Họ là 4 người đẹp gốc Hà Nội được mệnh danh là giai nhân Việt xưa bởi vẻ đẹp nức tiếng thời bấy giờ.
Phụ nữ Việt xưa dù nghèo khó nhưng vẫn nổi tiếng trong khắp Đông Dương bởi nét đẹp thanh tao và hiền dịu. Đặc biệt là những người phụ nữ Hà Nội cổ xưa, họ có được làn da trắng mịn màng và khuôn mặt nhỏ nhắn, dịu dàng mà kiêu sa. Trong số rất nhiều phụ nữ đẹp đó, có 4 cái tên vẫn được mọi người nhắc tới cho đến bây giờ đó chính là: Bà Bạch Thược, Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Thu Trang, bà Nghiêm Thúy Băng và bà Đỗ Thị Bính.
Hoa hậu Thu Trang
Bà tên là Công Thị Nghĩa, nhưng cái tên quen thuộc hơn với đám đông lại là Thu Trang. Sinh năm 1932, quê gốc tại Hà Nội, học xong bậc tiểu học, bà Nghĩa theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống để thuận lợi cho công việc của thân phụ.
Ngày 20.5.1955, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được diễn ra. Xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc, Thu Trang đăng quang vương miện Hoa hậu.
Từ thời bấy giờ, bà Thu Trang đã có chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng là 86-62-88. Năm 1961, nhận lời mời tham dự tuần lễ phim ảnh tại Pháp, bà đã rời Sài Gòn và định cư lâu dài tại đất nước này. Sang Pháp, bà không tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật cũng như điện ảnh nào.Thay vào đó, bà quay trở lại thú đam mê thời con gái là viết và nghiên cứu lịch sử.
Bà Bạch Thược
Bà Bạch Thược sinh năm 1935, là một trong những nhan sắc nức tiếng ở phố cổ Hà Nội thuở bấy giờ. Khi bà Bạch Thược cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà ở phố Ngõ Trạm, Phùng Hưng, cả gia đình bà đều mong chờ một cậu quý tử để nối dõi tông đường, bởi nhà bà đã có đến 3 cô con gái. Nhưng bố mẹ của bà Bạch Thược đã không phải thất vọng, bởi khi vừa chào đời bà đã có những nét đẹp rạng rỡ.
Lớn lên, vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn. Bạch Thược lại có năng khiếu văn nghệ, bà tham gia diễn nhiều vở kịch của trường, như Quán Thăng Long, Lý Chiêu Hoàng, nên vẻ đẹp của bà càng có dịp được tỏa sáng.
Bà Thược năm nay đã 79 tuổi, nhưng nét đẹp sắc sảo mặn mà, đài các của một người con gái Hà thành xưa vẫn còn vương lại trên khuôn mặt bà. Bấy lâu nay, bà sống một mình trong căn nhà tập thể ở khu Nam Thành Công, các con đều đã trưởng thành và rời xa vòng tay của mẹ.
Bà Nghiêm Thúy Băng
Khi nhắc đến cố nhạc sĩ Văn Cao, nhiều người đã nghĩ ngay đến người vợ thân yêu của ông, bà Nghiêm Thúy Băng. Bởi, từ rất lâu rồi, người phụ nữ gốc Hà Thành ấy như một biểu trưng cho sắc đẹp hội tụ của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Bà Thúy Băng được thừa hưởng nhan sắc từ người mẹ, cũng là con của một đại tư sản ngày đó. Cuộc sống giàu sang và nhan sắc rực rỡ của Thúy Băng đã khiến bao chàng trai tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư bên Pháp về si mê và cho người đến dạm ngõ, nhưng Thúy Băng vẫn không rung động trước một ai.
Năm nay, dù đã bước sang tuổi 84 nhưng gương mặt bà vẫn còn lưu lại những nét đẹp xưa của một giai nhân Hà thành. Đó là vẻ đẹp sang trọng, đài các và nền nã của một cô gái được sinh ra trong gia đình giàu có. Bà Thúy Băng hiện sống trong căn nhà nhỏ ở phố Yết Kiêu, ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều ký ức về người chồng tài hoa của bà.
Bà Đỗ Thị Bính
Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Vì có thói quen mặc đồ đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là “người đàn bà áo đen”. Các bài thơ như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương”… đều phảng phất bóng dáng giai nhan Đỗ Thị Bính. Người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Pháp, nhưng tình thì có, nhưng duyên thì không. Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939. Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.