Trong cuốn sách dạy kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1, một bài học về lòng dũng cảm được đưa ra là yêu cầu học sinh phải bước qua tấm thảm trải đầy thủy tinh. Nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc vì ví dụ quá nguy hiểm cho trẻ.
Trong cuốn sách có tên "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1", nhiều bậc phụ huynh "té ngửa" với bài học về lòng dũng cảm. Đó là câu chuyện về bạn An "tự tin đi qua thảm thủy tinh".
Nội dung câu chuyện:
Bạn An dũng cảm
Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi qua rồi, An cảm thấy thảm thủy tinh không còn đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh.
Nội dung cuốn sách được thành viên facebook có tên Nguyễn Hoàng Diệu Anh chia sẻ trên trang cá nhân. Theo Diệu Anh: "Khi đọc nội dung bài học về lòng dũng cảm mình thấy vừa buồn cười vừa bức xúc. Làm sao có thể dạy học sinh qua mấy cái ví dụ vớ vẩn như thế này được. Lỡ may có nhiều em nhỏ bắt chước thì sao?".
Nội dung bài học về lòng dũng cảm.
Bìa sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh: "Không phải sách viết gì là các em thực hiện theo"
Chia sẻ về nội dung cuốn sách, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TP.HCM cho biết, trước hết phải hiểu định nghĩa về lòng dũng cảm. Dũng cảm là khả năng sẵn sàng và nhanh chóng vươn tới mục đích bất chấp khó khăn, nguy hiểm, tính mạng hay lợi ích của bản thân.
Như vậy, hành động bé vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân giẫm lên mảnh thủy tinh để đạt được mục đích vẫn được xét là dũng cảm.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ tuổi, học sinh lớp 1 còn quá bé, không nên cho các cháu trải nghiệm giẫm lên thủy tinh vì rất nguy hiểm và quá sức. Nhất là đối với những bé sợ hãi, không giữ được thăng bằng sẽ bị ngã và các mảnh thủy tinh có thể sẽ đâm vào người trong quá trình thực hiện.
"Quan niệm của mình, mỗi một lứa tuổi càng được nhiều trải nghiệm hoạt động càng tốt, ai càng trải nghiệm càng trưởng thành", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Thạc sĩ Minh cũng cho biết thêm, đây là trải nghiệm không nhiều ghê gớm, thực tế người ta đã nghiên cứu trên nhiều đối tượng trước khi được đưa vào giảng dạy ở các lớp kỹ năng sống. Trải nghiệm trước khó khăn thử thách là điều nên làm để cho con người mạnh dạn, quyết tâm cao, hơn hẳn việc chỉ ngồi đọc. Tất nhiên, phải nhấn mạnh là phù hợp với độ tuổi.
Một học sinh trải nghiệm đi trên thảm thủy tinh tại một trung tâm dạy kỹ năng sống (Ảnh: Infonet)
Nói về sự lo lắng của phụ huynh khi các em nhỏ sẽ bắt chước thực hiện, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng: "Thực ra đối với học sinh lớp 1, quan trọng là định hướng của cô giáo khi dạy. Học sinh lớp 1 không có khả năng để bày trò đập thủy tinh ra rồi thử thách nhau 'Bạn ơi đi đi". Các em không như người lớn nghĩ và không phải sách viết gì là các em thực hiện theo.
Phụ huynh không nên hoang mang quá trong tình huống này bởi quan trọng giáo viên hướng dẫn các em về lòng dũng cảm và sẽ cảnh báo các em không thực hiện ở nhà vì dễ đứt tay.
Các bậc cha mẹ lên tiếng phản đối bài học này cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, phụ huynh nên nhìn vấn đề toàn diện, đừng vì quy chụp tình tiết mà đánh giá cả công trình sách không ra gì là không nên.