Nữ sinh đoạt giải Quốc gia, 'trượt' ĐH: 'Em đang ở nhà chăn trâu'

Ngày 06/11/2016 08:25 AM (GMT+7)

"Gặng hỏi mãi tình hình học tập thì em bảo em đang ở nhà chăn trâu. Lúc ấy thực sự tôi rất buồn”, cô giáo chủ nhiệm của nữ học sinh DTTS đoạt giải 3 học sinh giỏi Quốc gia nhưng trượt đại học tâm sự.

Em Đặng Thị Huyền (dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) có “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vì mình đạt điểm cao, có giải quốc gia mà vẫn không trúng tuyển ĐH.

Điều đáng nói, Huyền lại là một trong số 102 gương mặt tiêu biểu được mời về tham dự Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ năm 2016 do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Báo Nông Thôn Ngày Nay, Báo Tiền Phong tổ chức.

Nữ sinh đoạt giải Quốc gia, #039;trượt#039; ĐH: #039;Em đang ở nhà chăn trâu#039; - 1

Em Đặng Thị Huyền

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin bên lề buổi lễ Tuyên dương học sinh DTTS đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ 2016, em Huyền bùi ngùi kể lại: “Khi nhận được giấy báo điểm, em đã làm 2 bộ hồ sơ gửi xét tuyển vào 2 trường: ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng (NV1 vào ngành Luật kinh tế, NV 2 vào ngành Luật) và ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Việt Nam học. Vì nhà cách xa trung tâm huyện, muốn vào được Internet em phải mất rất nhiều thời gian, quãng đường đi lại cũng rất khó khăn".

"Việc này hoàn toàn là do lỗi của em nên em phải chịu. Nếu được một mong ước em mong sao Bộ GD-ĐT và nhà trường tạo điều kiện cho em có thể đi học. Em mơ ước sau khi học xong đại học có thể về phục vụ địa phương, có thể cho gia đình mình cuộc sống yên ổn", em Huyền nói.

Ngoài ra em Huyền cho biết thêm, em cũng đã viết một tâm thư gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, mong sao bác Bộ trưởng có thể giúp em đi học".

Trong tâm thư Huyền viết: "... Năm học 2015 - 2016, cháu học lớp 12 Trường PTDTNT cấp 2 - cấp 3 Yên Minh (Hà Giang). Cháu thi và đạt giải 3 môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, cháu đạt: văn 7,5 điểm; sử 7 điểm, địa 9 điểm. Tính thêm điểm cộng cháu được 27,5 điểm. Cháu làm hồ sơ xét tuyển vào học ngành luật của Trường ĐH Luật Hà Nội nhưng do gia đình cháu nằm ở vùng sâu, vùng xa, gia đình cháu rất khó khăn, đi lại vất vả, mạng lưới công nghệ thông tin không phát triển nên cháu không kịp thời cập nhật thông tin để gửi giấy báo điểm cho trường ĐH Luật. Cháu đã làm mất cơ hội học tập duy nhất của bản thân.

Nhân dịp này, cháu được mời tham dự lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi THPT quốc gia, cháu viết thư này mong bác giúp đỡ cháu. Cháu cũng không biết nhờ ai giúp đỡ. Cháu xin cầu cứu bác, mong bác tạo điều kiện cho cháu thêm một cơ hội để cháu tiếp tục được theo học và đây cũng là cơ hội học tập duy nhất của cháu bởi gia đình cháu rất khó khăn. Chắc cháu không có cơ hội để năm sau thi tiếp. Mong bác giúp đỡ cháu.

Nếu cháu tiếp tục được theo học, cháu xin hứa cháu sẽ cố gắng hết sức để trong tương lai cháu có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là tỉnh Hà Giang - một tỉnh nghèo nhất cả nước và gặp rất nhiều khó khăn".

Về phần phụ huynh em Huyền, bác Đặng Văn Sài cho biết: "Trong suốt 3 năm học cấp 3 Huyền đã phải sống xa nhà 60 km, dù nhớ nhà nhưng cháu luôn nói rằng sẽ cố gắng học tập để có thể đỗ Đại học. Nghe cháu kể, cháu muốn học ngành Luật hoặc nếu không cháu sẽ học ngành Việt Nam học để sau này có thể kể cho bố mẹ về đất nước Việt Nam rộng lớn".

"Bây giờ trường Luật thì cháu không đủ điểm, nhưng tôi mong sao cháu có thể được tạo điều kiện học trường ĐH Sư phạm Hà Nội".

Nữ sinh đoạt giải Quốc gia, #039;trượt#039; ĐH: #039;Em đang ở nhà chăn trâu#039; - 2

Ông Đặng Văn Sài - phụ huynh em Huyền.

Cô Trương Khánh Hiền – giáo viên chủ nhiệm của em Đặng Thanh Huyền cũng rất buồn và tiếc cho trường hợp của Huyền.

“Tôi đã đọc tâm thư của Huyền gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Huyền là học sinh có nhận thức tốt, ngoan ngoãn nhưng gia đình lại ở vùng sâu, vùng xa, sát biên giới, việc tiếp cận thông tin rất khó khăn. Các em ra trường từ tháng 7/2016, giáo viên chủ nhiệm cũng nhắc nhở học sinh nếu có vấn đề gì cứ gọi cho cô. Tôi cũng gọi cho Huyền vào số điện thoại em đăng kí với nhà trường nhưng không liên lạc được. Gọi cả số điện thoại bố của Huyền cũng báo thuê bao. Tôi cũng nhắn học sinh ai liên lạc hay gặp được Huyền thì báo lại cho cô ngay nhưng cũng không bạn nào trong lớp gọi được cho Huyền.

Hôm trước chúng tôi liên lạc lại được với Huyền để báo tin được tham dự Lễ tuyên dương học sinh DTTS đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ năm 2016 tổ chức tại Hà Nội. Huyền nghe máy, tôi mừng lắm. Gặng hỏi mãi tình hình học tập thì em bảo em đang ở nhà chăn trâu. Lúc ấy thực sự tôi rất buồn”, cô Hiền tâm sự.

Cũng theo cô Hiền, trường có ít học sinh đăng kí thi xét tuyển đại học, ngay lớp của cô cũng chỉ có 4 em trong đó có Huyền. Năm nào nhà trường cũng rà soát học sinh đỗ đại học để báo cáo lên Sở GD&ĐT.

“Tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho Huyền để Huyền có cơ hội học tập và sau này về đóng góp cho địa phương”, cô Hiền nói.

Theo Công Luân - Nguyễn Huệ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh