Trở thành giảng viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, Ngọc My nhiều lần bị sinh viên nhận nhầm là bạn cùng lớp, thậm chí cô còn được học trò... rủ tham gia làm chung bài tập nhóm.
Cô giáo Trịnh Ngọc My, sinh năm 1999, hiện là giảng viên nhóm chuyên môn Lý thuyết tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội. Cô My được tuyển dụng từ tháng 5, trở thành giảng viên trẻ nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay.
“Từ sinh viên trở thành giảng viên của trường là điều tôi ấp ủ từ lâu”, cô My nói.
Có bố là cựu sinh viên ngành Tự động hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội, Ngọc My thường được nghe kể những câu chuyện về “người Bách khoa” và chẳng biết từ bao giờ cô đã coi "Bách khoa là nhà”. Vì thế hết cấp 3, cô học trò chuyên Văn, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội quyết định thi vào ngành Tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cô giáo Trịnh Ngọc My hiện là giảng viên nhóm chuyên môn Lý thuyết tiếng Anh, khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Ngay từ khi bước chân vào trường, Ngọc My đã ấn tượng với phong thái giảng dạy của các giảng viên khoa Ngoại ngữ và bắt đầu ước mơ một ngày nào đó được đứng trên bục, giảng dạy chính những môn chuyên ngành mình đang học.
Để tích lũy kinh nghiệm, từ năm thứ 3, My xin làm trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh, đồng thời cố gắng duy trì điểm số, nắm vững kiến thức chuyên ngành.
Thừa nhận mình là người hướng nội, trong 4 năm đại học, có kỳ My đạt điểm tuyệt đối 4.0/4.0, nhưng vẫn không nhận được học bổng vì thiếu điểm tích lũy từ các hoạt động ngoại khóa. Đó cũng là lý do My nhận ra đã đến lúc mình phải “phá kén”.
“Tôi nung nấu ước mơ làm giảng viên, nhưng nếu hướng nội, mình sẽ không thể giao tiếp với sinh viên. Được thầy cô động viên, tôi bắt đầu cởi mở hơn, tích cực tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa”, Ngọc My nói.
Có định hướng rõ ràng, trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp, My tìm hiểu về các tiêu chí tuyển dụng giảng viên của Bách khoa. Ngoài bằng thạc sĩ, ứng viên cần có chứng chỉ ngoại ngữ 2 và năng lực nghiên cứu khoa học.
Ngay sau khi tốt nghiệp, My theo học chương trình liên kết thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh ở ĐH Hà Nội và ĐH Canberra của Australia 2 năm. Trong thời gian này, cô cũng ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ 2. Vì có nền tảng tiếng Trung hồi đại học, My chỉ mất 3 tháng để đạt chứng chỉ HSK4 và HSKK trung cấp. Cùng thời điểm đó, cô hoàn thành chương trình thạc sĩ và nhận bằng.
Vượt qua vòng hồ sơ, My trải qua kỳ xét tuyển nhằm kiểm tra kiến thức chung, kiến thức chuyên môn và giảng thử. Đến tháng 5/2024, Ngọc My được tuyển dụng, trở thành giảng viên khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cô My là giảng viên trẻ nhất ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay. (Ảnh: NVCC)
Được tuyển vào cuối học kỳ, trong kỳ hè, cô My tích cực dự giờ các tiết giảng của thầy cô khoa Ngoại ngữ để học hỏi kinh nghiệm và dự các buổi họp chuyên môn. Đến tháng 9 vừa qua, cô Ngọc My chính thức giảng dạy môn đầu tiên liên quan đến Lý thuyết tiếng cho sinh viên Ngôn ngữ Anh.
Là giảng viên “gen Z”, với ngoại hình trẻ trung, cô My không ít lần bị sinh viên nhận nhầm là bạn cùng lớp, thậm chí còn được học trò... rủ làm chung bài tập nhóm. Sau này, mỗi khi có giờ lên lớp, cô chọn quần áo công sở hơn để “hack” tuổi.
Dẫu vậy, theo cô My, lợi thế của giảng viên “gen Z” là dễ dàng chia sẻ, trò chuyện cởi mở với sinh viên. Mỗi khi vào tiết dạy, cô thường bắt đầu bằng câu chuyện về cuộc sống hay chia sẻ về chính những năm tháng mình là sinh viên Bách khoa.
Cô cũng thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan đến định hướng tương lai, những khó khăn khúc mắc, kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp hay lựa chọn chương trình học thạc sĩ... Đôi khi trong quá trình giảng bài, cô giáo trẻ đan xen một vài ngôn ngữ “bắt trend” để xua đi bầu không khí căng thẳng khi học trò phải tiếp nhận lượng kiến thức chuyên ngành nhiều và khó.
Là giảng viên “gen Z”, cô My không ít lần bị sinh viên nhận nhầm là bạn cùng lớp. (Ảnh: NVCC)
Trở thành giảng viên tại ngôi trường mình từng theo học, cô My thành đồng nghiệp của những người thầy từng dạy mình. Với cô, được ngồi cùng các thầy cô trao đổi kinh nghiệm chuyên môn là trải nghiệm rất khác so với khi ngồi dưới lớp lắng nghe thầy cô giảng.
Dẫu vậy, theo nữ giảng viên, đây là cơ hội học tập tuyệt vời. “Chẳng hạn với các môn Lý thuyết tiếng có đặc thù khô khan, dễ nhàm chán, việc học hỏi từ các thầy cô cách biến môn học trở nên gần gũi, dễ hiểu với sinh viên là điều cần thiết”, cô My nói.
Ngoài công việc giảng dạy, nữ giảng viên còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Từ tháng 5 đến nay, cô đã có 1 bài báo khoa học cá nhân, 2 bài đồng tác giả với hướng nghiên cứu về lý thuyết tiếng. Cô giáo trẻ đặt mục tiêu tiếp tục học tiến sĩ và nỗ lực giảng dạy tốt các môn liên quan đến lý thuyết ngôn ngữ.