Cô Ngọc kể về Tả - em lớp trưởng mà cô rất nhớ. Do nhà nghèo, không có nhiều quần áo lành lặn để đi học, trời mưa mấy ngày không ngớt, áo của Tả không khô nên em ngại đến trường. Tả nói chỉ mong trời nắng, quần áo khô để em có thể đi học.
Nhớ lại kỷ niệm về người học trò tên Phàn Láo Tả, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc vừa kể vừa rưng rưng xúc động. Phàn Láo Tả là lớp trưởng của lớp cô chủ nhiệm. Tả chăm ngoan, học giỏi, là tấm gương cho các bạn trong lớp. Tuy nhiên, mấy ngày liền Tả liên tục xin nghỉ ốm, điều này làm cô Ngọc thấy khó hiểu.
Không ngần ngại, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc xuống nhà Tả để thăm học trò. Đến nhà, cô giáo Ngọc thấy bất ngờ vì "lớp trưởng của mình" rất khỏe mạnh, không đau ốm gì.
Hỏi mãi mới biết, do nhà Tả nghèo, không có nhiều quần áo lành lặn để đi học. Trời mưa mấy ngày không ngớt, áo của Tả không khô nên em ngại đến trường. Tả chỉ mong trời nắng, quần áo khô để em có thể được đi học.
Cô trò ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt lăn dài, vừa xót xa cho hoàn cảnh học sinh cũng là xót xa cho những thầy cô đang vượt khó, nỗ lực, kiêm trì bám trụ để gieo chữ nơi vùng biên viễn.
Sau đó, cô giáo Ngọc đã đưa Tả đi mua quần áo để ngày mai, dù mưa Tả vẫn có thể đến lớp học như các bạn.
Suốt 6 năm gắn bó, bám bản, bán trường, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc không nhớ đã trải qua bao khó khăn, vất vả, nhưng cô giáo trẻ ấy luôn tâm niệm một điều phải kiên trì 'mở cánh cửa tri thức' cho các em học sinh vùng biên giới Phong Thổ của tỉnh Lai Châu.
Nhiều lần thấy chông chênh giữa núi đồi đến mức muốn bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu thương dành cho các em học sinh còn nhiều khó khăn ở ngôi trường Tiểu học & THCS Mồ Sì San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khiến cô giáo Nguyễn Thị Ngọc vượt qua tất cả.
Dành cả thanh xuân để "gieo chữ" nơi vùng cao
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc sinh ra ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Gia đình khó khăn, bố là thương binh ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, mẹ hay đau ốm nên từ nhỏ Ngọc đã tham gia phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Những khó khăn của cuộc sống, nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đã không ít lần khiến Ngọc muốn từ bỏ ước mơ học hành vì gia đình không đủ điều kiện cho cô theo học.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (Trường Tiểu học & THCS Mồ Sì San) trong một tiết học.
Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình cùng tinh thần hiếu học, niềm tin chỉ có con chữ mới thay đổi được số phận, cô giáo Nguyễn Thi Ngọc đã miệt mài ngày đêm đèn sách. Cô Ngọc thi và trúng tuyển vào ngành Sư phạm Hoá học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hành trình thực hiện ước mơ của cô sinh viên Nguyễn Thị Ngọc chính thức bắt đầu.
Cô giáo Ngọc chia sẻ, cô tốt nghiệp đại học với mong ước duy nhất lúc đó là tìm được việc làm nên cô sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu có nhu cầu tuyển dụng.
Năm 2017, nghe thông báo ở Lai Châu có đợt tuyển giáo viên, tôi đã nộp hồ sơ dự tuyển và được phân công về nhận công tác tại Trường Tiểu học & THCS Mồ Sì San cho đến nay. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc |
Trường Tiểu học và THCS Mồ Sì San, (xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu) là xã biên giới vùng cao có 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao, đời sống thiếu thốn. Cách thành phố Lai Châu 75km, để đến được nơi đây, người dân phải vượt qua những cung đường hiểm trở bậc nhất Tây Bắc, với nhiều dốc cao cheo leo, đường đii khúc khuỷu.
Cô vẫn còn nhớ như in cảm xúc háo hức của ngày đầu lên với ngôi trường này.
