Tác giả sách "giẫm lên thảm thủy tinh" lên tiếng

Ngày 25/08/2015 05:00 AM (GMT+7)

Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho rằng, kích thước thủy tinh đủ lớn và khung gỗ chắn đảm bảo độ dày thì việc đi trên thảm thủy tinh rất an toàn. Đây là sách dạy kỹ năng sống nên tình huống này cũng phù hợp với trẻ.

Cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do Tâm Việt Group phối hợp cùng NXB Giáo dục xuất bản đang gây xôn xao dư luận. Trong sách có đưa bài học về lòng dũng cảm thông qua câu chuyện của bạn An "tự tin đi qua thảm thủy tinh".

Rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang không biết con cái mình sẽ thế nào nếu thực hành theo sách. Bên cạnh việc giẫm lên mảnh thủy tinh là vô cùng nguy hiểm còn có ý kiến cho rằng lấy ví dụ về lòng dũng cảm này quá đáng sợ.

Tác giả sách quot;giẫm lên thảm thủy tinhquot; lên tiếng - 1

Chúng tôi đã liên lạc với tác giả cuốn sách, tiến sĩ Phan Quốc Việt, đồng thời là người sáng lập Tâm Việt Group, trung tâm này trước đây từng biết đến với phương pháp dạy kỹ năng sống "đi trên thảm thủy tinh" cũng như câu chuyện trong sách.

Theo tác giả, thủy tinh phải có diện tích 3cm2 (khoảng bằng hộp bao diêm), độ dày của đống thủy tinh tối thiểu 5cm. Khi mình giẫm lên, về mặt vật lý, mảnh nào nhọn nhô lên trên thì thiết diện bé, áp suất lớn sẽ bị đè xuống dưới. Mảnh nào nằm ngang thiết diện lớn, áp suất bé sẽ nằm lên trên. Như vậy, đi trên thủy tinh sẽ an toàn và đôi khi còn êm hơn đi trên sỏi.

Tác giả sách quot;giẫm lên thảm thủy tinhquot; lên tiếng - 2

Trải nghiệm đi trên thảm thủy tinh của một học sinh (Ảnh Infonet)

"Thông thường tôi sẽ cho các con thử nghiệm đi trên sỏi và thủy tinh. Sau khi đi xong các con lựa chọn đi trên thủy tinh vì không đau. Bài tập này chúng tôi đã thực hiện 10 năm nay, thậm chí chúng tôi còn cho trẻ mẫu giáo đi.

Cái quan trọng là chúng ta cho các em đối mặt với sự sợ hãi và khi gặp tai nạn các em sẽ bình tĩnh xử lý vì lâu nay vỡ cái ly, cái chén cũng khóc váng lên. Trẻ gà công nghiệp quá cũng không nên", ông nhấn mạnh.

Khi được hỏi về lý do tại sao lại lấy bài học "giẫm chân lên thủy tinh" để thử lòng dũng cảm cho học sinh lớp 1, tiến sĩ Phan Quốc Việt cho rằng đây là ví dụ có thể làm thật được để dạy kỹ năng sống. Còn những lời nói suông lại thuộc về sách đạo đức hoặc giáo dục công dân.

"Cái nào cũng có hai mặt và trẻ phải đối mặt. Còn việc suy diễn bé sẽ học theo thì cũng giống như chuyện học võ, tại sao phụ huynh lại cho con học võ, nhỡ may con đánh bạn thương tích thì sao?", tác giả cuốn sách gây xôn xao cho biết thêm.

Cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" gây xôn xao có nội dung câu chuyện như sau:

"Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi qua rồi, An cảm thấy thảm thủy tinh không còn đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh".

Bạn Diệu Anh, thành viên facebook chia sẻ ảnh nội dung cuốn sách bức xúc: "Khi đọc nội dung bài học về lòng dũng cảm mình thấy vừa buồn cười vừa bức xúc. Làm sao có thể dạy học sinh qua mấy cái ví dụ vớ vẩn như thế này được. Lỡ may có nhiều em nhỏ bắt chước thì sao?".

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 3000 lượt chia sẻ nội dung cuốn sách với câu chuyện "Bạn An dũng cảm" mà Diệu Anh đăng tải ban đầu.

Được biết, bộ sách dạy kỹ năng sống này được xuất bản trong năm 2015.

Là chuyên gia giáo dục cũng là người nắm vững tâm lý trẻ nhỏ, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Nếu là tôi, tôi sẽ không lựa chọn bài học này để dạy trẻ lòng dũng cảm".

Theo tiến sĩ Hương, có nhiều ví dụ gần gũi với trẻ con hơn là việc giẫm thủy tinh, ví dụ như dạy trẻ dũng cảm thừa nhận lỗi sai... Vấn đề ở đây không phải là bài học có hại hay không mà đã phù hợp hay chưa? Người dũng cảm không phải làm việc nguy hiểm mà biết thừa nhận mình đã làm sai.

Với một đứa trẻ, sau bài học dũng cảm đi qua thảm thủy tinh, các em sẽ tự hiểu là thủy tinh không hề nguy hiểm, là thứ vô hại. Thế nhưng với sự sáng tạo không giới hạn và hay làm theo bản năng, thích khám phá, nghịch ngợm của trẻ thì ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, chúng có thể cầm mảnh thủy tinh cứa vào tay chân để trải nghiệm, đây là điều không tránh khỏi. Rõ ràng, bài học này phù hợp với người lớn hơn là trẻ lớp 1.

"Tác giả của cuốn sách chưa nắm được tâm lý trẻ nhỏ cũng như tính vừa sức với trẻ. Bài học này cũng có em hiểu nhưng cũng có bạn không hiểu, không nhận thức hết được vấn đề. Các em không như người lớn để đủ hiểu những thứ nào vô hại với mình", tiến sĩ Hương bày tỏ.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự