Nếu lần đầu tiên đến quán, hẳn người ta sẽ bỡ ngỡ tự hỏi: “Phải chăng mình đang lạc vào một không gian của nhiều năm về trước?”.
Ẩn mình sâu trong con ngõ 68, Cầu Giấy (Hà Nội), quán cafe Cuối Ngõ lặng lẽ như chính cái tên của nó.
Tất cả đồ đạc ở đây: từ cổng vào, nền nhà, tường nhà, bàn ghế, hay những bức tranh… đều mang chất “xưa” và được người chủ của nó bài trí một cách ngăn nắp, gọn gàng.
Quán cafe ấn tượng từ cổng vào với thiết kế của kiến trúc những năm đầu thế kỷ XX như lời mời gọi: “Nhà tôi đó không cổng và không cửa, Ai ghé chơi cứ việc hút thuốc lào...”.
Theo chia sẻ của anh Khải – chủ quán cafe Cuối Ngõ, cổng quán được giữ nguyên như vậy kể từ năm 1932. Còn ngôi nhà mang không gian xưa của quán được sửa lại vào năm 1984. Dù được sửa nhưng ngôi nhà không có sự thay đồi nhiều. “Màu thời gian” vẫn nhuốm đầy không gian quán.
Với một không gian lạ, giản dị mà độc đáo, người ta tìm đến đây để được lặng yên nhâm nhi vài ngụm cafe và lắng nghe những bản nhạc Trịnh sâu lắng. Thế nhưng, rất nhiều người tìm đến nơi này lại không để thưởng thức cafe, cũng không để nghe nhạc Trịnh mà chỉ đến để được ngồi ngắm hoa. Bởi mỗi ngày, không gian quán đều được làm đẹp bởi một vài bình hoa tươi như: hoa sen, hoa hồng, hoa vàng anh, hoa cúc, bằng lăng tím, hoa loa kèn… Những loài hoa rất giản dị mà sang trọng, thanh khiết được trang trí bởi bàn tay nghệ sỹ của người chủ quán.
Chị Hồng Tươi, một khách quen của quán chia sẻ: “Đến với cafe Cuối Ngõ mình như quên đi hết mọi bận rộn, lo toan của cuộc sống để được trở về một không gian rất yên bình. Điều đặc biệt khi đến quán là không gian, ánh sáng của quán. Ngồi trong căn nhà cấp 4 mình có cảm giác như ngồi ở quê ngày xưa dưới ánh trăng mùa hè”.
Để có được một không gian với ánh sáng đặc trưng như vậy là một ngụ ý của anh Khải, chủ quán cafe. Theo anh, việc sắp đặt ánh sáng cũng rất cần con mắt nghệ thuật: “Với không gian quán là một ngôi nhà cấp 4, những ngọn đèn vàng với ánh sáng đủ sẽ cho con người cảm giác bình yên và đặc biệt phù hợp với cách bài trí của quán. Nếu để ánh sáng khác sẽ ngay lập tức phá vỡ không gian. Để có được sự hài hòa, tất cả mọi thứ đều phải ăn nhập với nhau từ màu sắc của ánh sáng đến màu sắc của bàn ghế. Kể từ khi mở quán cách đây 11 năm, nhiều thứ trong quán đã có sự thay đổi nhưng ánh sáng từ những ngọn đèn vừa đủ vẫn luôn được giữ nguyên như vậy”.
Nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội nhưng cafe Cuối Ngõ vẫn lặng lẽ giữ riêng cho mình những nét đẹp của hồn quê Việt Nam. Tạm xa cái ồn ào của cuộc sống thị thành, người ta đến đây để được sống trong một không gian yên bình của làng quê Việt Nam: rất giản dị mà lịch sự, thanh lịch.
Cổng vào quán cafe Cuối Ngõ được giữ nguyên kể từ khi xây dựng năm 1932.
“Xuống xe tắt máy” khi vào quán là thể hiện sự lịch sự, tôn trọng khách và gìn giữ sự yên tĩnh của quán.
Lối đi vào sạch sẽ với hai hàng cây cảnh.
Không gian hài hòa của ánh sáng với đồ vật và cách bài trí quán.
Những ngọn đèn tạo nên ánh sáng đặc biệt chỉ có ở Cuối Ngõ.
Chiếc điện thoại cổ trưng bày trên quầy thanh toán.
Những đồ vật gắn liền với miền quê Việt Nam được trưng bày rất nghệ thuật.
Những bức tranh cổ được bài trí trên bức tường rêu phong.
Quạt trần hay những chiếc mẹt dùng để xảy lúa thời xưa cũng tạo nên những điểm riêng biệt của quán.
Những bộ bàn ghế cũ có màu sắc hài hòa với ánh sáng trong không gian quán.
Cây đèn dầu thường sử dụng khi mất điện ngày xưa đôi khi được chủ quán dùng tạo ánh sáng.
Chiếc mặt nạ hề ngộ nghĩnh.
Chiếc đài cũ và cây đèn dầu trưng bày trên bàn thanh toán.
Những bức tường đặc biệt được làm bằng “màu thời gian”.
Hoa tươi là nét đặc trưng không thể thiếu ở cafe Cuối Ngõ.
Không gian quán trở nên thơ mộng hơn khi có những bình hoa tươi.