Ngày đầu lên nhận công tác, Ngọc thuê xe máy từ thành phố Lai Châu vào xã. Quãng đường có tận 3 đến 4 đoạn đường bị sạt lở đến mức phải thuê người địa phương khiêng xe qua. Gần hết đoạn đường dải nhựa, xe ôm không dám vào nữa đòi quay ra vì đường khó đi, nên Ngọc đành phải tự mình đi bộ vào.
Vào đến trường Ngọc mới thấu hiểu hoàn cảnh "4 không" ở đây. Không nhà vệ sinh, không nhà tắm, không nước, không có chỗ ngồi ăn cơm. Ngọc cùng 4 chị em trong trường ở chung 1 phòng, không gian trống duy nhất trong phòng là lối đi ra đi vào.
"Lúc đó tôi cũng chưa biết Mồ Sì San là ở đâu, cứ đi là đi thôi. Tuổi trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề nên luôn muốn thử sức ở môi trường mới mẻ. Ấy thế mà cũng được hơn 7 năm bám trụ, giờ lại không muốn về xuôi nữa", cô Ngọc cười nói.
Những ngày đầu công tác, nhìn thấy những khó khăn, vất vả của các em nhỏ nơi đây, cô giáo Ngọc càng thấy mình phải có trách nhiệm, đem sức trẻ truyền "con chữ" để giúp các em có tương lai bớt khó khăn hơn.
Ngọc kể, khó khăn trong công tác giáo dục ở vùng xa, vùng biên giới thì nhiều nhưng có lẽ khó khăn nhất chính là làm sao "giữ chân" học sinh của mình sau mỗi đợt nghỉ hè, nghỉ tết. Cứ sau mỗi đợt nghỉ là các cô giáo lại phải lặn lội đi tìm học trò, vào tận các bản xa xôi để vận động phụ huynh học sinh cho các con đến trường. Vất vả là vậy nhưng nhiều gia đình lại không muốn cho con họ đến lớp.
Tủi thân nhất có lẽ là lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, các cô giáo ở đây ai cũng như ai chẳng làm được gì ngoài những lời thăm hỏi, động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những khó khăn, vất vả, gian truân... tất cả đã không thắng được lòng yêu nghề của các cô.
Ngọc tâm sự, động lực để bản thân gắn bó với vùng biên giới này, chính xác là xuất phát từ tình cảm gia đình và học trò. Trong đó, chồng cô là một người con của vùng đất biên giới này cho nên hai vợ chồng là những người hiểu rõ hơn ai hết về những gì mà trẻ em vùng cao còn thiếu và đang cần để vượt lên chính mình. Bên cạnh đó, sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của gia đình, đồng nghiệp đặc biệt là kết quả học tập, phấn đấu không ngừng của các em học sinh chính là động lực khiến cô Ngọc gắn bó với vùng đất này.
Yêu thương học trò như con ruột
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc hướng dẫn học sinh làm bài.
Năm tháng qua đi, nhiều thế hệ học trò lớn lên cùng tuổi thanh xuân đi qua của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc. Không ít học trò đã trưởng thành, vào môi trường mới nhưng vẫn nhớ về cô giáo Ngọc với sự biết ơn.
Học sinh các xã vùng cao chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em học sinh vùng cao vốn đã nhiều thiệt thòi, gia cảnh hầu hết rất khó khăn nhưng các em lại rất tình cảm, đặc biệt có những em dù nhà nghèo nhưng có nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Điều này đã thôi thúc, níu giữ cô Ngọc ở lại bám trường, bám bản.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, dạy học ở vùng cao không đơn thuần là nhiệm vụ trồng người. Ngoài việc vận động học sinh đến trường, các cô còn phải nỗ lực đổi mới phương pháp để từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục với miền xuôi. Dù công tác ở vùng xa nhưng cô phải thường xuyên cập nhập thông tin về phương pháp giảng dạy để không bị lạc hậu, để có phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất.
Vì vậy, trong công tác, bản thân Ngọc không ngừng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá theo chủ trương của ngành.
Ngôi trường nơi cô giáo Nguyễn Thị Ngọc công tác.
Giữa bốn bề chỉ cây và núi, cuộc sống người giáo viên vùng biên thiếu thốn trăm bề. Niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của những người giáo viên như cô giáo Nguyễn Thị Ngọc là thấy sự trưởng thành của các em học sinh thân yêu của mình.