vẫn thế, chẳng khác nhau mấy. Hơn nữa với sự phổ cập internet thì con bạn có thể kiểm tra thầy dạy đúng hay sai. Không thể nào ở trường Ams họ dạy 2+2=4, còn trường làng thì 2+2= 5. Đơn giản là không thể, cho dù giáo viên có kém đến đâu.

50 năm trước tôi và nhiều bạn học cấp 1, 2 trường làng, nhưng kiến thức cũng chẳng khác gì các bạn học trường chuyên tốt nhất ở Hà nội, hay Moscow. Hồi đó làm gì có internet. Kiến thức là đồng nhất ở mọi nơi. Có thể dân chủ của ta gấp triệu lần dân chủ Mĩ, nhưng toán - lí - hoá - sinh ở mức phổ thông thì như nhau cả.

Tôi có đứa cháu con bà chị. Nó học một trường phổ thông ở tỉnh lẻ. Bố nó phải đi tù vì một chuyện lãng xẹt, mẹ buôn thúng bán mẹt. Vì chẳng thần thế gì nên nó bị phân vào lớp mà ngoại ngữ là tiếng Pháp, bọn con nhà khá giả được vào lớp tiếng Anh. Năm 1999, Hội francophony tổ chức thi tiếng Pháp. Nó tham gia và được giải cao, chính phủ Pháp cho nó học bổng học đại học ở Pháp.

Trong khi những người khác đi học bằng tiền ngân sách chọn tỉnh lẻ như Toulouse, Lyon, Marseille cho nhẹ thì nó chọn trường ở Paris, khó hơn. Nó luôn đứng đầu lớp và luôn được cấp học bổng. Nó tiết kiệm học phí, thuê nhà, tự nấu ăn đến mức còn thừa tiền nuôi được thằng anh sang học ké. Tốt nghiệp xuất sắc, nó được một tập đoàn viễn thông của Đức nhận làm việc ở Paris, đã 8 năm, lương cao, đủ mua căn hộ đẹp.

Một đứa nữa con bà chị khác, học một trường phổ thông rất bình thường ở Hà Nội. Bố mất sớm, mẹ buôn bán nhì nhằng. Nó bằng tuổi con gái tôi. Hết lớp 11 con gái tôi đi Anh học. Nó cũng muốn đi nước ngoài, nhưng mẹ nó nghèo, không có tiền cho nó đi. Nó hỏi tôi. Tôi bảo cháu cứ lên mạng, hỏi tất cả các trường, nhất là các trường Mĩ. Trong khi chờ đợi thì học thêm tiếng Anh. Một trường nhận nó vào lớp Foundation. Nó bảo chỉ có đủ tiền mua vé 1 chiều. Trường cho toàn bộ học phí và homestay, mẹ phải lo tiền ăn. Tôi chỉ giúp nó làm chứng minh tài chính để có visa đi Mĩ. Thế thôi.

Nó thoả thuận với bà chủ nhà là sẽ giúp bà cắt cỏ trong vườn vào cuối tuần, bà đỡ phải thuê người cắt, dần dần nó cắt cỏ cho cả hàng xóm, tiện thể mà. Tiền cắt cỏ thừa tiền ăn. Chương trình đại học 4 năm nó học trong 2 năm rưỡi, lại còn để dành được ít tiền. Bây giò nó là Giám đốc một bộ phận của một ngân hàng lớn ở Việt Nam, lương net 90 triệu. Nó mới 32 tuổi nhưng đã đi làm 11 năm, mua được nhà riêng ở Hà nội, và thêm 1 bằng MBA với hàng chục chứng chỉ đào tạo các ngành mà nó cần cho công việc ở một ngân hàng. Chẳng cần ai giúp cả.

Từ đáy lòng tôi rất khâm phục 2 cháu này.

Tiện thể cũng nói rằng những thông tin kiểu như cháu nọ cháu kia đỗ đầu vào 5-6 trường đại học của Anh, Mĩ là tin vịt thôi. Người ta có bắt thi đâu mà đỗ đầu hay đít. Bạn chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, biết tiếng Anh ở mức nghe hiểu, nộp hồ sơ là tất cả các trường đại học nhận tuốt. Trừ một số trường danh giá như Harvard, Stanford, Cambrige ... phải có thêm essay, phỏng vấn.

Khi con tôi chuẩn bị đi học đại học nước ngoài, tôi đã thử làm vài bộ hồ sơ với tên giả gửi chục trường hàng đầu của Mĩ, Anh. Nhận tất. Vài trường còn cho học bổng.

Lưu ý các bạn là bộ phận tuyển sinh đánh giá cao việc bạn tham gia các hoạt động tập thể như đội trưởng đội bóng, tổng biên tập báo trường, ban nhạc của lớp hơn hẳn các thành tích cá nhân như huy chương vàng Olympique toán quốc tế.

Vậy nếu con bạn có ý thức học hành thì trường nào cũng được.

Còn vào đại học, nếu có điều kiện thì nên chọn trường khá 1 chút ở nước ngoài, không thì học trong nước. Thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu.

Chỉ có 20% số người có bằng đại học làm đúng nghề đã học. Bằng đại học chỉ để loè người quen và phòng cán bộ thôi".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh lớp 1